Ba phút cùng luật sư:

Thế nào là khiêu dâm trong quán cà phê, karaoke?

(Dân trí) - TPHCM “than phiền” nhiều về vấn nạn kinh doanh khiêu dâm, thậm chí là sắp dán nhãn “không khiêu dâm, kích dục” trước các cơ sở kinh doanh nhạy cảm như quán cà phê, hớt tóc... Nhưng thực tế là khái niện “khiêu dâm” chưa được luật hóa nên việc xử lý hành vi này rất khó khăn.

Xử lý hành vi khiêu dâm, kích dục như thế nào?

Trong chương trình “Ba phút cùng luật sư” kỳ này của báo Dân trí, luật sư Nguyễn Thúy Lệ Huyền, cộng tác viên Thư Viện Pháp Luật, sẽ nói rõ hơn tính pháp lý của việc TPHCM đề xuất dán nhãn “không khiêu dâm, kích dục” trước các cơ sở kinh doanh nhạy cảm cũng như các mức xử phạt hành vi sử dụng hình thức khiêu dâm để kinh doanh.

Thưa luật sư, có bạn đọc gửi đến chương trình câu hỏi như sau: “Tôi nghe nói TPHCM sắp dán nhãn “không khiêu dâm, kích dục” trước các cơ sở kinh doanh nhạy cảm như quán cà phê, hớt tóc... Việc làm này có đúng luật không vì có nhiều quán cà phê, hớt tóc... bình thường. Hành vi của các tiếp viên trong quán tẩm quất, masage, cà phê, hớt tóc... tới mức thế nào sẽ bị quy kết là có khiêu dâm?”

Theo quy định tại điểm đ điều 15 Pháp lệnh Phòng, chống mại dâm thì các cơ sở kinh doanh dịch vụ phải cam kết chấp hành quy định của pháp luật về phòng, chống mại dâm và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về tệ nạn mại dâm.

Nhưng hiện nay chưa có định nghĩa hay quy định rõ ràng nào về thế nào là hành vi khiêu dâm nên khó quy kết hành vi cụ thể nào đó là khiêu dâm và truy cứu trách nhiệm của cơ sở kinh doanh.

Thế nào là khiêu dâm trong quán cà phê, karaoke? - Ảnh 2.

Luật sư Nguyễn Thúy Lệ Huyền (phải) đang tư vấn cho chương trình "Ba phút cùng luật sư"

Vậy việc xử lý hành vi khiêu dâm tại các cơ sở kinh doanh này hiện như thế nào thưa luật sư?

Việc xử lý hành vi khiêu dâm trong các hoạt động của cơ sở kinh doanh dịch vụ cũng chưa có quy định rõ ràng. Theo khoản 2 Điều 25 Nghị định 167 năm 2013 của Chính phủ thì phạt tiền đến 30 triệu đồng đối với hành vi sử dụng việc mua dâm, bán dâm và các hoạt động tình dục khác làm phương thức kinh doanh. Tuy nhiên, không có hướng dẫn cụ thể là các hoạt động tình dục khác có bao gồm khiêu dâm hay không? Bởi lẽ, hành vi khiêu dâm khác hành vi tình dục.

Nên rõ ràng nếu chỉ dựa vào các văn bản pháp luật hiện hành thì khó có thể xử lý hành vi khiêu dâm tại các cơ sở kinh doanh vi phạm.

Còn về luật hình sự thì có quy định nào về hành vi khiêu dâm không thưa luật sư?

Về trách nhiệm hình sự thì theo Bộ luật Hình sự năm 1999 (được sửa đổi, bổ sung năm 2009) cũng không có quy định nào về xử lý hành vi khiêu dâm hay liên quan đến việc khiêu dâm.

Còn theo Bộ luật Hình sự năm 2015 thì đã có quy định mới về Tội sử dụng người dưới 16 tuổi vào mục đích khiêu dâm tại Điều 147. Theo đó, người nào đủ 18 tuổi trở lên mà lôi kéo, dụ dỗ, ép buộc người dưới 16 tuổi trình diễn khiêu dâm hoặc trực tiếp chứng kiến việc trình diễn khiêu dâm dưới mọi hình thức, thì bị phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm…

Nhưng để có cơ sở truy cứu trách nhiệm hình sự thì cần phải có hướng dẫn cụ thể hoặc định nghĩa rõ ràng về khiêu dâm. Có như vậy, việc xử lý mới đúng người, đúng tội và không gây tranh cãi pháp lý sau này.

Vâng, xin cảm ơn Thư Viện Pháp Luật và luật sư Nguyễn Thúy Lệ Huyền đã hỗ trợ thực hiện chương trình này!

Tùng Nguyên - Phạm Nguyễn - Thiên Thanh (thực hiện)

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm