Ông Tây da đen lừa đảo hàng trăm phụ nữ Việt đối mặt với mức án nào?

(Dân trí) - Đối tượng Micheal IkeChukwu Leonard (quốc tịch Nigieria) và băng nhóm vừa bị bắt khi với hành vi lừa hàng trăm phụ nữ Việt Nam, chiếm đoạt trên 20 tỷ đồng phải đối mặt với mức án phạt cao nhất là chung thân.

Như Dân trí đã đưa tin phòng Cảnh sát hình sự Công an TP Cần Thơ vừa bắt khẩn cấp Micheal IkeChukwu Leonard (44 tuổi, quốc tịch Nigieria), Huỳnh Hạ Bình (26 tuổi), Huỳnh Hạ Uyển (24 tuổi) và Nguyễn Trần Quỳnh Nhi (25 tuổi, cả 3 cùng ngụ TP Hồ Chí Minh) về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Đối tượng Micheal IkeChukwu Leonard (44 tuổi, quốc tịch Nigieria) vừa bị bắt khi có hành vi lừa hàng trăm phụ nữ Việt với thủ đoạn làm quen, nhắn tin qua Facebook, gửi quà tặng để lợi dụng lòng tin nhằm thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản của những người phụ nữ nhẹ dạ cả tin ở Việt Nam.

Kết quả điều tra cũng cho thấy, từ năm 2015 đến khi bị bắt, băng nhóm này đã thực hiện hàng trăm vụ lừa đảo các phụ nữ từ bắc chí nam qua mạng internet, bằng những màn kịch tặng quà nhóm lừa đảo này đã chiếm đoạt hơn 20 tỷ đồng. Trong đó, trên địa bàn Cần Thơ, bọn chúng lừa 7 nạn nhân, chiếm đoạt hơn 2 tỷ đồng. Công an thu giữ nhiều phương tiện liên quan như: 5 laptop, 8 ĐTDĐ, 20 thẻ ATM của nhiều ngân hàng, máy tính bảng, máy chụp ảnh, nhiều tiền Việt và USD trị giá hàng trăm triệu đồng…

Đây là vụ việc điển hình về tình trạng lừa đảo xuyên quốc gia đang có dấu hiệu gia tăng và diễn biến phức tạp với quy mô lớn. Theo cảnh báo từ cơ quan chức năng, các băng nhóm tội phạm đã lợi dụng mạng xã hội để thực hiện những hành vi phạm tội. Điều này gây khó khăn không nhỏ cho công tác điều tra, phòng chống tội phạm khi mà các hành vi phạm tội thông qua mạng xã hội thực hiện với thủ đoạn ngày càng tinh vi với nhiều phương thức khác nhau.

Đối tượng Micheal IkeChukwu Leonard (44 tuổi, quốc tịch Nigieria) vừa bị bắt khi có hành vi lừa hàng trăm phụ nữ Việt.
Đối tượng Micheal IkeChukwu Leonard (44 tuổi, quốc tịch Nigieria) vừa bị bắt khi có hành vi lừa hàng trăm phụ nữ Việt.

Phân tích vụ việc, Luật sư Chu Văn Tiến - Công ty Luật TNHH An Nam, Đoàn Luật Sư Hà Nội khẳng định: Các đối tượng trên đã phạm vào tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo Điều 139 BLHS năm 1999 (sửa đổi năm 2009).

“Do có sự phối hợp chặt chẽ với nhau trong quá trình thực hiện hành vi vi phạm, nên trường hợp này 4 đối tượng Micheal IkeChukwu Leonard, Huỳnh Hạ Bình, Huỳnh Hạ Uyển và Nguyễn Trần Quỳnh Nhi được coi là đồng phạm về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Bởi lẽ, theo quy định của BLHS, đồng phạm là trường hợp có hai người trở lên cố ý cùng thực hiện một tội phạm. Trong đồng phạm mỗi người thường có một vai trò khác nhau như: vai trò người tổ chức (có hành vi tổ chức thực hiện tội phạm), người thực hành (trực tiếp thực hiện tội phạm), người xúi giục (có hành vi xúi giục người khác phạm tội), hay người giúp sức (dùng các biện pháp giúp người khác thực hiện tội phạm). Các hành vi của những người tham gia có sự liên kết thống nhất với nhau biểu hiện cụ thể: hành vi của người này phải là tiền đề cho hành vi của người khác và hành vi của mỗi người phải có mối quan hệ nhân quả với việc thực hiện tội phạm chung và hậu quả của tội phạm chung đó”- ông Tiến nói.

Ông Tiến phân tích, từ năm 2015 đến thời điểm bị bắt, Micheal IkeChukwu Leonard (44 tuổi, quốc tịch Nigieria), Huỳnh Hạ Bình (26 tuổi), Huỳnh Hạ Uyển (24 tuổi) và Nguyễn Trần Quỳnh Nhi (25 tuổi) đã lừa đảo chiếm đoạt số tiền trên 20 tỷ đồng, đối chiếu với các quy định của BLHS năm 1999 sửa đổi bổ sung năm 2009, có thể các đối tượng này sẽ bị xử lý theo quy định tại Khoản 4 Điều 139 về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

“4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm hoặc tù chung thân:

a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm trăm triệu đồng trở lên;

b) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.”

“Với tội này, các đối tượng trên có thể phải chịu mức cao nhất của khung hình phạt là tù chung thân. Ngoài ra người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm triệu đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản, bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm” - ông Tiến nhận định.

Ở góc độ khác dù trong số các đối tượng phạm tội có Micheal IkeChukwu Leonard (44 tuổi, quốc tịch Nigieria) - người có quốc tịch nước ngoài, nhưng xét về nguyên tắc, Điều 5 BLHS quy định : “Bộ luật hình sự được áp dụng đối với mọi hành vi phạm tội thực hiện trên lãnh thổ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, trừ trường hợp người nước ngoài thuộc đối tượng hưởng các quyền miễn trừ ngoại giao hoặc quyền ưu đãi, miễn trừ về lãnh sự, các điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết”.

Do đó, đối với người nước ngoài phạm tội trên lãnh thổ CHNXCN Việt Nam thuộc đối tượng được hưởng các quyền ưu đãi miễn trừ ngoại giao, lãnh sự theo pháp luật Việt Nam, theo các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên hoặc theo tập quán quốc tế, thì vấn đề trách nhiệm hình sự của họ được giải quyết bằng đường ngoại giao. Tuy nhiên, trong trường hợp này, ông Micheal IkeChukwu Leonard mang quốc tịch Nigeria mà giữa Việt Nam và Nigeria chưa ký kết hiệp định tương trợ tư pháp trong lĩnh vực hình sự, nên khi Micheal IkeChukwu Leonard có hành vi phạm tội trên lãnh thổ Việt nam thì sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật hình sự của Việt Nam. Các thủ tục điều tra, truy tố, xét xử được tiến hành theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự.

Luật sư nhận định các đối tượng trong nhóm lừa đảo có thể phải chịu mức án cao nhất là chung thân.
Luật sư nhận định các đối tượng trong nhóm lừa đảo có thể phải chịu mức án cao nhất là chung thân.

Ông Tiến cũng đưa ra thực tế, quy trình, thủ tục tố tụng đối với các vụ án hình sự có bị can, bị cáo là người nước ngoài thường gặp phải một số khó khăn như: việc thu thập tài liệu, chứng cứ, việc xác minh lý lịch tư pháp; tiền án, tiền sự, xác định nhân thân, tên tuổi, lai lịch, nơi cư trú của các đối tượng; việc trưng cầu người phiên dịch, dịch thuật; giám định hộ chiếu, các giấy tờ tuỳ thân khác đối với các bị can người nước ngoài phạm tội…

Do vậy, theo quy định của pháp luật, quy trình tố tụng ở giai đoạn đầu đối với người nước ngoài phạm tội ở Việt nam thường được thực hiện theo 7 bước gồm:

- Xác định tiếng nói và chữ viết trong tố tụng hình sự:

- Trưng cầu phiên dịch trong tố tụng hình sự:

- Xác định quốc tịch:

- Xác định lý lịch bị can

- Thông báo về việc bắt, việc tạm giam.

-Giao bản kết luận điều tra, bản cáo trạng.

- Về thẩm quyền thụ lý, xét xử vụ án: đối với các vụ án có yếu tố nước ngoài, thẩm quyền xét xử của tòa án được quy định tại điều 171 BLTTHS, cụ thể là thuộc thẩm quyền của tòa án cấp tỉnh thụ lý, giải quyết.

Thanh Trầm