Bài 5:

Ninh Bình: Xử lý vi phạm luật đê điều kiểu “đầu voi đuôi chuột”?

(Dân trí) - Trước tình trạng vi phạm luật đê điều xảy ra nhức nhối, UBND tỉnh Ninh Bình chỉ đạo cương quyết dẹp bỏ; lãnh đạo các Sở ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố phải chịu trách nhiệm nếu không xử lý dứt điểm các vụ vi phạm. Tuy nhiên, đến nay vi phạm luật đê điều tại tỉnh này vẫn còn “nhan nhản”.

Như Dân trí đã phản ánh, tình trạng vi phạm pháp luật đê điều tại Ninh Bình thời gian qua đã gây nhức nhối, bức xúc trong dư luận. Đặc biệt, các vụ vi phạm luật đê điều nghiêm trọng đều là những doanh nghiệp có “tên tuổi”, bậc “ông lớn” ở Ninh Bình. Những vi phạm này đã làm biến dạng nhiều tuyến đê, thay đổi dòng chảy của nhiều con sông, gây ra tình trạng bất chấp luật pháp, ngang nhiên vi phạm luật để kiếm lời, còn chính quyền địa phương thì “bó tay” trong cách xử lý.

Tỉnh chỉ đạo cương quyết

Trước tình trạng vi phạm pháp luật đê điều xảy ra nhức nhối trên địa bàn thời gian dài, từ đầu năm đến nay, UBND tỉnh Ninh Bình đã 2 lần ra văn bản chỉ đạo các địa phương, ban ngành chức năng vào cuộc xử lý dứt điểm các vi phạm ở các tuyến đê, sông trên địa bàn.

Bãi tập kết cát vi phạm Luật đê điều trên đê hữu sông Đáy đoạn qua địa bàn thành phố Ninh Bình.
Bãi tập kết cát vi phạm Luật đê điều trên đê hữu sông Đáy đoạn qua địa bàn thành phố Ninh Bình.

Cụ thể, các vụ vi phạm lớn chủ yếu ở các tuyến đê tả hữu sông Hoàng Long, đê hữu sông Đáy, sông Vạc… thuộc địa bàn các huyện như: Gia Viễn, Yên Khánh, thành phố Ninh Bình, Yên Mô, Kim Sơn…

Văn bản số 128/UBND – VP3 ngày 10/05/2017 của UBND tỉnh Ninh Bình cho thấy, trên địa bàn toàn tỉnh có 94 vụ vi phạm pháp luật đê điều. Sau khi báo Dân trí phản ánh, các địa phương đã dẹp bỏ được 8 vụ vi phạm, còn lại 86 vụ. Trong đó, nhiều nhất là huyện Gia Viễn (22 vụ) và Yên Khánh (39 vụ); các huyện như Kim Sơn 6 vụ, Yên Mô 6 vụ; thành phố Ninh Bình 7 vụ, huyện Nho Quan 7 vụ, huyện Hoa Lư 7 vụ.

UBND tỉnh Ninh Bình giao Sở NN&PTNT chủ trì thống kế, phân loại các vi phạm đề xuất phương án để xử lý dứt điểm các hành vi lấn chiếm mặt đê, mái đê, hành lang bảo vệ đê và khả năng thoát lũ (đối với các vi phạm đơn giản, mới phát sinh xử lý xong trước 30/05/2017; đối với những vụ việc phức tạp còn tồn đọng kéo dài, tập trung xử lý xong trước 30/10/2017).

Chủ tịch UBND các huyện, thành phố chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh nếu không xử lý dứt điểm và đúng hạn các vụ vi phạm đê điều trên địa bàn. Ngoài ra, UBND tỉnh Ninh Bình còn yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện, thành phố; thủ trưởng các Sở, ngành chỉ đạo thực hiện nghiêm túc và chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh về kết quả xử lý các vi phạm về đê điều, ngăn ngừa các hành vi tái phạm.

Hàng loạt cảng sông không phép ngang nhiên hoạt động, chính quyền các cấp tại Ninh Bình bó tay không xử lý được.
Hàng loạt cảng sông không phép ngang nhiên hoạt động, chính quyền các cấp tại Ninh Bình "bó tay" không xử lý được.

Sau đó, UBND tỉnh Ninh Bình tiếp tục có văn bản chỉ đạo các Sở: NN&PTNT, Xây dựng, Kế hoạch và Đầu tư, Tài Nguyên và Môi trường, Giao thông vận tải, Công an tỉnh, Ban Quản lý các khu công nghiệp, UBND các huyện, thành phố về việc “tăng cường xử lý dứt điểm các vi phạm pháp luật về đê điều trên địa bàn tỉnh”.

Ông Đinh Chung Phụng - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Ninh Bình nêu rõ: “UBND tỉnh yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện, thành phố; Giám đốc các Sở NN&PTNT; Thủ trưởng các Sở, ngành chỉ đạo thực hiện nghiêm túc các nội dung trên và chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh về kết quả xử lý các vi phạm pháp luật về đê điều”.

Trên chỉ đạo “đầu voi”, dưới xử lý kiểu “đuôi chuột”?

Đến nay, quá “hạn chót” mà UBND tỉnh Ninh Bình giao cho các địa phương xử lý dứt điểm tình trạng vi phạm pháp luật đê điều trên địa bàn đã nhiều tháng. Tuy nhiên, các vụ vi phạm tại các huyện như: Gia Viễn, Yên Khánh, thành phố Ninh Bình… vẫn còn “nhan nhản”. Những vi phạm của các doanh nghiệp vẫn chưa bị dẹp bỏ như chỉ đạo cương quyết của UBND tỉnh. Nhiều địa phương kêu khó vì không thể đụng vào “ông lớn”.

Theo đó, tại thành phố Ninh Bình, dọc theo đê hữu sông Đáy đoạn qua phường Bích Đào và xã Ninh Phúc hàng loạt công trình “khủng” vi phạm pháp luật đê điều nghiêm trọng của nhiều doanh nghiệp lớn trên địa bàn vẫn chưa bị xử lý dẹp bỏ, thậm chí chính quyền địa phương còn lung túng trong cách xử lý vi phạm khi các doanh nghiệp này “bất hợp tác”.

Cảng sông xây dựng trái phép của một ông lớn tại phường Bích Đào, thành phố Ninh Bình đến nay địa phương này vẫn chưa thể xử lý theo chỉ đạo của tỉnh.
Cảng sông xây dựng trái phép của một "ông lớn" tại phường Bích Đào, thành phố Ninh Bình đến nay địa phương này vẫn chưa thể xử lý theo chỉ đạo của tỉnh.

Báo cáo của UBND thành phố Ninh Bình cho thấy, sau khi có văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh Ninh Bình, chính quyền thành phố đã triển khai, phối hợp và ra hàng loạt văn bản chỉ đạo các xã, phường, ban ngành vào cuộc xử lý các vụ vi phạm. Tính đến ngày 31/10/2017, trên địa bàn thành phố không có vi phạm mới phát sinh. Trong tổng số 7 vụ vi phạm (đều là vi phạm của doanh nghiệp lớn) đã xử lý dứt điểm được 1 vụ (vi phạm của Công ty TNHH MTV xây dựng quốc tế ABC tại Km 20 + 100 thuộc địa bàn phường Bích Đào) với nội dung vi phạm là tập kết cát trong hành lang bảo vệ đê phía đồng.

Hiện trên địa bàn thành phố Ninh Bình còn tồn tại 6 vụ vi phạm chưa xử lý xong, chủ yếu: Đối tượng vi phạm là các doanh nghiệp có hoạt động sản xuất, kinh doanh trong hành lang bảo vệ đê; Nội dung vi phạm là tập kết, kinh doanh vật liệu, xây dựng nhà xưởng, trạm cân, công trình phụ, san lấp mặt bằng bãi cao… tự ý xây dựng công trình khi chưa được cấp phép của cơ quan có thẩm quyền, xây dựng công trình sai so với quyết định cấp phép.

Lý do mà UBND thành phố Ninh Bình đưa ra khi chưa xử lý dứt điểm được các vụ vi phạm là do các công ty có vi phạm “bất hợp tác” với cơ quan chức năng, viện nhiều lý do không chính đáng. UBND thành phố Ninh Bình “kêu khó” trong việc xử lý các vụ vi phạm này, vì vậy đã đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các đơn vị chức năng kiểm tra, có phương án xử lý đối với các doanh nghiệp vi phạm, có tình không chấp hành các quy định của pháp luật.

Căn nhà xây dựng trái phép trong hành lang bảo vệ đê của Tập đoàn Phúc Lộc đã bị đình chỉ thi công, nhưng chưa bị tháo dỡ.
Căn nhà xây dựng trái phép trong hành lang bảo vệ đê của Tập đoàn Phúc Lộc đã bị đình chỉ thi công, nhưng chưa bị tháo dỡ.

Tại các huyện có vi phạm luật đê điều nhiều như Yên Khánh, Gia Viễn, tình trạng xử lý các vụ vi phạm cũng không có chuyển biến là mấy. Tại huyện Yên Khánh vẫn còn 32 tập thể, cá nhân vi phạm Luật đê điều; huyện Gia Viễn vẫn còn gần 20 vụ vi phạm; một số huyện khác tình trạng cũng không khả quan hơn là mấy.

Báo Dân trí sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc này.

Thái Bá

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm