Bài 3:

Ninh Bình: Vi phạm luật đê điều “nhan nhản”, chính quyền có vô can?

(Dân trí) - Gần đến “hạn chót” xử lý dứt điểm các vụ vi phạm pháp luật đê điều theo chỉ đạo của UBND tỉnh Ninh Bình, tuy nhiên hiện nay nhiều địa phương vẫn “bình chân như vại”. Không xử lý hết các vụ vi phạm pháp luật đê điều trên địa bàn, lãnh đạo các địa phương có vô can?

Chính quyền có vô can?

Như Dân trí đã phản ánh, thời gian qua trên địa bàn tỉnh Ninh Bình “nhức nhối” vi phạm pháp luật đê điều. Toàn tỉnh có tới 94 vụ vi phạm ở các huyện như Gia Viễn, Yên Khánh, Kim Sơn, thành phố Ninh Bình… dọc theo các tuyến sông như: sông Hoàng Long, sông Đáy, sông Vạc…

Các vụ vi phạm này ngoài những hộ dân còn có nhiều doanh nghiệp, tập đoàn lớn trên địa bàn. Các vụ vi phạm pháp luật đê điều diễn ra từ nhiều năm nay, có nơi thành hệ thống đến khi báo Dân trí phản ánh, chính quyền vào cuộc mới phát lộ ra nhiều vụ vi phạm nghiêm trọng. UBND tỉnh Ninh Bình đã chỉ đạo yêu cầu phải xử lý hết các vụ vi phạm này trước ngày 30/10/2017.

Cảng xây dựng vi phạm pháp luật đê điều tại phường Bích Đào, thành phố Ninh Bình của Tập đoàn Vissai Ninh Bình.
Cảng xây dựng vi phạm pháp luật đê điều tại phường Bích Đào, thành phố Ninh Bình của Tập đoàn Vissai Ninh Bình.

Đến nay, gần đến “hạn chót” UBND tỉnh giao xử lý, tuy nhiên tại nhiều địa phương có vi phạm tình hình xử lý vẫn “án binh bất động”. Có huyện vẫn “bình chân như vại” hoặc “kêu khó” vì không thể xử lý vì đụng trạm đến nhiều “ông lớn”.

Tại huyện Gia Viễn có tới 22 vụ vi phạm pháp luật về đê điều. Trong đó có nhiều vụ vi phạm nghiêm trọng, tồn tại nhiều năm nhưng chính quyền không dám đụng. Hàng năm cũng thành lập đoàn kiểm tra, lập biên bản vi phạm nhưng xong đâu lại vào đó. Theo báo cáo của huyện này, trên địa bàn mới chỉ xử lý được 4 vụ, còn lại 18 vụ vi phạm là các bến bãi trung chuyển vật liệu, dựng lều lán, cảng bốc xếp…

4 vụ vi phạm mà huyện Gia Viễn đã xử lý đều vi phạm nhỏ lẻ, các hộ dân tự ý xây lều, lán tạm, dựng hàng rào trong hành lang bảo vệ đê. Các vụ vi phạm còn tồn tại đều là các vụ “khó đụng” như: các bãi tập kết cát có quy mô lớn; bãi sơ chế dăm gỗ của Công ty TNHH Linh Nhung (xã Gia Phú); cảng bốc xếp hàng hóa của Nhà máy xi măng The Vissai (xã Gia Tân); cảng bốc xếp, tập kết vật liệu xây dựng, trạm trộn bê tông của Công ty TNHH Thiên Phú (xã Gia Trấn), Doanh nghiệp tư nhân Hùng Cường, Doanh nghiệp tư nhân Hải Chung…

Xưởng dăm gỗ xây dựng, hoạt động trái phép vi phạm pháp luật của công ty TNHH Linh Nhung tại xã Gia Phú, huyện Gia Viễn.
Xưởng dăm gỗ xây dựng, hoạt động trái phép vi phạm pháp luật của công ty TNHH Linh Nhung tại xã Gia Phú, huyện Gia Viễn.

Tại huyện Yên Khánh, theo thống kê có tới 39 vụ vi phạm pháp luật về đê điều. Sau chỉ đạo của UBND tỉnh Ninh Bình huyện này cũng có văn bản chỉ đạo các xã, thị trấn; Hạt quản lý đê Yên Khánh vào cuộc kiểm tra xử lý các vụ vi phạm. Tuy nhiên, xử lý vi phạm tại huyện này đến nay cũng chỉ có một số đơn vị xử phạt hành chính, đa số các đơn vị mới chỉ yêu cầu các tập thể, các nhân vi phạm di chuyển, giải tỏa, hạ thấp độ cao tập kết cát, đá, than. Các tập thể, các nhân vi phạm vẫn chưa giải tỏa triệt để, các hạng mục xây dựng vi phạm vẫn chưa được tháo dỡ. Tiến độ xử lý vi phạm của các xã, thị trấn không đạt yêu cầu của UBND tỉnh, UBND huyện và Sở NN&PTNT…

Một số huyện như: Yên Mô 6 vụ, Kim Sơn 6 vụ, Nho Quan 7 vụ, thành phố Ninh Bình 7 vụ… tình trạng vi phạm luật Đê điều và Phòng chống thiên tai cũng diễn ra “nhan nhản” gây nhức nhối nhiều năm qua. Tuy nhiên đến nay vẫn chưa thể xử lý dứt điểm.

Trách nhiệm thuộc về ai?

Ông Đinh Chung Phụng - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Ninh Bình nêu rõ: “UBND tỉnh yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện, thành phố; Giám đốc các Sở NN&PTNT; Thủ trưởng các Sở, ngành chỉ đạo thực hiện nghiêm túc các nội dung trên và chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh về kết quả xử lý các vi phạm pháp luật về đê điều”.

Các cảng xây dựng đi vào hoạt động khi chưa được UBND tỉnh Ninh Bình cấp phép, vi phạm pháp luật có phần trách nhiệm không hề nhỏ của cấp chính quyền từ xã đến huyện trên địa bàn tỉnh Ninh Bình.
Các cảng xây dựng đi vào hoạt động khi chưa được UBND tỉnh Ninh Bình cấp phép, vi phạm pháp luật có phần trách nhiệm không hề nhỏ của cấp chính quyền từ xã đến huyện trên địa bàn tỉnh Ninh Bình.

Ghi nhận của PV Dân trí, một số vi phạm nghiêm trọng pháp luật đê điều của các doanh nghiệp lớn trên địa bàn tỉnh Ninh Bình đến nay vẫn chưa có chuyển biến gì. Hầu hết chính quyền các địa phương chỉ có văn bản yêu cầu, nhắc nhở còn chưa có động thái nào tháo dỡ, tổ chức cưỡng chế các vi phạm.

Điều khiến dư luận hoài nghi là vì sao các vụ vi phạm này diễn ra trong thời gian dài nhưng chính quyền địa phương các huyện, thành phố nơi các vụ vi phạm diễn ra lại không xử lý được?. Công tác quản lý của các địa phương phải chăng có vấn đề hay có sự “chống lưng”, tiếp tay cho các vụ vi phạm?. Đặc biệt, khi UBND tỉnh Ninh Bình chỉ đạo quyết liệt, các địa phương lại kêu khó, không thể làm được.

Đề cập đến các bến cảng, bến bốc dỡ hàng vi phạm trên địa bàn, ông Nguyễn Duy Phong - Chánh thanh tra Sở Giao thông vận tải Ninh Bình cho biết, các bến cảng lớn (vi phạm của các doanh nghiệp lớn) này nằm ở hệ thống sông Hoàng Long và sông Đáy, hai sông này do Trung ương quản lý vì thế Cục đường thủy nội địa là đơn vị công bố Quyết định cho cảng hoạt động.

Đến hạn chót không xử lý dứt điểm tình trạng vi phạm pháp luật đê điều trên địa bàn, người đứng đầu chính quyền địa phương các huyện sẽ phải chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình.
Đến "hạn chót" không xử lý dứt điểm tình trạng vi phạm pháp luật đê điều trên địa bàn, người đứng đầu chính quyền địa phương các huyện sẽ phải chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình.

Thống kê các vi phạm pháp luật về đê điều và phóng chống lụt bão tồn tại trên địa bàn tỉnh Ninh Bình cho thấy, một số cảng lớn của các doanh nghiệp như: Tập đoàn Vissai Ninh Bình, Nhà máy xi măng The Vissai Ninh Bình, Tập đoàn Phúc Lộc, Nhà máy đạm Ninh Bình… đều xây dựng cảng khi mới có văn bản thỏa thuận của Bộ NN&PTNT, chưa có quyết định cấp phép của UBND tỉnh Ninh Bình, xây dựng nhà xưởng, tưởng rào, tập kết cát sỏi, vật liệu xây dựng vi phạm Luật Đê điều và Phòng chống thiên tai…

Ông Phong cho biết thêm, các cảng nói trên đều đã được Cục đường thủy nội địa công bố quyết định cho hoạt động. Tuy nhiên, khi đề cập đến việc các cảng đã được UBND tỉnh Ninh Bình chấp thuận cho xây dựng hay chưa thì ông Phong không nắm được. Ngay cả văn bản chỉ đạo số 306/UBND – VP3 ngày 01/09/2017 của UBND tỉnh Ninh Bình về tăng cường xử lý dứt điểm các vi phạm pháp luật về đê điều trên địa bàn tỉnh vị Chánh thanh tra Sở GTVT Ninh Bình cũng không hay.

Cảng của Nhà máy xi măng The Vissai vẫn hoạt động bình thường mà chưa bị cơ quan chức năng nào kiểm tra xử lý.
Cảng của Nhà máy xi măng The Vissai vẫn hoạt động bình thường mà chưa bị cơ quan chức năng nào kiểm tra xử lý.

Báo Dân trí sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc này.

Thái Bá

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm