Bài 14:

Hà Nội: Chủ tịch huyện Hoài Đức ký cấp sổ đỏ cho đất “ma”, liệu có “chìm xuồng”?

(Dân trí) - Năm 2004, ông Nguyễn Xuân Lĩnh - Chủ tịch UBND huyện Hoài Đức (Hà Nội) đã đặt bút ký cấp sổ đỏ cho những mảnh đất không có thật dẫn đến việc người dân khốn đốn vì bị lừa hàng trăm triệu đồng. Sau hơn 10 kỳ báo điều tra của Dân trí, UBND huyện Hoài Đức đã kết luận sai phạm và chuyển hồ sơ sang cơ quan công an. Thế nhưng, đã nửa năm trôi qua, vụ việc vẫn “án binh bất động”.

Như báo Điện tử Dân trí đã đưa tin về vụ việc vào năm 2004, bà Nguyễn Thị Ái (CMND số 160888182, cấp ngày 08/08/2009, nơi cấp: Công an tỉnh Nam Định) có nhận chuyển nhượng từ ông Ngô Đăng Thọ thửa đất số 75, tờ Bản đồ số 4B, diện tích 308m2 đất ở tại Cao Thượng, xã Đức Thượng, huyện Hoài Đức với số tiền 616.000.000 đồng (sáu trăm mười sáu triệu đồng). Sau khi ký kết Hợp đồng chuyển nhượng, ngày 30/3/2004, bà Ái đã được UBND huyện Hoài Đức cấp GCNQSDĐ số S726928. Và trong suốt hơn mười năm sau đó, bà Ái đã thực hiện đầy đủ nghĩa vụ đóng thuế đất ở cho Nhà nước hàng năm theo đúng quy định của pháp luật.

Hà Nội: Chủ tịch huyện Hoài Đức ký cấp sổ đỏ cho đất “ma”, liệu có “chìm xuồng”? - 1

Những cuốn sổ đỏ được ông Nguyễn Xuân Lĩnh - Chủ tịch UBND huyện Hoài Đức ký cấp cho đất không có thật năm 2004.

Những cuốn sổ đỏ được ông Nguyễn Xuân Lĩnh - Chủ tịch UBND huyện Hoài Đức ký cấp cho đất không có thật năm 2004.

Tháng 5/2014, do không có nhu cầu tiếp tục sử dụng thửa đất, gia đình bà Ái làm thủ tục chuyển nhượng thửa đất trên cho ông Nguyễn Tiến Định. Tuy nhiên, khi đang tiến hành các thủ tục chuyển nhượng thì bà Ái được UBND xã Đức Thượng thông báo mảnh đất của bà nhận chuyển nhượng từ vợ chồng ông Thọ không có trong bản đồ địa chính đất thổ cư của xã.

Mảnh đất không có thật tại xã Đức Thượng đã đã được biến hoá trong những cuốn sổ đỏ đều được tất cả các cấp chính quyền huyện Hoài Đức từ UBND xã Đức Thượng; Phòng Tài nguyên môi trường huyện Hoài Đức và UBND huyện Hoài Đức xác nhận, đóng dấu.

Người ký quyết định cuối cùng cấp cuốn sổ đỏ “ma” là ông Nguyễn Xuân Lĩnh - Nguyên Chủ tịch UBND huyện Hoài Đức. Ông Lĩnh sau đó chuyển sang giữ cương vị Phó ban Quản lý các khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội. Hiện giữ cương vị chủ tịch UBND huyện Hoài Đức là ông Nguyễn Quang Đức.

Trong Văn bản số 5191/UBND-TTr ngày 22/12/2015 của UBND huyện Hoài Đức đã xác định có dấu hiệu hiệu giả mạo hồ sơ trong việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất giữa ông Tác và ông Thọ đồng thời cũng có dấu hiệu vi phạm pháp luật trong hợp đồng chuyển nhượng giữa ông Thọ và bà Ái. Sau khi có kết luận này, UBND huyện Hoài Đức đã có công văn chỉ đạo chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra. Tuy nhiên đến nay đã hơn 1 năm trôi qua kể từ khi gia đình bà Ái có đơn thư tố cáo, vụ việc vẫn chưa được bất cứ cơ quan chức năng nào có câu trả lời chính thức về việc xác minh rõ sai phạm của các cá nhân, tổ chức có liên quan, cũng như về số phận pháp lý của cuốn sổ đỏ ma này.

Hà Nội: Chủ tịch huyện Hoài Đức ký cấp sổ đỏ cho đất “ma”, liệu có “chìm xuồng”? - 3

Vụ việc đã được chuyển sang Công an huyện Hoài Đức điều tra hơn nửa năm nay nhưng liệu có chìm xuồng?

Vụ việc đã được chuyển sang Công an huyện Hoài Đức điều tra hơn nửa năm nay nhưng liệu có "chìm xuồng"?

Bày tỏ sự bức xúc về vụ việc sai phạm nghiêm trọng tại huyện Hoài Đức, bạn đọc Dân trí đặt ra câu hỏi về sự bất thường trong quá trình điều tra, làm rõ và vụ việc. Và liệu vụ sai phạm này có tiếp tục rơi vàng tình trạng “chìm xuồng” trong khi người dân đang khẩn thiết kêu cứu?

Bạn đọc Người HN: “Không hiểu những vụ việc rõ ràng như thế này rồi mà họ vẫn có cách để chìm xuồng thì còn những chuyện tày đình gì mà họ không dám làm. Thực trạng này, ngài Chủ tịch TP Hà Nội có biết không ạ?”.

Bạn đọc Phạm Hồng Phong: “Chắc vụ này lại phải để Thủ tướng chỉ đạo mấy lần thì công an và UBND huyện Hoài Đức mới làm đây!”.

Bạn đọc Saola: “Qua những vụ việc như này, thiết nghĩ UBND TP Hà Nội nên xây dựng một kênh thông tin để người dân có thể phản ánh tâm tư nguyện vọng và những yêu cầu chính đáng, đúng pháp luật của họ. Không để như tình trạng dân phán ánh, còn lãnh đạo huyện cố tình không nghe như ở Hoài Đức này”.

Bạn đọc Baolam Lam: “Đề nghị thanh tra toàn bộ phòng tài nguyên môi trường Hoài Đức”.

Bạn đọc VƯƠNG TUẤN: “Không có gì khó, chỉ sợ chính quyền không làm mà thôi”.

Bạn đọc Yen: “Mong sự việc được xử lý đến nơi đến chốn. Lãnh đạo sai phải có trách nhiệm với toàn dân. Không nên rút kinh nghiệm mãi làm dân mất niềm tin”.


Mảnh đất có thật này đã bị biến hoá trong những cuốn sổ đỏ ma.

Mảnh đất có thật này đã bị biến hoá trong những cuốn "sổ đỏ ma".

Bạn đọc Hau: “Sự im lặng ĐÚNG QUY TRÌNH của chính quyền. Mong Quốc hội lên tiếng cho người dân”.

Bạn đọc GiangVu: “Có vẻ như sự việc đang bị cố tình ỉm đi”.

Bạn đọc Hùng Dân: “Đọc xong bài báo thấy phần nộ quá, người dân bị hại như này, kêu lên chính quyền, kêu sang công an đều bị im lặng. Người dân đóng thuế để làm cái gì? Kính mong Thủ tướng biết vụ việc để chỉnh đốn lại một chính quyền cơ sở ở ngay trong lòng thủ đô”.

Bạn đọc Binh Trọng: “Thấy khổ người dân thấp cổ bé họng, đơn thư gửi đi bị ném vào sọt rác coi như không biết không có như này đi thì dân biết kêu nơi nào. Thấy sự viêc mà bất bình với chính quyền Hoài Đức, ngay giữa thủ đô”.

Bạn đọc Nguyen Van Tinh: “Dân càng hỏi, chính quyền càng lặng thinh, cứ như này thì làm gì không có khiếu kiện vượt cấp. Hi vọng Thủ tướng Chính phủ trong nhiệm kỳ mới sẽ giải quyết triệt để tình trạng quan liêu, o ép người dân của chính quyền cơ sở”.

Bạn đọc Thảo Dân: “Tại sao ư? Chẳng có gì khó mà phải hỏi cả! - Câu trả lời ai cũng biết là: "Hà Nội không vội được đâu". Xin góp ý: Điều tra vụ việc ở cấp phường xã thì nên giao cho Công an quận huyện; Vụ việc ở cấp quận huyện thì giao cho Công an tỉnh thành; Vụ việc ở tỉnh thành thì giao cho Bộ Công an”.

Dân trí sẽ tiếp tục thông tin sự việc đến bạn đọc.

Anh Thế