Nghệ An:

Doanh nghiệp kiện Chi cục Thuế, yêu cầu bồi thường 23 tỷ đồng!

(Dân trí) - Cho rằng việc Chi cục Thuế huyện Nghĩa Đàn (Nghệ An) niêm phong hóa đơn là trái quy định, gây thiệt hại cho hoạt động cũng như doanh thu của doanh nghiệp, ông Trần Tử Trường đã khởi kiện ra tòa án. Doanh nghiệp này cũng yêu cầu Chi cục Thuế bồi thường 23 tỷ đồng.

Thiệt hại 23 tỷ đồng vì hóa đơn bị niêm phong

Theo trình bày của ông Trần Tử Trường - Chủ doanh nghiệp tư nhân Trường Sơn (huyện Nghĩa Đàn, Nghệ An), năm 2013, Chi cục Thuế huyện Nghĩa Đàn đã thu thuế của doanh nghiệp 2 lần trong 1 tháng bằng biện pháp khấu trừ qua tài khoản. Nhiều lần doanh nghiệp này đề nghị Chi cục Thuế bù trù số tiền thuế thu thừa vào tháng tiếp theo nhưng không được. Đầu tháng 5/2014, doanh nghiệp ngừng nộp thuế để giải quyết vấn đề thu thừa này.

Ông Trần Tử Trường và số hóa đơn bị niêm phong
Ông Trần Tử Trường và số hóa đơn bị niêm phong

Chị Nguyễn Thị Thảo - vợ anh Trường, đồng thời là nhân viên của DNTN Trường Sơn, trình bày: Ngày 6/5/2014, chị có nhận được thông báo của Chi cục Thuế về việc cung cấp thông tin tình hình sử dụng hóa đơn. Ngày 7/5/2014, có 2 cán bộ Chi cục thuế là ông Nguyễn Thanh Đạm - đội trưởng đội kiểm tra quản lý nợ và cưỡng chế nợ thuế, bà Phan Khánh Linh - Đội phó phụ trách tổng hợp báo cáo nợ Chi cục Thuế Nghĩa Đàn đến trụ sở của doanh nghiệp niêm phong toàn bộ hóa đơn mà doanh nghiệp đang sử dụng không lí do.

Ông Trần Tử Trường cho rằng việc Chi cục Thuế cho nhân viên đến trụ sở doanh nghiệp, không đưa ra quyết định cưỡng chế mà yêu cầu đưa toàn bộ hóa đơn chưa sử dụng bỏ vào túi nylon và dán niêm phong kèm theo với biên bản niêm phong hóa đơn khiến DN không hoạt động được. Việc làm này đã vi phạm quy định tại điểm a, Điều 98, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý thuế năm 2012.

Sau nhiều lần hai bên giải quyết không đi đến kết quả, đại diện doanh nghiệp khởi kiện Chi cục Thuế Nghĩa Đàn ra tòa án yêu cầu xem xét hành vi hành chính của Chi cục thuế, yêu cầu bồi thường thiệt hại cho doanh nghiệp hơn 23 tỷ đồng.

Trong phiên xét xử sơ thẩm ngày 7/11/2016 tại TAND huyện Nghĩa Đàn, ông Trần Xuân Thịnh - Chi cục trưởng, đại diện theo pháp luật của Chi cục Thuế Nghĩa Đàn cho rằng: Tính đến ngày 30/4/2014, DNTN Trường Sơn nợ tiền thuế gần 121 triệu đồng, trong đó nợ thuế quá 90 ngày là hơn 60 triệu đồng. Doanh nghiệp vi phạm pháp luật về thuế, mặc dù đã được Chi cục Thuế thông báo về số tiền nợ thuế nhưng không chấp hành. Trước tình huống đó, Chi cục Thuế phải thực hiện cưỡng chế bằng biện pháp “trích tiền từ tài khoản của đối tượng bị cưỡng chế”.

Số hóa đơn chưa sử dụng của DNTN Trường Sơn bị cho vào túi bóng, dán kín
Số hóa đơn chưa sử dụng của DNTN Trường Sơn bị cho vào túi bóng, dán kín

Tuy nhiên biện pháp này không thực hiện được vì số tiền trong tài khoản của doanh nghiệp không đủ để thực hiện việc cưỡng chế. Chi cục Thuế Nghĩa Đàn chuyển biện pháp cưỡng chế bằng “thông báo hóa đơn không còn giá trị sử dụng”. Đại diện Chi cục thuế Nghĩa Đàn cho rằng việc DNTN Trường Sơn cho rằng Chi cục Thuế thu 2 lần trong 1 tháng khấu trừ qua tài khoản doanh nghiệp là không có cơ sở.

Việc Chi cục Thuế kiểm tra, kê biên hóa đơn trước khi áp dụng biện pháp cưỡng chế này vào ngày 7/5/2014 là không trái với quy định. Ông Chi cục trưởng khẳng định Chi cục Thuế đã làm đúng quy định của pháp luật nên không có thiệt hại xảy ra và không chấp nhận bồi thường hơn 23 tỷ đồng như yêu cầu của doanh nghiệp.

Kê biên chứ không niêm phong?

Theo lý giải của Chi cục Thuế Nghĩa Đàn, đơn vị này đã gửi thông báo cho DNTN Trường Sơn về việc cung cấp thông tin về tình hình sử dụng hóa đơn doanh nghiệp. Ngày 7/5/2014, anh Trần Tử Trường và chị Nguyễn Thị Thảo đã đến làm việc với Chi cục Thuế để xác minh và kiểm kê số lượng hóa đơn. Kết quả có 9 quyển hóa đơn trong đó có 412 số chưa sử dụng. Chi cục Thuế đã lập biên bản ghi cụ thể số lượng hóa đơn và giao lại cho chị Thảo bảo quản, cất giữ. Chị Thảo và anh Trường thống nhất ký vào biên bản.

Bà Phan Khánh Linh - đội phó phụ trách tổng hợp báo cáo nợ Chi cục Thuế Nghĩa Đần ký vào biên bản kiểm kê với tư cách Người niêm phong
Bà Phan Khánh Linh - đội phó phụ trách tổng hợp báo cáo nợ Chi cục Thuế Nghĩa Đần ký vào biên bản kiểm kê với tư cách "Người niêm phong"

Ngày 9/5/2014, Chi cục thuế đã ban hành quyết định cưỡng chế bằng biện pháp “thông báo hóa đơn không còn giá trị sử dụng” trong vòng 1 năm, từ ngày 9/5/2014 đến ngày 9/5/2015.

Tại phiên tòa, cán bộ thực hiện nhiệm vụ cưỡng chế nợ thuế và Chi cục trưởng Chi cục Thuế Nghĩa Đàn khẳng định đây là hoạt động kiểm kê số lượng hóa đơn, giao cho bà Thảo quản lý. Tuy nhiên, trong biên bản kê biên hóa đơn (lập ngày 7/5/2014), bà Phan Khánh Linh – cán bộ Chi cục Thuế Nghĩa Đàn ký với tư cách “người niêm phong”.

Ngày 6/5/2015, Chi cục thuế Nghĩa Đàn có Công văn số 44/CCT-KTQLN về việc “mở niêm phong hóa đơn”. Tại công văn này ghi rõ: “…(Để doanh nghiệp thực hiện đúng quy định Chi cục thuế đã kiểm kê và niêm phong số hóa đơn trên). Theo quy định thì thời hạn cưỡng chế thông báo hóa đơn không có giá trị sử dụng đến ngày 9/5/2015, như vậy từ ngày 10/5/2015 số hóa đơn trên có giá trị sử dụng (doanh nghiệp được phép mở niêm phong và sử dụng hóa đơn để xuất cho người mua theo đúng quy định)”.

Công văn của Chi cục Thuế Nghĩa Đàn ghi rõ việc niêm phong hóa đơn
Công văn của Chi cục Thuế Nghĩa Đàn ghi rõ việc "niêm phong hóa đơn"

Trong khi đó, ông Trần Tử Trường lại cho rằng, Chi cục Thuế đã niêm phong hóa đơn của doanh nghiệp, gây thiệt hại cho quá trình hoạt động, kinh doanh. Vì vậy, Chi cục Thuế phải là đơn vị mở niêm phong để doanh nghiệp có hóa đơn sử dụng. Bởi vậy, đến thời điểm này, số hóa đơn của DNTN Trường Sơn vẫn đang nằm trong bọc dán kín, mọi hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp này vẫn không thực hiện được.

Hoãn tòa vì cán bộ nghỉ hưu, không đến dự

Ngày 7/11/2016, TAND huyện Nghĩa Đàn đưa vụ kiện hành chính ra xét xử và bác toàn bộ nội dung khởi kiện của ông Trần Tử Trường. Không đồng ý với phán quyết của Tòa án, ông Trường đã có đơn kháng cáo lên TAND tỉnh Nghệ An.

Sáng ngày 12/6/2017, TAND tỉnh Nghệ An mở phiên tòa hành chính phúc thẩm. Tuy nhiên, ông Nguyễn Thanh Đạm vắng mặt tại phiên tòa. Trước đó Chi cục thuế Nghĩa Đàn cũng có văn bản gửi TAND tỉnh Nghệ An thông báo ông Đạm đã nghỉ hưu.

Theo thông tin từ ông Trần Xuân Thịnh, hiện ông Nguyễn Thanh Đạm đang ở Huế. Đến trước buổi xét xử này, TAND tỉnh Nghệ An không nhận được bất kỳ thông báo nào của ông Đạm về việc vắng mặt tại phiên tòa.

Nhận thấy sự vắng mặt của ông Đạm - người tham gia thực hiện cưỡng chế nợ thuế của doanh nghiệp Trường Sơn – sẽ ảnh hưởng đến việc đối chất, làm rõ các nội dung khởi kiện của ông Trần Tử Trường, HĐXX tuyên bố hoãn phiên tòa.

Trong thời gian chờ HĐXX hội ý, PV Dân trí đã tiếp xúc với Chi cục trưởng Chi cục Thuế Nghĩa Đàn để nắm rõ hơn về nội dung vụ việc nhưng người này từ chối và cho biết chỉ làm việc tại trụ sở của đơn vị.

Hoàng Lam