Cảnh sát giao thông lập biên bản vi phạm có cần đóng dấu đỏ?
(Dân trí) - “Khi cảnh sát gia thông lập biên bản xử phạt bạn tôi thì biên bản của công an giao thông không có dấu đỏ. Bạn tôi chưa nộp phạt mà yêu cầu văn bản xác định hành vi cần phải có dấu đỏ mới đúng. Vậy theo quy định thì biên bản xử phạt của CSGT có cần có dấu đỏ hay không?”, bạn đọc Dân trí đặt câu hỏi.
Bạn đọc vidien@gmail.com: “Bạn tôi, trong tháng 12/2016 có tham gia giao thong đường bộ và bị CSGT xử phạt hai lỗi 1. vượt quá tốc độ cho phép; 2. đón khách trên đường cao tốc. Nhưng khi cảnh sát gia thông lập biên bản xử phạt thì Biên bản của công an giao thông không có dấu đỏ. Bạn tôi chưa nộp phạt mà yêu cầu văn bản xác định hành vi cần phải có dấu đỏ mới đúng. Vậy theo quy định thì biên bản xử phạt của CSGT có cần có dấu đỏ hay không?”.
Luật sư Lê Ngọc Hoàng (Trưởng Văn phòng Luật sư Long Tâm - Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội): Ngoài câu hỏi của bạn tôi cũng được biết gần đây trên các trang mạng xã hội có đưa ra tranh cãi về một vấn đề trong xử phạt người tham gia giao thông đường bộ là khi cảnh sát giao thông lập biên bản theo mẫu mà “Không đóng dấu” của đơn vị đứng ra xử phạt là đúng hay sai.
Căn cứ Mẫu số 29/BB-VPHC (Ban hành kèm theo Thông tư 34/2014/TT-BCA ngày 15/08/2014 của Bộ Công an) và theo quy định tại: Luật xử lý vi phạm hành chính
- Khoản 2, Điều 58. Lập biên bản vi phạm hành chính
“2. Biên bản vi phạm hành chính phải ghi rõ ngày, tháng, năm, địa điểm lập biên bản; họ, tên, chức vụ người lập biên bản; họ, tên, địa chỉ, nghề nghiệp của người vi phạm hoặc tên, địa chỉ của tổ chức vi phạm; giờ, ngày, tháng, năm, địa điểm xảy ra vi phạm; hành vi vi phạm; biện pháp ngăn chặn vi phạm hành chính và bảo đảm việc xử lý; tình trạng tang vật, phương tiện bị tạm giữ; lời khai của người vi phạm hoặc đại diện tổ chức vi phạm; nếu có người chứng kiến, người bị thiệt hại hoặc đại diện tổ chức bị thiệt hại thì phải ghi rõ họ, tên, địa chỉ, lời khai của họ; quyền và thời hạn giải trình về vi phạm hành chính của người vi phạm hoặc đại diện của tổ chức vi phạm; cơ quan tiếp nhận giải trình.
- Trường hợp người vi phạm, đại diện tổ chức vi phạm không có mặt tại nơi vi phạm hoặc cố tình trốn tránh hoặc vì lý do khách quan mà không ký vào biên bản thì biên bản phải có chữ ký của đại diện chính quyền cơ sở nơi xảy ra vi phạm hoặc của hai người chứng kiến”.
Và điều 3 Thông tư 34/2014/TT-BCA ngày15/08/2014 của Bộ Công an (Quy định về các Biểu mẫu để sử dụng khi xử phạt vi phạm hành chính thuộc thẩm quyền của Công an nhân dân) thì “việc lập biên bản vi phạm hành chính trong xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ không quy định phải đóng dấu vào các Biên bản này”.
Do vậy: Tôi cho rằng việc cảnh sát lập biên bản người vi phạm tham gia giao thông đường bộ theo mẫu biên bản vi phạm hành chính số 29/BB-VPHC (Ban hành kèm theo Thông tư 34/2014/TT-BCA ngày 15/08/2014 của Bộ Công an) thì văn bản này không cần đóng dấu.
Chỉ khi cảnh sát giao thông đã xác định, chứng minh rõ hành vi vi phạm của bạn, lập biên bản ghi nhận hành vi đó là đúng quy định của pháp luật thì sẽ ban hành Quyết định xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ thì Quyết định này sẽ phải do người có thẩm quyền thuộc cơ quan công an ký và đóng dấu khi đó mới có hiệu lực xử phạt. Nghĩa là Quyết định xử phạt vi phạm hành chính cần thiết phải có chữ ký của người có thẩm quyền và con dấu của cơ quan có đủ thẩm quyền xử phạt vi phạm chứ việc cảnh sát giao thông trong quá trình lập biên bản xác định hành vi vi phạm chỉ cần đại diện đơn vị có thẩm quyền, thi hành công vụ được giao lập, ký theo quy định mà biên bản này không cần có dấu đỏ.
Anh Thế (thực hiện)