1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Yếu tim đừng qua cầu Đuống!

Theo phản ánh của người dân sống ở 2 bên đầu cầu Đuống (huyện Gia Lâm, Hà Nội), mỗi khi có việc đi bộ qua cây cầu này, họ đều choáng váng, lo sợ bởi sự rung chuyển đến chao đảo của nó.

Yếu tim đừng qua cầu Đuống! - 1
 
Cầu “đánh võng” trên sông

 

Để kiểm chứng thông tin, chúng tôi đã tới thị sát và chứng kiến một lượng lớn các phương tiện tham gia giao thông khi đi qua cầu Đuống. Tuy thời điểm chúng tôi có mặt không phải là giờ cao điểm nhưng những gì chúng tôi chứng kiến quả là kinh khủng.

 

Điều đáng sợ hơn đối với người tham gia giao thông khi qua cầu Đuống chính là sự cảm nhận về độ rung của cây cầu. Mỗi khi phía bờ Nam từ Hà Nội về thị trấn Yên Viên (Gia Lâm) có một xe ô tô trọng tải lớn đi qua thì người đi xe máy làn đường đối diện thấy cầu đu đưa, chao đảo rất mạnh.

 

Không những thế, mặt cầu đầy những “ổ trâu”, “ổ gà” khiến cho các phương tiện không lưu thông nhanh được, chính điều này đã cản trở giao thông, gây ùn tắc ở 2 bên đầu cầu với một lượng lớn xe cộ.

 

Trật tự giao thông trên cầu cũng không được cơ quan chức năng chú ý đến. Các loại xe len lỏi, vượt nhau trên cầu. Xe máy, xe đạp, người đi bộ đi ngược chiều nhan nhản.

 

Sự xuống cấp của cây cầu dễ nhận thấy nhất chính là lan can và mặt đường. Lan can cầu do xây dựng quá lâu nên nhiều chỗ bị bong lớp bê tông bên ngoài, hở ra những lõi sắt rỉ sét. Giữa lan can và mặt cầu có nhiều điểm bị thủng, hở rộng. Mặt đường qua cầu thì bong tróc, lồi lõm thành từng hố sâu gập ghềnh.

 

Chúng tôi đã hỏi những người dân sống ở 2 bên đầu cầu đều nhận được câu trả lời: Thật kinh khủng mỗi khi đi bộ qua cầu, những người đi xe máy hay ngồi trên ô tô không cảm nhận hết được bằng những người đi bộ bởi sự rung chuyển của cầu Đuống. Nếu những ai yếu tim thì không nên đi qua cây cầu này.

 

Và quả là những gì người dân phản ánh không sai. Chúng tôi đã thử đi bộ qua cầu xem thế nào nhưng khi vừa bước được khoảng 6m thì đầu óc choáng váng, người cứ lâng lâng, bởi chiếc cầu luôn đong đưa, rập rình khiến chúng tôi phải quay nhanh trở lại.

 

Bà Phùng Thị Hiếu, ở số nhà 30, ngõ chợ Yên Viên, Long Biên, Hà Nội cho biết: “Hàng ngày tôi phải đi trông cháu nhưng mỗi khi đi qua cầu Đuống thì thật là kinh hoàng. Người tôi cứ lắc lư, bập bềnh, đầu óc quay cuồng. Chúng tôi đã nhiều lần muốn gửi đơn thư tới những người có trách nhiệm nhưng lại không biết kêu ai. Chỉ còn nước nhờ tới cơ quan báo chí phản ánh giúp, may ra người dân chúng tôi mới có hy vọng được đi trên cây cầu mới và an toàn”.

 

Cầu tải trọng 30 tấn “gánh” xe 80-100 tấn

 

Cầu Đuống (Hà Nội) được coi là cây cầu quan trọng trên tuyến QL1 đi các tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang, Lạng Sơn và đi QL3. Hiện nay, lưu lượng phương tiện giao thông tăng rất nhanh, mỗi ngày có rất nhiều xe tải trọng lớn, xe container cùng các loại phương tiện khác rồng, rắn chạy qua cầu. Vì vậy, cầu Đuống luôn trong tình trạng quá tải và xuống cấp nghiêm trọng.

 

Hàng năm cầu Đuống được Công ty Quản lý đường sắt Hà Hải di tu một lần. Ngoài ra, hàng ngày vẫn có đội sửa chữa cầu túc trực để bảo quản cầu Đuống.

Có rất nhiều bất hợp lý khi chứng kiến cảnh người và các phương tiện giao thông qua cầu Đuống. Cầu Đuống không có lối dành riêng cho người đi bộ. Chính vì vậy, mỗi khi người đi bộ đi qua cây cầu này đều nơm nớp lo âu vì sợ bị xe va quệt.

 

Một bất hợp lý thứ hai mà Ban quan lý cầu Đuống không làm gì được. Năm 1981, cầu Đuống được xây dựng. Theo thiết kế hồi đó thì cầu chỉ dành cho những xe có trọng tải 30 tấn trở xuống. Thế nhưng, cây cầu này hàng ngày vẫn phải oằn mình gánh trên lưng những chiếc xe có trọng tải 80 tấn đến 100 tấn.

 

Anh Nguyễn Văn Quỳnh, đội trưởng đội tu sửa đường thuộc Công ty quản lý đường sắt Hà Hải - đơn vị quản lý cầu Đuống, cho biết: “Hiện nay tình trạng cầu Đuống đã xuống cấp quá trầm trọng, mà lưu lượng xe qua cầu ngày một lớn, không những thế tình trạng xe quá tải vẫn cứ ngang nhiên qua cầu”.

 

Anh Tô Đình Lãm, chuyên viên phòng kỹ thuật thuộc công ty quản lý đường sắt Hà Hải cho biết: “Nếu mà nói về độ rung thì cầu nào cũng có, anh cứ thử đi bộ một lần trên cây cầu lớn Chương Dương mà xem, cũng rung lắm. Còn về độ rung của cầu Đuống có nguy hiểm hay không thì phải đợi chúng tôi thẩm định mới biết được mức độ dao động có vượt quá sự cho phép không? Trong năm nay cầu Đuống sẽ được công ty chúng tôi sửa chữa lớn”. 

 

Chúng tôi hỏi: công ty có cách nào khắc phục để giảm bớt độ rung của cầu Đuống? Anh Lãm từ chối trả lời.

 

Ngoài cảnh phải chịu nỗi sợ qua cầu, người dân sống ở đường Ngô Gia Tự thuộc phường Đức Giang (Long Biên) và thị trấn Yên Viên (Gia Lâm) còn phải chứng kiến cảnh xe cộ nối đuôi nằm chờ để qua cầu Đuống làm ảnh hưởng đến đời sống và sinh hoạt hàng ngày của người dân.

 

Theo Kiên Cường

VTCNews