Yêu cầu kiểm tra việc người Trung Quốc nuôi cá trên vịnh Cam Ranh
(Dân trí) - Chiều 31/5, UBND tỉnh Khánh Hoà đã có công văn khẩn yêu cầu UBND TP Cam Ranh kiểm tra vấn đề người Trung Quốc nuôi cá trên vịnh Cam Ranh và công tác quản lý người nước ngoài trên địa bàn thành phố.
Lồng cá của người Trung Quốc trên Vịnh Cam Ranh
Tiếp tục tìm hiểu về tình trạng này, chúng tôi được biết, lồng bè nuôi cá của người Trung Quốc tại vịnh Cam Ranh đã từng bị cơ quan chức năng xử phạt nhiều lần, nhưng vẫn ngang nhiên tồn tại.
Ông Lê Văn Dũng, phó chánh thanh tra Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Khánh Hoà cho biết, thanh tra Sở vừa phối hợp với cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường Công an tỉnh kiểm tra các tàu cá hoạt động trên vùng biển Cam Ranh; đồng thời kiểm tra những lồng, bè của người Trung Quốc nuôi trồng thuỷ sản ở vịnh này. Bước đầu qua kiểm tra một bè nuôi cá của người Trung Quốc tại vịnh Cam Ranh cho thấy, bè này do một người tên Dũng có hộ khẩu tại TP.HCM đứng tên. Khi kiểm tra, trên bè đang có ba người Trung Quốc.
Bè này gồm nhiều bè ghép lại với nhau rất kiên cố, rộng khoảng 500m2 nuôi cá bớp, cá chim...; một số con cá mú cỡ 0,5 – 0,6kg phơi trắng bụng, lở loét và chết.
Vịnh Cam Ranh là một cảng biển nước sâu tự nhiên được xem là tốt nhất ở Đông Nam Á. Vì địa thế chiến lược nên Cam Ranh được sự chú ý về mặt quân sự qua nhiều thời kỳ. Hải quân Pháp, Hoa Kỳ... đã từng dùng một phần Vịnh Cam Ranh làm căn cứ. |
“Chúng tôi đã mời chủ bè trình diện, xuất trình hồ sơ nguồn gốc, xuất xứ của cá giống cũng như thức ăn nhưng họ không trả lời được. Do vậy trước mắt, chắc chắn chúng tôi sẽ xử lý sai phạm khi họ sử dụng thức ăn thuỷ sản nhưng lại không có tiếng Việt. Mặt khác, chúng tôi sẽ yêu cầu họ làm rõ, loại thức ăn này có hàm lượng ra sao, Việt Nam có cho phép lưu hành hay không?”, ông Dũng nói.
Cũng theo ông Dũng, đây là lần đầu tiên Khánh Hoà phát hiện thức ăn thuỷ sản không có nhãn phụ. Và việc nuôi cá của người Trung Quốc trên vịnh như vậy có rất nhiều ảnh hưởng. Chẳng hạn, nguồn gốc cá không quản lý được có thể dẫn đến sinh vật ngoại lai vào Việt Nam gây hại, phát tán môi trường, phá vỡ quần thể tự nhiên. Nếu không kiểm soát được dịch bệnh, sẽ ảnh hưởng cả vùng nuôi xung quanh.
Tuy nhiên, theo ông Dũng, điều quan trọng hơn là “năng lực thực thi pháp luật của chúng ta cần phải đảm bảo và phải được tuân thủ, không thể buông lỏng”.
Hầu như những ngư dân và người buôn bán ở gần Cảng Ba Ngòi, TP. Cam Ranh đều biết đìa và lồng bè của những người Trung Quốc. Ông Đạt, một chủ đìa tại đây cho biết, trại nuôi tôm hùm của A Xìu nằm cạnh Cảng Ba Ngòi, còn phía ngoài vịnh cách đó chừng 200m là lồng bè nuôi cá mú của những người Trung Quốc khác.
Tuy họ ở gần nhà ông Đạt nhưng ông này không thể biết tên họ vì ngôn ngữ bất đồng. Ông Đạt cho biết: “Họ làm ở đây khoảng 4-5 năm nhưng thay người liên tục, vả lại họ cũng không liên hệ gì với mình nên mình không nhớ mặt, nhớ tên, chỉ biết họ là người Trung Quốc”.
Bè nuôi của những người Trung Quốc nổi bật giữa biển bởi sự hoành tráng so với những chiếc bè nhỏ của người Việt. Các bè này giống như trại của A Xìu không hề có bảng hiệu. Mỗi bè có nhiều lồng, trên bè có đến 3 ngôi nhà lợp tôn kiên cố, tổng diện tích gần 100m2. Một người địa phương làm công cho biết, ở bè này có đến 6 người Trung Quốc làm việc, gần 100 lồng, chuyên thu mua cá mú khắp nơi nhưng nhiều nhất là ở Cam Ranh, Phú Yên và đảo Phú Quý (tỉnh Bình Thuận).
Theo ông Nguyễn Thành Long, đội phó đội Quản lý thị trường số 3, tại Cam Ranh đang có ít nhất bốn cơ sở thu mua và một cơ sở nuôi bè hải sản của người Trung Quốc, nhưng do người Việt Nam đứng tên. Song ông Trần Tính, Phó Chủ tịch UBND phường Cam Linh, cho rằng trên địa bàn chỉ có một cơ sở thu mua hải sản với khoảng 5 - 7 người Trung Quốc hoạt động, đứng tên kinh doanh là công ty TNHH Khải Hoàn của người Việt Nam. “Cơ sở này thuê đất trên bờ của người Việt, còn lồng bè trên biển thì họ tự làm chứ chúng tôi không cho phép”, ông Tính nói.
Ông Nguyễn Ngọc Sơn, Phó Chủ tịch UBND thành phố Cam Ranh, cho biết thành phố đang tiến hành kiểm tra, khảo sát tất cả các đối tượng nuôi trồng trên vịnh Cam Ranh. Ông Sơn nói: “Nếu người nước ngoài thực hiện nuôi cá tại vịnh thì phải chấp hành đúng các quy định của pháp luật”. Tuy nhiên, phó phòng Kinh tế thành phố Cam Ranh Trần Văn Ớt cho hay, năm 2008, thành phố đã xử phạt bè nuôi cá của người Trung Quốc tại đây vì không có giấy phép và yêu cầu họ làm thủ tục, nhưng đến nay vẫn chưa xong, chưa thực hiện.
Với điều kiện tự nhiên thuận lợi, vịnh Cam Ranh hiện có đến 300ha mặt nước cá mú (nhiều nhất nước) và 15.000 lồng nuôi tôm hùm. Mỗi năm tại đây cung cấp hàng ngàn tấn thuỷ sản cao cấp cho thị trường. Tuy nhiên hầu hết đều được các đầu nậu thu mua xuất khẩu tiểu ngạch qua Trung Quốc. Đặc biệt, tình trạng người Trung Quốc “núp bóng” nuôi cá tại một vịnh có vị trí quan trọng diễn ra từ lâu, nhưng chính quyền vẫn chưa có giải pháp xử lý dứt khoát, hoặc mới dừng lại ở lời hứa “sẽ xử lý”. Bằng chứng cụ thể là ở khu vực lồng bè có người Trung Quốc hoạt động có nhiều lực lượng quản lý nhưng lại lúng túng trong phân cấp xử lý, không rõ ai là người phải chịu trách nhiệm?
Trịnh Anh