1. Dòng sự kiện:
  2. Cơn bão Prapiroon
  3. Gỡ khó về thuế, tài chính cho báo chí

Yên Vực một thời khói lửa

(Dân trí) - Những người con làng Yên Vực và nhiều thế hệ có lẽ không bao giờ quên những ký ức về đội Dân quân tự vệ (DQTV) làng Yên Vực đã góp phần làm nên chiến thắng Hàm Rồng vang dội. Với họ ký ức về một thời oanh liệt sẽ không bao giờ phai.

Yên Vực một thời khói lửa  - 1

Những “dũng sỹ” làng Yên Vực năm xưa

Nhân chứng sống 

Về lại Làng Yên vực, thị trấn Tào Xuyên, huyện Hoằng Hóa, Thanh Hóa - một trong những địa danh nổi tiếng trong chiến thắng Hàm Rồng vang dội 45 năm trước, gặp lại những nhân chứng sống, chính họ là những con người mà năm xưa đã góp phần làm nên chiến thắng Hàm Rồng lịch sử. 

Những người còn lại hôm nay, họ không bao giờ quên những kỷ niệm về đội DQTV làng Yên Vực ngày ấy. 45 năm đã trôi qua, 75 “dũng sỹ” Yên Vực năm xưa nay người mất người còn, nhưng với họ chỉ có một niềm mong mỏi duy nhất là có một gian nhà truyền thống để thế hệ mai sau mãi nhớ về một thời oanh liệt của cha anh trong lịch sử. 

Gặp chúng tôi, ông Nguyễn Đặng Thược, làng Yên Vực - Trưởng Ban liên lạc của những “dũng sỹ” Yên Vực - cảm động kể về những kỷ ức một thời của đội DQTV làng Yên Vực. 

Đội DQTV làng Yên Vực được thành lập vào cuối tháng 8/1964, sau sự kiện máy bay Mỹ đánh phá cầu Đò Lèn, huyện Hà trung (Thanh Hoá). Tất cả họ đều được phong làm “dũng sỹ” dựa vào bảng chấm cơm. Trong đó, người nào ăn nhiều bữa tại trận địa thì được bầu là “dũng sỹ” và chỉ được công nhận bằng miệng, đã có 75 dũng sỹ được nhận chức danh này để bảo vệ cầu Hàm Rồng. 

Ngày ấy trong đội cũng có rất nhiều chị em phụ nữ tham gia. Trong số đó chỉ có vài chị em tuổi từ 28 - 30, còn lại là tuổi từ 16 - 20 tràn đầy nhiệt huyết. Những “dũng sỹ” ngày đêm đào công sự, đào hào, làm hầm trú ẩn, tập đánh trận giả … 

Nơi đây đã từng hiện hữu hàng chục km hầm hào, công sự, là nơi trực chiến của bộ đội và DQTV. Có những thời điểm vì giặc đánh phá ác liệt nên nhân dân trong làng đi sơ tán, chỉ còn lại đội DQTV bám trụ để bảo vệ cầu Hàm Rồng lịch sử.  

Cả làng Yên Vực ngày ấy phải gánh chịu hàng ngàn tấn bom của giặc Mỹ. Đáp trả lại bom đạn là những họng pháo từ núi Hàm Rồng, Nam Ngạn, Yên Vực thi nhau bắn trả, cả bầu trời Yên Vực ngày ấy như chìm trong khói lửa của bom đạn. 

Có những thời điểm giặc Mỹ bắn phá ác liệt, nhưng những đội viên DQTV Yên Vực vẫn anh dũng bất chấp tính mạng để tải đạn, cứu thương binh, thay thế pháo thủ... Và rồi khi ngớt bom, người ta lại thấy những đội viên này ra đồng thu hoạch lúa, giã gạo… 

Những hi sinh thầm lặng 

Gần 18 tháng liên tục đánh phá, nhưng Đế quốc Mỹ vẫn không thể nào cắt đứt được mạch nối cầu Hàm Rồng. Để thực hiện ý đồ cắt đứt con đường huyết mạch tiếp viện của hậu phương miền Bắc với chiến trường miền Nam, trong các ngày từ 21 - 23/9/1966, đế quốc Mỹ lại điên cuồng ném bom hòng phá đứt mạch nối cầu Hàm Rồng. 

Yên Vực một thời khói lửa  - 2

Họ thường tổ chức những buổi sinh hoạt ôn lại truyền thống

Trong những trận chiến đấu với giặc, đã có những người anh dũng hy sinh vì sự bình an của cầu Hàm Rồng. Còn đó những tấm gương đã hy sinh vì những công việc không tên của họ vì sự bình yên của cây Cầu. Những người đã ngã xuống như ông Đặng Văn Tơn, ông Đàm Văn Luận còn được ghi nhớ mãi đến đời sau. 

Sau những ngày tháng cùng quân và dân Nam Ngạn, Hàm Rồng chiến đấu bảo vệ cầu, nhiều trai tráng trong đội DQTV Yên Vực gác bút nghiên, đồng áng lên đường nhập ngũ, còn các chị lại tham gia TNXP vào Trường Sơn mở đường, tiếp đạn, một số chị ở lại quê hương xây dựng hậu phương vững chắc cho tuyền tuyến. Cũng có những chị em đã gác lại tình yêu đôi lứa của mình để chiến đấu vì sự bình an của cầu Hàm Rồng bằng những công việc không tên.  

Máu và mồ hôi của những đội viên đôị DQTV Yên Vực đã góp phần làm nên chiến thắng Hàm Rồng vang dội trong lịch sử. Bởi thế, mảnh đất một thời oanh liệt này là nguồn cảm hứng sáng tác của nhiều nhà thơ, nhà văn, nhà nhiếp ảnh, họ đã để lại cho thế hệ hôm nay nhiều tác phẩm đáng giá, ngợi ca tinh thần chiến đấu, sự hy sinh của quân và dân Nam Ngạn, Yên Vực, Hàm Rồng. 

Đến tận bây giờ ít người biết rằng, để góp phần làm nên chiến thắng Hàm Rồng vang dội năm xưa vẫn còn đó những con người đã hy sinh thầm lặng và họ là những nhân chứng sống hùng hồn về một thời khói lửa chiến tranh. 
 

Duy Tuyên - Phạm Ngọc