1. Dòng sự kiện:
  2. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết
  3. Sắp xếp bộ máy để tinh, gọn, mạnh

Ý tưởng công nghệ mới tại cuộc thi Sáng kiến An toàn giao thông 2023

Toàn Thịnh

(Dân trí) - 16 tác phẩm xuất sắc nhất cuộc thi Sáng kiến An toàn giao thông năm 2023 đã lộ diện với nhiều ý tưởng công nghệ mới lạ, thực tế.

Sáng kiến An toàn giao thông Việt Nam năm 2023 do Cục Cảnh sát Giao thông, Báo điện tử Dân trí và Công ty Ô tô Toyota Việt Nam phối hợp thực hiện.

Xét tiêu chí khả năng ứng dụng và phát triển trong thực tế, ban giám khảo cho biết, năm nay cuộc thi chọn ra top 8 ở mỗi hạng mục thay vì top 10 để đảm bảo những bài thi xuất sắc nhất, với chất lượng đồng đều nhất sẽ được trực tiếp thi đấu với nhau trong vòng chung khảo.

"Chọn ra top 16 trong hơn 1.000 bài dự thi vào vòng chung khảo bình chọn trực tuyến là điều không dễ dàng, nhất là đối với các bài thi có chuyên môn cao, trình độ ngang bằng nhau, áp dụng khá nhiều thuật toán học máy, kỹ thuật tân tiến", đại diện ban giám khảo chia sẻ.

Là một trong 8 sáng kiến ở hạng mục Công nghệ đi tiếp vòng chung khảo, nhóm tác giả bài dự thi Thiết bị cảm biến phát hiện người trong vị trí những điểm mù của xe tải lớn - NON-BLIND cho biết: "Khi tham gia giao thông cũng như chứng kiến các vụ tai nạn qua các bản tin, chúng tôi rất e ngại về việc người tham gia giao thông rơi vào điểm mù của xe, gây tai nạn đau lòng, khiến nhiều người ám ảnh mỗi khi ra đường gặp xe có tải trọng lớn".

Ý tưởng công nghệ mới tại cuộc thi Sáng kiến An toàn giao thông 2023 - 1
Bài dự thi Thiết bị cảm biến phát hiện người trong vị trí những điểm mù của xe tải lớn - NON-BLIND với mong muốn giảm thiểu tai nạn giao thông (Ảnh: BTC).

Nhóm tác giả cho rằng, một số hãng xe đã cho ra mắt hệ thống cảnh báo điểm mù Blind Spot Monitoring BSM cho các dòng xe hiện đại nhưng vẫn còn hạn chế như không sử dụng được trên các dòng xe tải trọng lớn, kém hiện đại, có giá thành rất cao.

Do đó, nhóm đã nghiên cứu ra sản phẩm mới nhằm khắc phục tình trạng này. Sản phẩm có thể phát hiện người trong vị trí những điểm mù của xe lớn - NON-BLIND.

NON-BLIND hoạt động dựa trên quét radar 3D diện rộng, phạm vi quét lên đến 25m, phát hiện được toàn bộ các phương tiện nằm trong vùng điểm mù của xe. Khi có phương tiện giao thông rơi vào điểm mù của xe, bộ cảm biến sẽ nhận diện và báo động. Ngoài ra, thông qua màn hình thiết bị thể hiện các thông số cơ bản như ngưỡng phát hiện, mục tiêu bất động, mục tiêu chuyển động. Từ đó giúp người lái xe lớn có thể kiểm soát tầm nhìn ở các điểm mù và tránh gây tai nạn đáng tiếc.  

Không chỉ quan tâm đến tình hình trật tự an toàn giao thông đường bộ, năm nay, cuộc thi còn thu hút nhóm tác giả có các sáng kiến cho đường sắt. Điển hình như bài dự thi Máy bay không người lái khảo sát và đảm bảo an toàn giao thông đường sắt.

Ý tưởng công nghệ mới tại cuộc thi Sáng kiến An toàn giao thông 2023 - 2
Sáng kiến máy bay không người lái của nhóm tác giả Nguyễn Duy Khang, Trần Viết Lân (Ảnh: BTC).

Theo nhóm tác giả Nguyễn Duy Khang, Trần Viết Lân, việc kiểm tra và bảo dưỡng đường sắt đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo an toàn, đáng tin cậy và hoạt động trơn tru của mạng lưới đường sắt. Tuy nhiên, các phương pháp kiểm tra truyền thống thường liên quan đến lao động thủ công, điều này có thể tốn thời gian, đắt đỏ và tiềm ẩn nguy hiểm cho nhân viên. Những phương pháp này cũng có hạn chế về phạm vi, đặc biệt là vùng khó tiếp cận hoặc nguy hiểm.

"Bằng công nghệ lập trình như: Visual Studio Code, Arduino IDE... kết hợp smartphone và máy tính có thể đồng bộ, hiển thị kết quả giám sát nhanh, trực quan nhất, nhóm có ý tưởng chế tạo thiết bị tiếp cận các vùng cần khảo sát, gồm hệ thống cảm biến cùng cánh tay robot để thu thập mẫu thử, thông tin từ môi trường thực tế", đại diện nhóm tác giả cho biết.

Cũng theo nhóm tác giả, máy bay không người lái (drone) có thể tiếp cận các khu vực khó tiếp cận hoặc nguy hiểm, cho phép kiểm tra cầu, đường hầm và các khu vực xa xôi mà không làm gián đoạn dịch vụ tàu hỏa. Bằng cách triển khai drone, nhu cầu gửi nhân viên kiểm tra vào môi trường nguy hiểm giảm, cải thiện an toàn tổng thể và giảm nguy cơ cho nhân viên. Việc kiểm tra tự động bằng drone có thể giúp tiết kiệm chi phí về lao động, thiết bị và giảm thiểu gián đoạn dịch vụ.

Ban tổ chức còn nhận nhiều nghiên cứu thử nghiệm chiến thuật di chuyển thông minh, được cài đặt trên xe tự lái, giúp giải quyết bài toán tắc nghẽn giao thông.

Đó là bài dự thi Ứng dụng phương pháp học tăng cường đa tác tử cho bài toán giảm ùn tắc giao thông.

Theo nhóm tác giả, việc sử dụng xe tự lái để giải quyết bài toán giao thông là xu thế không thể đảo ngược. Hiện tại, nhiều công ty đã cho ra mắt xe tự lái có thể hoạt động tương đối tốt trong môi trường đô thị phức tạp. Việc áp dụng các chiến thuật di chuyển thông minh, với phương pháp học tăng cường, sẽ giúp cải thiện quá trình ra quyết định của các xe tự lái.

Ý tưởng công nghệ mới tại cuộc thi Sáng kiến An toàn giao thông 2023 - 3

Sáng kiến "Phương pháp học tăng cường đa tác tử cho bài toán giảm ùn tắc giao thông" góp phần giải quyết bài toán tắc nghẽn giao thông (Ảnh: BTC).

Sản phẩm là các mô hình đa tác tử trên máy tính, trong đó có mô hình hóa bài toán tắc nghẽn giao thông trong nội đô hoặc trên đường cao tốc. Các phương tiện tham gia giao thông sẽ được mô hình hóa là các tác tử tự trị.

Mô hình này cho phép người sử dụng điều chỉnh các tham số đầu vào như: tổng số lượng phương tiện, số làn đường, hệ số tăng tốc, hệ số giảm tốc, chiến thuật di chuyển và một số tham số cho các thuật toán học tăng cường.

Sau khi thiết lập tham số đầu vào, người sử dụng chạy mô hình, quan sát hành vi của tất cả tác tử hoặc theo dõi hành vi của một tác tử được chọn. Người sử dụng cũng có thể quan sát các kết quả thống kê (về vận tốc trung bình, vận tốc lớn nhất, nhỏ nhất; số lượng phương tiện trên từng làn, tổng phần thưởng, ...) trên các biểu đồ trong thời gian thực.

"Giải pháp của nhóm hướng tới triển khai trên các xe tự lái, có khả năng nhận biết môi trường xung quanh và đưa ra quyết định phù hợp, tránh ùn tắc giao thông. Do vậy, giải pháp có thể áp dụng trên cơ sở hạ tầng có sẵn", đại diện nhóm tác giả chia sẻ.

Ngoài những sáng kiến độc đáo trên, top 8 sáng kiến công nghệ trong 16 bài thi đi tiếp ở vòng chung khảo còn có nhiều ý tưởng nổi bật. Đó là tác phẩm Nhận diện biển số xe sử dụng thuật toán Yolo kết hợp với tracker đếm số lượng xe từ khung biển số; Ứng dụng tự động báo vị trí xe máy khi bị tai nạn qua SMS trên hệ điều hành Android (Accident Warning); GT SMART - Hệ thống giám sát an toàn đường bộ và giảm thiểu ùn tắc giao thông; Nâng cao kiến thức an toàn giao thông cho học sinh thông qua các trò chơi E - learning; Ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong điều tiết giao thông và phát hiện đi ngược chiều…

Hiện top 16 bài dự thi xuất sắc nhất bước vào vòng chung khảo bình chọn trực tuyến từ ngày 18/9 đến 4/10.

Độc giả truy cập https://sangkienatgt.dantri.com.vn/ để bình chọn bài dự thi mà mình yêu thích.

Chương trình Sáng kiến An toàn giao thông Việt Nam năm 2023 do Cục Cảnh sát Giao thông, Báo điện tử Dân trí và Công ty Ô tô Toyota Việt Nam phối hợp thực hiện.

Chương trình được phát động với mục đích nâng cao ý thức của người dân khi tham gia giao thông, tìm kiếm những ý tưởng, sản phẩm sáng tạo để đưa tình trạng giao thông Việt Nam dần ổn định hơn và giúp người tham gia giao thông hiểu đúng luật, tham gia giao thông an toàn, văn minh hơn.

Để biết thêm thông tin chi tiết về chương trình cũng như thể lệ tham gia cuộc thi, độc giả có thể truy cập website của chương trình tại https://sangkienatgt.dantri.com.vn.

Đồng hành cùng Chương trình Sáng kiến An toàn giao thông Việt Nam có đơn vị tài trợ chính Công ty Ô tô Toyota Việt Nam, đơn vị tài trợ Tổng công ty Bảo hiểm PVI.