Ý nghĩa chuyến thăm Việt Nam lần thứ 4 của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình

Bạch Huy Thanh

(Dân trí) - Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn nhận định chuyến thăm Việt Nam lần này của Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có ý nghĩa chiến lược, tác động lâu dài đến sự phát triển của quan hệ hai nước.

Nhận lời mời của Tổng Bí thư Tô Lâm và Chủ tịch nước Lương Cường, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam từ ngày 14 đến 15/4.

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn nhận định chuyến thăm này là sự kiện chính trị đối ngoại quan trọng của hai Đảng, hai nước.

"Chuyến thăm có ý nghĩa chiến lược, tác động lâu dài đến sự phát triển của quan hệ Việt - Trung trong bối cảnh hai nước đều đang bước vào kỷ nguyên mới, thời đại phát triển mới", ông Sơn nhấn mạnh.

Ý nghĩa chuyến thăm Việt Nam lần thứ 4 của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình - 1

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình chủ trì lễ đón Tổng Bí thư Tô Lâm thăm Trung Quốc hồi tháng 8/2024 (Ảnh: TTXVN).

Việt Nam - Trung Quốc là hai nước láng giềng gần gũi, núi liền núi, sông liền sông, nhân dân hai nước có tình hữu nghị truyền thống lâu đời.

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho hay đây là chuyến thăm Việt Nam lần thứ 4 của ông Tập Cận Bình trên cương vị lãnh đạo cao nhất của Đảng, Nhà nước Trung Quốc; là chuyến thăm thứ hai trong nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam và Đại hội XX của Đảng Cộng sản Trung Quốc.

Dự kiến trong thời gian chuyến thăm, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình sẽ có các cuộc hội đàm cấp cao với Tổng Bí thư Tô Lâm và Chủ tịch nước Lương Cường.

"Với sự coi trọng cao độ và phối hợp chặt chẽ, chuẩn bị kỹ lưỡng của hai bên, chuyến thăm cấp Nhà nước đến Việt Nam lần thứ tư của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình sẽ thành công tốt đẹp trên mọi phương diện, trở thành mốc son mới trong quan hệ láng giềng hữu nghị, Đối tác hợp tác Chiến lược Toàn diện, Cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam - Trung Quốc có ý nghĩa chiến lược", ông Sơn kỳ vọng.

Dự kiến, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình cũng lần lượt có các cuộc hội kiến với Thủ tướng Phạm Minh Chính và Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn để trao đổi về các biện pháp, phương hướng, định hướng lớn, nhằm thúc đẩy quan hệ hai nước trên các lĩnh vực.

Ngoài ra, ông Tập Cận Bình cũng sẽ tham gia một số hoạt động đối ngoại quan trọng khác.

Lãnh đạo Đảng, Nhà nước Việt Nam rất mong đợi và kỳ vọng chuyến thăm sẽ đạt được những thành quả tốt đẹp trên các phương diện, theo lời ông Bùi Thanh Sơn.

Việt Nam và Trung Quốc lần này sẽ xác định những phương hướng lớn, trọng tâm hợp tác; nâng tầm hợp tác thực chất theo hướng ngày càng chất lượng, hiệu quả, bền vững.

Ngoài ra, hai bên sẽ thúc đẩy tạo "điểm sáng" về hợp tác trình độ cao, nhất là lĩnh vực Việt Nam có nhu cầu, Trung Quốc có thế mạnh như đường sắt khổ tiêu chuẩn, thương mại nông sản, khoa học công nghệ, giáo dục đào tạo, kinh tế số, kinh tế xanh...

Dự kiến, bộ ngành, cơ quan, địa phương hai nước sẽ ký kết khoảng 40 văn kiện hợp tác trên hàng loạt lĩnh vực nhân chuyến thăm Việt Nam lần này của ông Tập Cận Bình, tạo cơ sở quan trọng để triển khai hợp tác hiệu quả hơn nữa trong thời gian tới.

Ý nghĩa chuyến thăm Việt Nam lần thứ 4 của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình - 2

Tổng Bí thư Tô Lâm và Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (Ảnh: TTXVN).

Theo Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn,  kể từ khi thiết lập khuôn khổ quan hệ Đối tác hợp tác Chiến lược toàn diện năm 2008, đặc biệt là sau các chuyến thăm mang ý nghĩa lịch sử, quan hệ song phương Việt Nam - Trung Quốc phát triển mạnh mẽ, toàn diện và vượt bậc.

Lãnh đạo chủ chốt hai Đảng, hai nước đều khẳng định việc phát triển quan hệ song phương là ưu tiên hàng đầu, lựa chọn chiến lược trong chính sách đối ngoại và ngoại giao láng giềng của Việt Nam và Trung Quốc.

Năm 2024, hợp tác kinh tế thương mại Việt Nam - Trung Quốc tiếp tục đạt đỉnh cao mới, vượt mức 200 tỷ USD theo thống kê của Việt Nam và 260 tỷ USD theo số liệu của Trung Quốc.

Việt Nam duy trì vị trí là đối tác thương mại lớn nhất trong ASEAN, đối tác thương mại lớn thứ 4 của Trung Quốc xét theo tiêu chí quốc gia (sau Mỹ, Nhật, Hàn).

Trong 3 tháng đầu năm 2025, kim ngạch thương mại song phương Việt Nam - Trung Quốc đạt 51,25 tỷ USD (tăng 17,46% so với cùng kỳ).

Năm 2024, Trung Quốc đứng đầu về số dự án cấp mới với 955 dự án, đứng thứ 3/110 đối tác đầu tư vào Việt Nam về số vốn với 4,73 tỷ USD (tăng hơn 3,05%).