1. Dòng sự kiện:
  2. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết
  3. Sắp xếp bộ máy để tinh, gọn, mạnh

Xúc động dâng nén hương tưởng nhớ đồng đội đã ngã xuống hơn 50 năm trước

(Dân trí) - Sáng 27/7, tại Bia Liệt sĩ Vĩnh Lộc (ấp 6, xã Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh), chính quyền hai xã Vĩnh Lộc A, Vĩnh Lộc B tổ chức Lễ kỷ niệm 72 năm Ngày Thương binh – Liệt sĩ. Tại đây, những nhân chứng sống của sự kiện 32 dân công hỏa tuyến hy sinh không khỏi xúc động khi thắp nén hương cho đồng đội.

Đêm 15/6/1968 đã đi vào huyền thoại khi đoàn dân công Vĩnh Lộc với 55 người được lệnh đưa thương binh vượt bưng Láng Sấu xuống Đức Hòa - Long An rồi tải đạn ngược về Sài Gòn. Khi đoàn dân công vừa qua khỏi “vùng trắng” tới đồng bưng thì bị máy bay địch thả pháo sáng và phát hiện ra đội hình. Từ trực thăng, địch xả đạn điên cuồng vào đoàn dân công.

Sau trận oanh kích đó, 35 người trong đoàn đã hy sinh, trong đó có 32 dân công Vĩnh Lộc (25 nữ, 7 nam, có 5 người đã lập gia đình) đã mãi mãi nằm xuống trên mảnh đất quê hương mình.

Ngay trong đêm ấy, bất chấp hiểm nguy, bà con ấp Tân Hòa 1, Tân Hòa 2 đã ra đồng bưng cứu chữa những người bị thương và đưa xác con em mình lên những chiếc xe bò chuyển về nhà an táng.

Ngày nay, tại mảnh đất mà 32 dân công Vĩnh Lộc đã ngã xuống, thành phố đã xây dựng lên khu di tích Dân công hỏa tuyến (ấp 4, xã Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh) để tưởng nhớ những người con anh hùng của vùng đất này.

“Hơn năm mươi con người làm sao có thể trú kín trong đìa dứa. Sau mỗi đợt oanh kích, máu nhuộm đỏ dòng nước. Địch dội mưa bom, lửa đạn xuống đìa, mặt nước vỗ sóng làm chúng tôi uống nước đầy bụng mà không dám ngoi lên. Trong dòng nước ấy, có cả máu của đồng đội tôi...”, bà Nguyễn Thị Khỏi nghẹn ngào kể lại phút giây thảm khốc.

Xúc động dâng nén hương tưởng nhớ đồng đội đã ngã xuống hơn 50 năm trước - 1
Chiến sĩ dân công Nguyễn Thị Khỏi nhớ lại thời khắc hào hùng đã đi vào huyền thoại
Xúc động dâng nén hương tưởng nhớ đồng đội đã ngã xuống hơn 50 năm trước - 2
Bà Khỏi xúc động khi nhớ lại khoảnh khắc bị địch oanh tạc, đồng đội bị thương và hy sinh máu nhuộm đỏ dòng nước…

Tại buổi lễ, ông Phan Thanh Nhã  - Chủ tịch UBND xã Vĩnh Lộc A, thay mặt lãnh đạo hai xã ôn lại truyền thống kỷ niệm 72 năm Ngày Thương binh – Liệt sĩ (27/7/1947 – 27/7/2019). Thay mặt toàn thể cán bộ, chiến sĩ, nhân dân 2 xã Vĩnh Lộc A, Vĩnh Lộc B, ông Nhã xin hứa sẽ kế thừa xứng đáng sự nghiệp cách mạng vẻ vang mà các anh hùng, liệt sĩ đã chuyển giao và nguyện “Đời đời nhớ ơn các anh hùng liệt sĩ”.

Trước đó, lãnh đạo Huyện Bình Chánh và lãnh đạo 2 xã Vĩnh Lộc A, Vĩnh Lộc B cũng đã viếng và thắp hương tưởng niệm tại Khu di tích Dân công Hỏa tuyến Vĩnh Lộc Mậu Thân 1968, Bia tưởng niệm Bộ đội An Điền, đến thăm hỏi, tặng quà các Bà mẹ Việt Nam Anh hùng còn sống, gia đình thương binh, bệnh binh, gia đình có công cách mạng trên địa bàn 2 xã Vĩnh Lộc A, Vĩnh Lộc B.

Xúc động dâng nén hương tưởng nhớ đồng đội đã ngã xuống hơn 50 năm trước - 3

Hai lãnh đạo trẻ nghiêm trang trước anh linh những người anh hùng (bên trái là ông Phan Thanh Nhã, chủ tịch xã Vĩnh Lộc A, bên phải là ông Lôi Đại Phong, Chủ tịch xã Vĩnh Lộc B

 Bên cạnh việc dâng hương tưởng nhớ tập thể anh hùng đã hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, địa phương còn trao các phần quà cho thân nhân gia đình dân công.

Xúc động dâng nén hương tưởng nhớ đồng đội đã ngã xuống hơn 50 năm trước - 4

Tìm lại tên những đồng đội đã hy sinh, nhắc nhớ cho cháu con phải biết ghi lòng tạc dạ công ơn cha ông đã ngã xuống giành lấy độc lập

 Năm 2010, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã trao tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cho tập thể đoàn dân công hỏa tuyến huyện Bình Chánh.

“Năm tháng sẽ trôi qua, nhưng sự đóng góp và hy sinh xương máu của các anh hùng liệt sỹ sẽ mãi ghi vào trang sử vàng oanh liệt của dân tộc như một thiên anh hùng ca bất diệt… Xin mãi mãi biết ơn các bà mẹ Việt Nam anh hùng, các thương binh, bệnh binh, người có công cách mạng”, ông Phan Thanh Nhã phát biểu.

Phạm Nguyễn