Xuất ngoại “chui” như... đi chợ!
Hầu hết lao động ở Quảng Bình, Nghệ An sang Nga theo các đường dây “chui”, hưởng lương theo sản phẩm nên khi có hàng thì phải làm quần quật. Việc chậm có lương, thậm chí không lương là bình thường.
Theo ước tính, thanh niên trong độ tuổi lao động hiện đang ở Nga của 2 tỉnh Quảng Bình và Nghệ An lên đến con số hàng ngàn người. Phần lớn những người này đều đi “chui”, nghĩa là đi theo đường dây tuyển lao động trực tiếp hay gián tiếp của những người đã có thời gian làm việc bên Nga quay về tổ chức, chứ không qua tổ chức hay doanh nghiệp hợp pháp...
Có 10 triệu đồng là đi
Xã Hải Ninh, huyện Quảng Ninh - Quảng Bình là quê quán của anh Mai Văn Hồng, một trong những nạn nhân tử vong trong vụ hỏa hoạn tại xưởng may ở thị trấn Yegoryevsk - Nga mới đây. Ông Mai Minh Hải, cha của Hồng, cho hay trước đây, anh đi đánh cá thuê cho các tàu xa bờ của các tỉnh phía Nam nhưng thu nhập quá thấp. Nhân có người cùng xã lao động bên Nga về chơi và tuyển người sang làm bên đó nên Hồng đi theo mà chẳng cần học ngoại ngữ hay học nghề gì. Chi phí chuyến đi hết 40 triệu đồng, chưa kể tiền mua vali, quần áo, tàu xe... gần 10 triệu đồng nữa.
Nhiều trường hợp ở Quảng Bình chỉ tốn 10 triệu đồng cũng đi sang Nga được. Đó là khi chủ xưởng người Việt về nước, thăm nhà và tuyển công nhân đã có tay nghề may. Dạng công nhân như thế chỉ cần nộp 10 triệu đồng, số còn lại thì chủ sẽ trừ dần vào lương.
Hầu hết lao động Quảng Bình sang Nga đều đi theo kiểu du lịch nên hết thời hạn là buộc phải sống “chui”. Do hưởng lương theo sản phẩm nên khi có hàng thì họ phải làm quần quật, có khi 20 giờ/ngày và thu nhập có thể lên đến 30 triệu đồng. Tuy nhiên, nhiều người làm mà chậm có lương, thậm chí không có lương cũng là chuyện thường.
Cách đây chưa lâu, 8 lao động nữ ở xã Đồng Trạch, huyện Bố Trạch - Quảng Bình đi theo đường dây “chui” sang Nga làm việc ở xưởng may, bị bỏ đói phải đi ăn xin, may mà có những người đồng hương quyên tiền mua giúp vé máy bay về nước.
Dễ vỡ mộng
Ông Đặng Quang Võ, cha của Đặng Quang Ngọc (xã Bảo Thành, huyện Yên Thành - Nghệ An, cũng là nạn nhân chết trong vụ cháy xưởng may tại thị trấn Yegoryevsk), cho biết nghe mọi người bảo có đường dây sang Nga làm việc nên gia đình vay 50 triệu đồng làm hộ chiếu và mua vé bay cho Ngọc, khi đi không ký hợp đồng với công ty nào cả.
Ở huyện Diễn Châu - Nghệ An, nhiều người đã nạp cho “cò” Phúc 2.700 USD/người để được sang Nga. Đi mới một thời gian thì Lê Công Khoa, Nguyễn Văn Tuấn, Nguyễn Văn Dũng đã thiệt mạng trong một vụ tai nạn lao động vào ngày 14/12/2011. Đầu tháng 6 năm nay, hàng chục lao động tại huyện Hưng Nguyên, Nam Đàn - Nghệ An sang Nga làm việc qua môi giới của “cò” Lý (TP Vinh) đã phải về nước vì điều kiện làm việc không bảo đảm mà lương quá thấp...
Trong một thời gian ngắn, các cơ quan chức năng đã phát hiện nhiều đường dây đưa người đi nước ngoài trái phép do các đối tượng tại Nghệ An tổ chức. Cụ thể năm 2011, cơ quan chức năng đã bắt giữ Nguyễn Đình Chiến và ngày 24/6 vừa qua bắt Nguyễn Văn Kính.
Theo ông Nguyễn Danh Tuệ, Chủ tịch UBND xã Bảo Thành, huyện Yên Thành, xã có gần 600 lao động đi làm việc ở nước ngoài, trong đó đi Nga hơn 400 người. Trước 2 nạn nhân thiệt mạng ngày 11/9 thì xã này cũng đã có 2 lao động chết ở Nga.
Ông Bùi Nguyên Lân, Giám đốc Sở LĐ-TB-XH tỉnh Nghệ An, cho biết: “Việc lao động của tỉnh ở Nga có hoạt động “chui” hay không sở không nắm được. Hiện sở đang gọi điện ra Hà Nội để xác minh”.
Hỗ trợ đưa thi thể nạn nhân về nước Chiều 14/9, ông Đặng Quang Võ cho biết Đại sứ quán Việt Nam tại Nga đã liên hệ với gia đình, đồng ý hỗ trợ cho mỗi nạn nhân 2.000 USD để đưa thi thể về nước. Ông tâm sự: “Gia đình cảm ơn cơ quan chức năng, cảm ơn đại sứ quán đã quan tâm, chia sẻ nỗi đau cũng như gánh nặng với gia đình”. Ông Nguyễn Danh Tuệ nói gia đình nạn nhân muốn mang thi hài thân nhân về tự mai táng nhưng chi phí quá lớn, UBND xã Bảo Thành cũng chỉ có thể ủng hộ được 1 triệu đồng nên rất mong sự giúp đỡ của những nhà hảo tâm. (G.Tân) |
Theo Hoàng Hà - Hải Vũ
Người lao động