Đắk Lắk:

Xua đuổi thành công hơn 20 cá thể voi rừng phá hoại trong thị trấn

(Dân trí) - Sáng nay 17/12, nguồn tin từ Trung tâm Bảo tồn voi Đắk Lắk cho biết cơ quan chức năng đã xua đuổi thành công đàn voi rừng hơn 20 cá thể phá hoại hoa màu tại thôn 6, thị trấn Ea Súp, huyện Ea Súp, tỉnh Đắk Lắk.

Một chòi rẫy ở xã Đắk Drông, huyện Cư Jút, Đắk Nông bị voi rừng phá tung vào đầu tháng 12 này.
Một chòi rẫy ở xã Đắk Drông, huyện Cư Jút, Đắk Nông bị voi rừng phá tung vào đầu tháng 12 này.

Trước đó, vào đầu trung tuần tháng 12, trên địa bàn thôn 6, thị trấn Ea Súp xuất hiện một đàn voi rừng hơn 20 cá thể kéo về sát bìa rừng, tiến sâu vào trong vùng canh tác hoa màu của người dân để kiếm ăn.

Việc đàn voi rừng xuất hiện không chỉ phá hoại nhiều diện tích nông sản mà còn đe dọa đến tính mạng, tài sản của hàng chục hộ dân địa phương nằm trong khu vực có voi rừng di chuyển.

Nhận được tin báo, UBND huyện Ea Súp đã chỉ đạo lực lượng công an, dân quân tự vệ phối hợp với Trung tâm Bảo tồn voi Đắk Lắk tổ chức xua đuổi đàn voi về lại rừng. Sau khi quyết liệt triển khai các biện pháp xua đuổi, đàn voi đã bỏ đi nhưng đã phá hoại khoảng 12 ha hoa màu.

Ông Huỳnh Trung Luân, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn voi Đắk Lắk cho biết, hiện đàn voi đã bỏ đi nhưng không loại trừ khả năng chúng sẽ quay lại kiếm ăn vì khu vực thôn 6, thị trấn Ea Súp, nơi giáp với bìa rừng vẫn còn rất nhiều diện tích sắn mì của người dân chưa thu hoạch.

Như vậy, chỉ trong vòng 3 tháng qua, đây là lần thứ 2 đàn voi rừng kéo về thị trấn Ea Súp để kiếm ăn. Trước đó vào cuối tháng 9, người dân thị trấn này cũng bị mất trắng hàng chục hecta hoa màu bị voi rừng phá hoại. Những lần trước, voi rừng thường kéo về các xã Ia Rvê, Ia J’lơi (huyện Ea Súp) để kiếm ăn, nhưng việc voi kéo ra đến thị trấn quậy phá là điều chưa có trong tiền lệ.

Các chuyên gia cho rằng, việc voi rừng thường xuyên kéo về khu dân cư phá hoại là hệ quả tất yếu của những cánh rừng khộp bị xâm hại, dẫn đến môi trường sống, hành lang di chuyển của voi bị thu hẹp. Trong khi đó, nguồn thức ăn trong Vườn quốc gia Yok Đôn, nơi sống của voi được dự báo là đã cạn kiệt, không còn đáp ứng đủ nhu cầu của voi như trước.

Các chuyên gia cũng khuyến cáo, nếu voi trở về thường xuyên, người dân nên chuyển đổi cơ cấu cây trồng, trồng những loại cây trồng mà voi không ưa thích. Còn về lâu dài, cần có bản đồ quy hoạch vùng voi về, để từ đó có biện pháp xua đuổi hiệu quả, tránh mâu thuẫn giữa voi và người.

Viết Hảo