1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Xử nghiêm người đe dọa, ép buộc người tố cáo rút đơn

(Dân trí) - Trong trường hợp có căn cứ cho rằng việc rút tố cáo do người tố cáo bị đe dọa, ép buộc thì người giải quyết tố cáo phải áp dụng ngay các biện pháp bảo vệ người tố cáo, xử lý nghiêm đối với người đe dọa, ép buộc người tố cáo.

Bộ Công an đang lấy ý kiến góp ý về dự thảo thông tư quy định quy trình giải quyết tố cáo trong Công an nhân dân. Theo đó, trong trường hợp người tố cáo xin rút nội dung tố cáo và xét thấy việc rút tố cáo là có căn cứ thì người giải quyết tố cáo ra quyết định đình chỉ không xem xét, giải quyết nội dung tố cáo đó. Việc rút tố cáo trong trường hợp này chỉ được xem xét ở thời điểm trước khi có quyết định thụ lý giải quyết tố cáo của người có thẩm quyền. Tuy nhiên nếu xét thấy hành vi vi phạm pháp luật vẫn chưa được phát hiện và xử lý thì người giải quyết tố cáo vẫn phải xem xét, giải quyết theo quy định của pháp luật.

Trong trường hợp có căn cứ cho rằng việc rút tố cáo do người tố cáo bị đe dọa, ép buộc thì người giải quyết tố cáo phải áp dụng ngay các biện pháp bảo vệ người tố cáo, xử lý nghiêm đối với người đe dọa, ép buộc người tố cáo.

Hành vi ép buộc, đe dọa người tố cáo rút đơn sẽ bị xử nghiêm. (Ảnh minh họa: Người Lao Động)
Hành vi ép buộc, đe dọa người tố cáo rút đơn sẽ bị xử nghiêm. (Ảnh minh họa: Người Lao Động)

Đối với trường hợp người tố cáo xin rút nội dung tố cáo nhằm che giấu hành vi vi phạm pháp luật, trốn tránh trách nhiệm hoặc vì vụ lợi thì người giải quyết tố cáo vẫn phải tiến hành xem xét, giải quyết tố cáo; đồng thời phải xem xét xử lý hành vi rút tố cáo của người tố cáo tùy theo tính chất, mức độ vi phạm để xử lý theo quy định của pháp luật.

Theo nội dung dự thảo, trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận được tố cáo tiếp, người đứng đầu cơ quan cấp trên trực tiếp của người có trách nhiệm giải quyết tố cáo cần xem xét, xử lý. Việc thụ lý giải quyết lại tố cáo phải được thực hiện ngay khi phát hiện thấy một trong những dấu hiệu vi phạm pháp luật như: có vi phạm pháp luật nghiêm trọng về trình tự, thủ tục giải quyết tố cáo có thể làm thay đổi kết quả giải quyết tố cáo; có sai lầm trong việc áp dụng pháp luật khi kết luận nội dung tố cáo; kết luận nội dung tố cáo không phù hợp với những tài liệu, chứng cứ đã thu thập được; có bằng chứng về việc người giải quyết tố cáo hoặc người tiếp nhận tố cáo, người xác minh nội dung tố cáo đã làm sai lệch hồ sơ vụ việc…

Dự thảo quy định người giải quyết tố cáo có trách nhiệm công khai kết luận nội dung tố cáo, quyết định xử lý hành vi vi phạm bị tố cáo theo quy định tại Điều 12 Nghị định 91/2013 của Chính phủ quy định về tố cáo và giải quyết tố cáo trong Công an nhân dân. Nếu người tố cáo có yêu cầu thì người giải quyết tố cáo phải thông báo kết quả giải quyết cho người tố cáo.

Thế Kha

 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm