Xứ Nghệ đang gồng mình chống hạn
Huyện Nghi Lộc, những cánh đồng bạc trắng, đất đai nứt nẻ thành những rãnh sâu, không thể sản xuất, trở thành nơi thả rông trâu bò. Hầu hết các dòng sông đều cạn kiệt hoặc nhiễm mặn không thể sử dụng. Thiếu nước, những cánh đồng đã khô cháy dưới cái nắng nóng kỷ lục, người dân chỉ còn biết cầu trời mưa xuống.
Toàn huyện Nghi Lộc đến thời điểm này chỉ mới gieo cấy được 3.700ha còn3.000ha đang bỏ hoang. Chị Nguyễn Thị Cảnh, xã Nghi Lâm, ngẩn ngơ: “Năm nay thì không có lúa ăn đâu, thậm chí cả gốc rạ, rơm chưa chắc đã có cho trâu bò ăn chứ đừng nói đến chuyện gạo. Đấy chú thấy, nhìn cánh đồng bạc phếch thế này thì lấy gì mà ăn chứ... Mấy ngày trước chồng tôi bảo phải Nam tiến thôi, chứ ở nhà nhìn ruộng cứ khô cứng như đá thế này lấy gì mà bỏ miệng đây. Vào Nam làm ăn một thời gian rồi về”.
Những diện tích đã gieo cấy giờ cũng có nguy cơ mất trắng đã và đang xảy ra tại nhiều địa phương ở Nghệ An
Tại huyện Tân Kỳ, theo thống kê ban đầu của Phòng Nông nghiệp huyện, đã có 1.800/hơn 2.000ha ngô xuân hè bị mất trắng, thiệt hại lên tới hàng tỷ đồng. Cây lúa cũng đang thiếu nước trầm trọng. Đến thời điểm này, toàn huyện mới chỉ gieo cấy được 1.900/3.200 ha lúa Hè thu - vụ Mùa, trong đó, có 700 ha cấy xong không có nước để tưới dưỡng nên cây mạ cũng đã chuyển màu.
Với 120 hồ đập lớn nhỏ, nhưng hiện nay, ở Tân Kỳ chỉ còn 11 hồ đập đủ lượng nước để các trạm bơm hoạt động nhưng mực nước trong hồ không đáng kể. Bên cạnh cây ngô và cây lúa, hiện nay hàng ngàn ha mía và các loại cây hoa màu khác cũng đứng trước nguy cơ mất mùa, nhất là một số diện tích mía trồng mới.
Tại huyện Nghĩa Đàn, hạn hán nhiều ngày qua làm cho 9/12 hồ đập lớn ở Nghĩa Đàn cạn kiệt nước. Bà con nông dân không thể gieo cấy hè thu - mùa theo thời vụ. Hàng nghìn ha đất nông nghiệp phải bỏ trống hơn một tháng nay.
Các xã bị hạn nặng như: Nghĩa Lộc, Nghĩa Trung, Nghĩa Bình, Nghĩa Sơn... đến nay vẫn chỉ là một màu đất bạc trắng, khô khốc, nứt nẻ. Không có một loại cây trồng nào mọc được trên đồng đất khô cằn. Các con đập nằm rải rác ở các xã mạn trên mực nước nằm dưới miệng cống lưu chuyển.
Ruộng đồng thiếu nước, bỏ hoang
Người nông dân huyện Anh Sơn cũng không khá hơn khi đang đối mặt với một vụ mùa mất trắng.
“Bão hạn” đang hoành hành ở Nghệ An. Chủ tịch UBND tỉnh, ông Phan Đình Trạc, yêu cầu các cấp, ngành các huyện phải nỗ lực dùng mọi biện pháp ưu tiên chống hạn cho cây trồng, đặc biệt tập trung cứu số diện tích lúa đã cấy. Theo báo cáo mới nhất từ Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn Nghệ An, tính đến ngày 6/7/2010, trên địa bàn tỉnh có gần 23.000 ha lúa hè thu chưa gieo cấy. Trong khi đó số diện tích đã gieo cấy được là hơn 25.000ha cũng đang lâm vào tình trạng thiếu nước trầm trọng. Đặc biệt, có gần 8.200ha diện tích có thể bị chết cháy trong thời gian tới nếu không có mưa.
Trong khi vụ hè thu đang đứng trước những thách thức cực kì khó khăn vì điều kiện khí hậu khắc nghiệt, thì theo nhận định của Chi cục Thủy lợi Nghệ An, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng để tiến hành vụ mùa rất khó thực hiện. Mặc dù Sở Nông nghiệp khuyến cáo người dân nên trồng những loại cây có nhu cầu về nước ít như các loại cây họ đậu, cây lạc… Song trên thực tế, do quá khô hạn nên nếu tiến hành vụ mùa vào lúc này cũng không mang lại hiệu quả.
Hiện nay, UBND tỉnh đang đề nghị Chính phủ hỗ trợ hơn 100 tỷ đồng để tiếp tục nạo vét kênh mương, mua máy bơm nước chạy dầu, mua giống lúa ngắn ngày để gieo trồng lại.
Cơn đại hạn đang đẩy hàng nghìn nông dân xứ Nghệ lâm vào tình cảnh khốn đốn, khả năng mất trắng vụ hè thu ở nhiều địa phương không chỉ còn là nguy cơ. Nghệ An nói riêng và miền Trung nói chung đang rất cần sự trợ giúp từ Chính phủ.
Một số hình ảnh hạn hán PV Dân trí ghi lại trong quá trình đi thực tế khắp các huyện ở Nghệ An:
Ruộng ngô chết cháy tại xã Nghĩa Thuận, thị xã Thái Hòa
Lúa chờ chết ở huyện Nghi Lộc
Ruộng bạc trắng, nứt nẻ, bỏ không ở xã Nghi Yên, huyện Nghi Lộc
Ruộng cày phơi khô hàng tháng trời giờ bỏ cho trâu bò xéo ở xã Nghĩa Thuận, thị xã Thái Hòa. Bà con vẫn đang méo mặt. Thời điểm này năm trước, hàng trăm ha của xã Nghĩa Thuận lúa đã lên xanh.... nhưng năm nay vẫn trơ trắng đất
Hàng trăm ha ruộng chưa được cày xới ở xã Quỳnh Châu, huyện Quỳnh Lưu
Ruộng bạc trắng ở xã Nghĩa Trung, huyện Nghĩa Đàn.
Nhiều diện tích mía ở xã Nghĩa Trung, Nghĩa Sơn của huyện Nghĩa Đàn chết héo dần vì hạn hán
Hồ Khe Bưởi ở thị xã Thái Hoà cạn kiệt
Sông Đào bắt nguồn từ sông Lam chạy qua các huyện Nam Đàn, Hưng Nguyên đổ về thành phố Vinh giờ cũng đang trơ đáy.... Đây cũng là con sông được lấy nước để làm nước sạch phục vụ cho nhân dân thành phố Vinh. Tuy nhiên, thời điểm này con sông nước đã cạn đến mức báo động và đục ngầu....
Nhiều đoạn trên dòng sông Lam - con sông lớn nhất tỉnh Nghệ An đã trơ đáy.....
Nguyễn Duy