1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Xử lý hình sự nếu sai phạm nghiêm trọng trong sử dụng đất quốc phòng

(Dân trí) - “Quân ủy Trung ương đã có kết luận, Bộ cũng đã có kế hoạch xử lý. Tất cả đất sử dụng không đúng quy định sẽ thu hồi, cán bộ làm sai sẽ bị xử lý trách nhiệm. Nếu gây hậu quả nghiêm trọng thì sẽ xử lý trách nhiệm hình sự”, Thiếu tướng Võ Hồng Thắng nói.

Ngày 13/7, Bộ Quốc phòng tổ chức họp báo về kết quả hoạt động quân sự, quốc phòng và xây dựng quân đội 6 tháng đầu năm 2017. Cuộc họp do Trung tướng Nguyễn Trọng Nghĩa – Phó Chủ nhiệm Tổng Cục Chính trị chủ trì.

Trung tướng Nguyễn Trọng Nghĩa – Phó Chủ nhiệm Tổng Cục Chính trị chủ trì.
Trung tướng Nguyễn Trọng Nghĩa – Phó Chủ nhiệm Tổng Cục Chính trị chủ trì.

Tại đây, trả lời báo chí về việc sử dụng đất quốc phòng trong hoạt động kinh tế, Thiếu tướng Vỗ Hồng Thắng - Cục trưởng Cục Kinh tế - cho biết, khi thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình thì quân đội được sử dụng các nguồn lực cần thiết và nguồn lực đó là đất đai. Quân đội cũng xây dựng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cho quốc phòng. Do đó, quỹ đất chưa dùng, nếu không sử dụng thì rất lãng phí.

Thiếu tướng Thắng cho biết, việc sử dụng đất quốc phòng góp phần tăng cường nguồn thu cho quốc phòng, giải quyết chính sách hậu phương cho quân đội, cải thiện đời sống cho cán bộ, chiến sĩ, đồng thời tăng tiềm lực đầu tư cho quốc phòng trong điều kiện ngân sách còn nhiều hạn hẹp.

“Mặt khác, việc này cũng góp phần phát triển kinh tế xã hội cho địa phương, chứ không chỉ đơn thuần là tăng nguồn thu cho quốc phòng”, ông Thắng trao đổi thêm.

Thiếu tướng Võ Hồng Thắng - Cục trưởng Cục Kinh tế
Thiếu tướng Võ Hồng Thắng - Cục trưởng Cục Kinh tế

Về việc một số doanh nghiệp, cũng như đơn vị của quân đội cho doanh nghiệp khác thuê đất để kinh doanh, ông Thắng khẳng định, tất cả việc sử dụng đất quốc phòng sai mục đích đều được kiểm tra, xử lý và thu hồi.

“Vừa qua có một số nơi đã làm không đúng và Quân ủy Trung ương đã có kết luận, Bộ cũng có kế hoạch xử lý. Tất cả đất sử dụng không đúng quy định sẽ thu hồi, cán bộ làm sai sẽ bị xử lý trách nhiệm. Nếu gây hậu quả nghiêm trọng thì sẽ xử lý trách nhiệm hình sự”, Thiếu tướng Thắng khẳng định.

Cục trưởng Cục Kinh tế cũng nói thêm về việc dừng chuyển giao đất quốc phòng. Theo ông, việc tạm dừng chuyển đổi đất quốc phòng làm kinh tế là nói đến việc dứt điểm cho thuê, mướn đất quốc phòng làm việc khác.

“Khu đất địa phương cần mà quốc phòng chưa cần thì chuyển giao cho địa phương phát triển kinh tế. Ngoài ra, sau khi hình thành kinh tế quân đội còn chuyển giao cho địa phương quản lý cho người dân có đất làm ăn. Nói quân đội dừng chuyển giao đất và không làm chỗ nào phải hiểu cho đúng”, ông Thắng nhấn mạnh.

Thiếu tướng Võ Hồng Thắng nói về việc xử lý sai phạm trong sử dụng đất quốc phòng

Trả lời câu hỏi báo chí vì sao quân đội nhiều nước không làm kinh tế, đơn cử như Trung Quốc trước đây quân đội làm kinh tế nhưng sau đó đã dừng, Thiếu tướng Võ Hồng Thắng nói rằng quân đội Việt Nam có nhiệm vụ sản xuất kinh tế, xuất phát từ bản chất, truyền thống của quân đội.

“Không nên nói quân đội làm kinh tế. Việc sản xuất kinh tế là nhiệm vụ được Đảng và Nhà nước giao phó và xuất phát từ bản chất và truyền thống của quân đội. Từ thời chiến quân đội phải tự sản xuất để tự lực tự cường, phát triển lực lượng và đây là truyền thống”, ông Thắng giải thích thêm.

Theo Thiếu tướng Thắng, đến khi có chính quyền, kể cả trong kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ thì nước ta còn nghèo. Lực lượng quân đội thì đông nên tiếp tục phải phát huy truyền thống tự lực tự cường, phát triển lực lượng, tăng gia sản xuất để đóng góp cho dân, cho đất nước.

Cục trưởng Cục Kinh tế cho biết, ngày nay để xây dựng đất nước quân đội phải song hành 2 nhiệm vụ chiến lược, đó là xây dựng và bảo vệ tổ quốc.

“Xây dựng để tăng tiềm lực bảo vệ tổ quốc, bảo vệ tổ quốc để góp phần xây dựng kinh tế mạnh hơn. Để thực hiện 2 nhiệm vụ này thì việc kết hợp giữa kinh tế và quốc phòng, quốc phòng và kinh tế là đương nhiên. Điều này đã được ghi trong Hiến pháp 2013”, Thiếu tướng Thắng phân tích.

Cũng theo Cục trưởng Cục Kinh tế, quân đội các nước không làm kinh tế thì tùy theo điều kiện hoàn cảnh, chiến lược của từng nước. Chiến lược chúng ta phải song hành phát triển kinh tế đi đôi với bảo vệ tổ quốc.

“Nói nước khác không làm kinh tế cũng là tùy theo lịch sử, hoàn cảnh của họ. Ví dụ, với Trung Quốc, chiến lược của họ là phát triển kinh tế, bảo vệ tổ quốc. Họ không đặt nặng vấn đề bảo vệ tổ quốc vì thời nay chẳng ai nghĩ rằng Trung Quốc bị xâm lược. Chiến lược của ta thì khác, phát triển kinh tế phải đi đôi với bảo vệ tổ quốc. Từ xưa đến nay đều như thế”, ông Thắng nói.

Cục trưởng Cục Kinh tế cho rằng quân đội phải phát triển song song kinh tế với bảo vệ tổ quốc

Thiếu tướng Thắng cho rằng, quân đội các nước cũng làm kinh tế nhưng họ làm dạng khác, như đầu tư các tổ hợp công nghiệp quốc phòng, các trung tâm nghiên cứu như NASA của Mỹ.

“Họ đầu tư nghiên cứu công nghệ rất tiên tiến, sau khi đã hoàn chỉnh sản phẩm cho quốc phòng rồi đưa ra phục vụ dân sự để tăng nguồn thu rồi lấy tiền đầu tư các dự án nghiên cứu”, ông Thắng lý giải thêm.

Cũng theo vị thiếu tướng này, công nghiệp sản xuất quốc phòng của ta còn yếu, cái gì tiên tiến thì đều mua là chính. Nhưng đi mua thì không thể làm chủ công nghệ, phương tiện.

“Bây giờ đã đến lúc phải sản xuất công nghệ, như thế mới làm chủ công nghệ, làm chủ phương tiện. Như vậy phải kết hợp quốc phòng với kinh tế để phát triển công nghiệp quốc phòng”, Cục trưởng Cục Kinh tế nhấn mạnh.

Bài: Quốc Anh

Ảnh, Video: Phạm Nguyễn