“Xử” công chức không được việc - khó vì không ai sai phạm!

(Dân trí) - Buộc công chức ghi chép nhật ký làm việc là cách GĐ Sở Nội vụ Đà Nẵng khẳng định sẽ giúp nhận diện, chỉ tên 30% số công chức không làm được việc. Tuy nhiên, nhiều GĐ Sở cùng than khó trong việc xử lý những người này vì “họ không sai phạm gì”.

Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về đẩy mạnh cải cách hành chính và cải cách chế độ công vụ, công chức, sáng 26/7, bên cạnh những kết quả ghi nhận, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ rõ công tác cải cách hành chính nhìn chung còn chậm, còn mang tính hình thức. Lãnh đạo một số bộ, ngành, địa phương chưa quan tâm đến công tác này, chưa coi đó là nhiệm vụ thường chính trị xuyên. Nhiều bộ, ngành, địa phương chưa chủ động, tích cực trong việc thực hiện nhiệm vụ liên quan đến cải cách chế độ công chức, công vụ...

Phó Thủ tướng yêu cầu quyết tâm chính trị cao trong cải cách hành chính. “Việc đẩy mạnh công tác cải cách hành chính nói chung và cải cải cách chế độ công vụ, công chức nói riêng là trách nhiệm và là nhiệm vụ chính trị thường xuyên của mỗi bộ, ngành, địa phương” – ông Phúc nói.
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì hội nghị tại đầu cầu Hà Nội (ảnh: chinhphu.vn).
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì hội nghị tại đầu cầu Hà Nội (ảnh: chinhphu.vn).

Nêu nhiệm vụ cụ thể trong thời gian tới, Phó Thủ tướng nhấn mạnh, về cải cách chế độ công chức, công vụ, cần xác định vị trí việc làm và cơ cấu công chức, viên chức; tập trung sửa đổi và hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn chức danh công chức, xây dựng hệ thống chức danh nghề nghiệp của viên chức theo Luật Viên chức.

Thứ trưởng Nội vụ Trần Anh Tuấn cho biết, Bộ đã nghiên cứu xây dựng phần mềm thi tuyển công chức trên máy tính, đã áp dụng lần đầu đối với các kỳ thi tuyển tại Bộ này. Hải Phòng là tỉnh đầu tiên trong cả nước đã ứng dụng phần mềm trực tuyến vào việc thi tuyển. Bộ Tài chính, TP Hà Nội, TPHCM, tỉnh Khánh Hòa, Trà Vinh tới đây cũng áp dụng hình thức thi tuyển công chức này.

Ông Tuấn cũng phê một số địa phương chưa thực hiện nghiêm quy định của pháp luật về công tác tuyển dụng. Việc phân biệt văn bằng, chứng chỉ và loại hình đào tạo trong tuyển dụng như ở Nam Định vừa qua được nêu ví dụ.

Chất lượng tuyển dụng nhân sự cũng được xác nhận chưa được đảm bảo. Bộ Nội vụ đã có văn bản nhắc nhở các Bộ, ngành, địa phương nhưng một số vẫn không tiếp thu, chấp hành, làm trái quy định gây nhiều bức xúc trong dư luận xã hội.

Phát biểu từ đầu cầu Đà Nẵng, Giám đốc Sở Nội vụ Đặng Công Ngữ báo cáo, thành phố áp dụng biện pháp đánh giá công chức theo mô hình mới, lấy kết quả làm thước đo. Từ đó, cơ quan chức năng đã “nhận diện được số 30% công chức không làm được việc, chỉ ra đó là những ai”.

Cách thức cụ thể, ông Ngữ trình bày, tất cả công chức đều phải thực hiện ghi chép nhật ký làm việc, thống kê công việc hàng tháng. Từ đó, nhìn vào bản kê khai này sẽ biết vị trí nào không làm việc hết thời gian, góp thêm cơ hội để xây dựng vị trí việc làm tốt hơn cho mỗi nhân sự.

Ông Ngữ phân trần, việc này “hơi ngược” với hướng dẫn của Bộ Nội vụ nhưng đó là một nền tảng tốt để xác định đúng vị trí mỗi việc làm, công chức.

Giám đốc Sở Nội vụ Đà Nẵng cũng phân tích, việc xác định vị trí việc làm đang khó ở chỗ thiếu chức danh, tiêu chuẩn, cũng như hình mẫu để xây dựng khung năng lực. Mặt khác là chính sách đầu ra đồng bộ hậu xác định vị trí việc làm, “không nên làm ra để đó thì khó xử, gây tâm lý, tâm trạng trong các cơ quan”.

Thứ trưởng Trần Anh Tuấn góp lời “thanh minh” cho Đà Nẵng là cách làm này không trái với quy định, hướng dẫn của Chính phủ.

Đánh giá cao mô hình của Đà Nẵng, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu thông tin cụ thể bộ, ngành, địa phương nào khác làm được việc xác định số công chức “có cũng được, không có cũng không sao” tương tự.

Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội Trần Huy Sáng giải thích, việc xác định vị trí việc làm vẫn khó tiến hành do chưa có tiền lệ, mô hình chuẩn mang tính phổ biến để tham khảo. Ngoài ra, cũng không dễ thống kê công việc của cán bộ vì chưa có cơ quan nào lập nhật ký công tác; phân cấp giữa trung ương và địa phương sẽ còn thay đổi, văn bản pháp luật chưa ổn định, thiếu thống nhất...

Ông Sáng chỉ rõ bất cập, biên chế cách cũ đã tồn tại lâu, nhiều vị trí đã được phân công ổn định có thể không còn thích hợp với biên chế mới, nên gặp nhiều sức cản từ những người tư duy theo lối cũ, không muốn đổi mới.

Ngoài ra, việc tinh giản biên chế, với phần lớn cán bộ không làm được việc nhưng cũng không thể giải quyết được vì họ không sai phạm gì, cấp trên cũng không có quyền đánh giá...

P.Thảo

Dòng sự kiện: 30% công chức "cắp ô"