1. Dòng sự kiện:
  2. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết
  3. Sắp xếp bộ máy để tinh, gọn, mạnh

Gia Lai:

Xót xa những cánh rừng bị “cạo trọc, đốt sạch”

(Dân trí) - Hai bên đường dẫn trung tâm xã Hà Đông thuộc làng Kon Jốt và làng Kon Maha (xã Hà Đông, huyện Đăk Đoa, Gia Lai) là hình ảnh những ngọn đồi “trọc lóc”, cây rừng nằm chết ngổn ngang. Đặc biệt, ngay giữa con đường chính thì người dân vẫn ngang nhiên dùng cưa lốc cưa để đốn hạ cây rừng và “đốt sạch, cạo trọc” để lấn chiếm đất làm nương rẫy.

Ngang nhiên “đốt sạch, cạo trọc”

Trong chuyến đi thực tế, chúng tôi đã men theo con đường bê tông để vào trung tâm xã Hà Đông và đã tận mắt chứng kiến người “ngang nhiên” lấn chiếm đất để làm nương rẫy và tiếng cưa lốc “thét gầm” từ trong rừng xanh vọng ra.

Theo quan sát của PV, hầu hết những quả đồi gần đường đã bị “cạo trọc, đốt sạch” còn trơ lại những vạt đất khô khốc. Dưới chân đồi, người dân đã dựng lên những ngôi nhà chòi để sinh hoạt và tiện cho việc gieo hạt khi mưa xuống. Đối với những cây lớn, họ dùng cưa lốc đốn hạ, “xẻ thịt” và lấy đi những lóng gỗ. Khi nhìn thấy người lạ, họ liền nhanh tay cầm cưa lốc chạy vào rừng sâu.

Rừng xanh bị “xâm hại”

Với tập quán du canh, du cư, sau 2 đến 3 mùa rẫy, khi đất đai cằn cỗi, người dân lại tịnh tiến về phía những cánh rừng để "ken cây", đốt rừng nhằm mục đích lấn chiếm làm nương rẫy. Tiến vào địa phận làng Kon Jốt, thay vì thấy những vạt đất rừng cây cối xanh tốt, trước mặt chúng tôi chỉ còn những ngọn đồi trọc, cây cối nằm la liệt do bị đốt, dấu gỗ bị “xẻ thịt” vẫn còn thơm mùi nhựa.

Từng ngày cây rừng bị đốt, rừng bị lấn chiếm
Từng ngày cây rừng bị đốt, rừng bị lấn chiếm

Bên cạnh những thân cây rừng vẫn nằm ngổn ngang trên mặt đất là những cây mì đã nhú lên. Xung quanh cả vạt rừng rộng lớn đã bị “cạo trọc, đốt sạch”. Những thân cây có đường kính khoảng 30-40cm đã bị người dân xẻ thành những lóng gỗ để đưa đi. Nhiều cây gỗ lớn bị “xẻ thịt” lấy gỗ, dấu mùn cưa và những mảnh bìa vẫn còn nằm rải rác khắp nơi. Số cây không tận dụng được thì bị đốt, thân cây cháy đen nằm chồng chéo mọi nơi.


Tiếng cưa lốc thét gầm, gỗ bên con đường dẫn vào trung tâm xã ngang nhiên bị xẻ thịt

Tiếng cưa lốc "thét gầm", gỗ bên con đường dẫn vào trung tâm xã ngang nhiên bị "xẻ thịt"

Với cây to, người dân thường tạo ra những rãnh sâu xung quanh thân cây ngăn không cho việc vận chuyển chất dinh dưỡng từ phần gốc lên trên, đây được gọi là hình thức “ken” cây. Những cây rừng bị “ken” một thời gian sau mới chết, người dân “hợp thức hóa” bằng việc đốn hạ cây đã chết rồi mở rộng dần diện tích. Thậm chí họ còn dựng nhà ngay dưới chân đồi.

Đủ mọi hình thức thì những cây rừng đang bị xâm hại
Đủ mọi hình thức thì những cây rừng đang bị "xâm hại"

Trên cung đường vào trung tâm vào xã Hà Đông, theo tiếng cưa lốc đã dẫn chúng tôi đến với một cánh rừng thuộc BQL Rừng phòng hộ Đăk Đoa đang có một số người ngang nhiên mang cưa lốc vào đốn hạ những cây rừng. Khi được hỏi những người này hồn nhiên nói họ chỉ đốn vài cây gỗ về làm nhà…

“Hết cây rừng, đất lâm nghiệp biến thành đất nông nghiệp”

Theo cán bộ kiểm lâm địa bàn và chính quyền xã Hà Đông, khu vực người dân đang ngang nhiên “cạo trọc, đốt sạch” này thuộc phần đất nông nghiệp.

Hàng ngàn diện tích lâm lâm nghiệp đã được chuyển đổi thành đất nông nghiệp
Hàng ngàn diện tích lâm lâm nghiệp đã được chuyển đổi thành đất nông nghiệp

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Hồng Việt, Phó Chủ tịch xã Hà Đông, cho biết: “Diện tích đất trên là đất nông nghiệp. Tuy là đất nông nghiệp nhưng người dân có hành vi dùng máy cưa cây rừng đều bị xử lý. Nhưng cũng do tập quán du canh, du cư nên người dân thường hay phá để làm nương rẫy. Trước đây, chúng tôi cũng đã cương quyết xử lý những vụ phá rừng làm nương rẫy, điển hình là năm 2012 đã truy tố 13 đối tượng vì phá hơn 10ha rừng. Sau đó, UBND huyện Đăk Đoa đã tiến hành vận động người dân đưa 20ha rừng bị phá vào trồng rừng…”.


Một số người ngang nhiên vào rừng dùng cưa lốc để khai thác gỗ trái phép

Một số người ngang nhiên vào rừng dùng cưa lốc để khai thác gỗ trái phép

Cũng theo ông Việt, hiện tại địa phương đang chờ phương án sử dụng đất cho quỹ đất này, phải qua một công đoạn nữa và theo như lộ trình, phải đến vài năm nữa mới được cấp sổ đỏ. Diện tích chuyển đổi từ đất lâm nghiệp sang đất nông nghiệp là khoảng 4.000-5.000 ha. Quỹ đất nông nghiệp này hiện do Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Đăk Đoa quản lý.

Được biết, vốn dĩ trước đây diện tích đất trên là quỹ đất lâm nghiệp nhưng do bà con có tập quán tái canh, lấn chiếm đất rừng làm nương rẫy nên nhiều diện tích đất rừng trở thành đất trống và xã đã chuyển sang đất nông nghiệp để giúp bà con làm ăn, sinh sống. Nhưng cứ trải qua mấy mùa rẫy, người dân lại phá diện tích mới để trồng màu.

Là ban quản lý trực tiếp quỹ đất trên, ông Nguyễn Hồng Quân, Phó ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Đăk Đoa cho hay: “Cá nhân tôi mới được chuyển đến đây công tác, vẫn chưa nắm rõ được địa bàn. Hiện, tôi đang bố trí anh em đi kiểm tra tất cả các trạm. Ngay sau khi báo chí phản ánh, cá nhân tôi sẽ tiến hành tìm hiểu, rà soát ngay. Chúng tôi sẽ xác định rõ diện tích đất trên là đất nông nghiệp hay đất lâm nghiệp. Việc người dân lấn chiếm đất để làm nương rẫy, chúng tôi sẽ xác minh rõ ràng. Nếu là đất nông nghiệp thì chúng tôi sẽ phạt hành chính vì phá cây rừng với đốt rẫy cháy lan vào rừng. Còn nếu là đất lâm nghiệp thì căn cứ pháp luật để tiến hành lập hồ sơ và chuyển cho cơ quan chức năng để tiến hành khởi tố".

Phạm Hoàng