Xóm... nhà hoang!
(Dân trí) - “Chú tìm nhà ông Giáng hả? Nhà thì ở kia, nhưng người thì đã bỏ đi hết. Không còn ai nữa mô mà tìm…!” - Một chị bán dưa hấu cạnh con đường rẽ vào làng Xuân Thiên Thượng (Vinh Xuân, Phú Vang, Thừa Thiên Huế) giọng buồn buồn chỉ đường.
Đằng sau cách cổng sắt xộc xệch đã hoen rỉ, ngôi nhà ngói ba gian lát gạch khá khang trang nhưng vắng vẻ của ông Giáng đã biến thành một căn nhà kho đầy bụi bặm. Từng mảng mạng nhện lòng thòng giăng kín những ô cửa làm bít hết lối vào. Ngổn ngang trước hiên nhà là những đống củi khô mà nhà hàng xóm tranh thủ “gửi nhờ” tránh mùa mưa.
Khung cảnh càng hoang tàn hơn khi chỉ cách đó chục bước chân, bốn ngôi nhà khác cũng đã rơi vào cảnh hoang phế do đã lâu không có hơi ấm con người...
Kéo nhau bỏ làng!
Giữa trưa, cái nắng nực càng làm cho khung cảnh của làng thêm xơ xác. Ông trưởng thôn Phạm Hiền ngồi bần thần nhìn ra “miền cát trắng” trước khoảng vườn mà lòng vời vợi buồn: “Chỉ dựa vào mấy sào ruộng phèn và mảnh vườn toàn cát này mà sống cả nhà thì cũng chỉ chưa đầy hai tháng, còn mười tháng không biết làm gì, ăn gì!? Người làng không bỏ đi mới là chuyện lạ…”.
Cạnh nhà ông Hiền là ngôi nhà bỏ hoang của ông Trần Công Thi. Mái ngói của căn nhà này sau một thời gian dài “thiếu hơi người” đã liêu xiêu chờ sập. Chị T., người hàng xóm lia lên lia xuống cái chổi cùn phía sau bức tường làm cho lớp bụi dày đặc tung lên mịt mù. “Không ai bắt mình phải chăm sóc. Nhưng cứ để dăm bữa nửa tháng không quét dọn thì cảnh nhà, cảnh xóm cũng hoang tàn. Nhìn như thế càng buồn không chịu nổi…!”. Từ khi những ngôi nhà bị bỏ hoang nhiều lên, những người hàng xóm không ai bảo ai, cứ vài hôm lại chia nhau quét dọn chăm sóc một lần như thế.
Trước khi quyết định rời căn nhà mới xây, giá sáu cây vàng cách đây hơn mười năm trước, chủ nhà Trần Công Thi cũng cân nhắc vô cùng kỹ lưỡng. Đếm lui đếm tới cả nhà cũng chỉ có 7 sào ruộng làm kế sinh nhai, chưa kể hết 4 sào gần như phủ toàn cát trắng, gia đình cũng không có nghề gì thêm ngoài vài bữa đi phụ hồ. Trong khi đó, ông có đến chín người con. Đành lòng, ông cho 2 người con gái đầu nghỉ học đi làm công nhân may mặc ở Sài Gòn. Năm sau, đứa em gái thứ tư cũng phải bỏ học đi theo chị khi đang dở dang lớp 11. “Phải đi tìm con đường mới thôi. Nếu không thì e rằng cả sáu đứa còn lại cũng thất học mất”, ông Thi tâm sự với mấy người hàng xóm.
Chưa đầy nửa tháng sau, ông mang mấy đứa con lớn đi trước vào vùng Bình Phước khai khẩn đất hoang lập nghiệp. Buổi đầu gian khó khiến nhiều lần ông phải “cầu cứu” đến ba đứa con gái đầu. Tưởng đã thất bại, nhưng về sau ông dần khấm khá và khoảng ba năm ông đón luôn tất cả vợ con cùng vào. Căn nhà ông bỏ hoang từ đó.
Ngôi nhà của ông Trần Công Thi sau nhiều năm bỏ hoang đã bắt đầu hỏng mái. (Ảnh: Ngọc Bảo) |
Cũng như ông Thi, hầu như tất cả hơn ba trăm hộ dân trong thôn này đều rơi vào tình trạng thiếu đất sản xuất. Ngoài một vụ lúa trên mấy sào ruộng nhiễm phèn, một vài hộ còn làm thêm một vụ dưa hấu. Tuy nhiên, vụ dưa được mùa nhất cũng chỉ lãi hơn năm trăm ngàn đồng sau hơn ba tháng vun trồng.
“Chưa đầy 5 năm mà có hàng chục thanh niên khác trong làng quá “bức bách” cũng đã rời quê hương vào vùng Chư Sê (Gia Lai) lập nghiệp. Dần dần họ gây dựng được “cơ sở” và cũng đón cả gia đình vào định cư ở vùng đất mới luôn. Vậy là những ngôi nhà hoang ở vùng đất này cứ theo đó tăng lên…”, ông Hiền kể.
Nguy cơ mất làng
Quyết chí ly hương để thoát cảnh nghèo, có nhiều người đã thành công chỉ sau vài năm và đã có trong tay tiền tỉ. Nhưng cũng có người không chịu nổi những thử thách khắc nghiệt nơi đất khách quê người nên đành phải trở về. Ông Trần Duật (ở cùng làng) sau khi cố gắng khai khẩn trên đất rừng Tây Nguyên được hai năm, không đủ sức bám trụ đã khăn gói về lại làng cũ. Hiện tại cuộc sống của ông không nói là khấm khá nhưng cũng tạm ổn với vài sào ruộng, dưa cùng với nghề “thợ đụng” khắp vùng.
Nhưng không phải vì thế mà “phong trào” bỏ nhà hoang dừng lại. Thậm chí gần đây, nó còn lan mạnh ra hai làng Xuân Thiên Hạ và Kế Võ ở kề bên. Hiện tại, trong tổng số 128 nóc nhà của làng Kế Võ, thì đã có đến 11 nhà xây lên rồi lại... bỏ hoang. Còn làng Xuân Thiên Hạ nằm bên dưới thì đã có hơn hai chục nhà. Ngoài ra còn có hàng chục gia đình khác trong làng này đã có con cái vào miền Nam gây dựng cơ sở, nếu cứ đà này, trong một hai năm tới, con số nhà bỏ hoang chạm đến trên dưới năm chục nóc.
Nhìn cảnh làng bây giờ, ông trưởng thôn Hiền chỉ biết thở dài: “Cả ba làng cộng lại đã trên dưới một trăm căn nhà hoang rồi chú à! Nếu không tìm ra một “con đường sáng” nào để người dân vùng đất cát này phát triển kinh tế, thì e rằng cái làng này sẽ biến thành làng “hoang” mất…”.
Có những câu chuyện về những ngôi nhà hoang đến nay vẫn được người làng nhớ như những kỷ niệm trào nước mắt, càng nghĩ càng xót xa cho những thân phận nghèo phải bỏ xứ đi biền biệt. Cụ ông Lê Văn H. (79 tuổi), người chứng kiến nhiều cuộc “ra đi” nhất kể lại câu chuyện về ông P.V.V, một người làng sau hơn mười năm bỏ lại ngôi nhà hoang trơ trọi giữa miền cát trắng trở về thăm quê: “Vừa xuống xe, hắn vụt chạy vào căn nhà lạnh lẽo, nhìn lên bàn thờ tổ tiên đã bị bụi và mạng nhện giăng đầy mà chân như đứng không vững, rồi hắn nức nở như đứa trẻ lâu ngày xa mẹ mới đoàn tụ: “Vì sự mưu sinh mà con phải bỏ đi biệt xứ, đến việc hương khói con cũng không lo được. Con có lỗi với tổ tiên, với cha mẹ!”. Cả mấy người đứng quanh nhìn cảnh đó cũng khóc theo…” .
Lê Ngọc Bảo