Thừa Thiên - Huế:
Xới tung núi cát tìm cây chữa “bách bệnh”
(Dân trí) - Hơn nửa tháng trở lại đây, hàng chục hecta vùng núi cát tại thị trấn Phú Đa, xã Phú Xuân, huyện Phú Vang, tỉnh TT-Huế, đã bị người dân vào đào bới tan nát nhằm tìm rễ của một loài cây mà họ tin rằng chữa được bách bệnh.
Mục kích điểm “nóng” đào cây “quý”
Ngày 26/10, theo chân các cán bộ xã Phú Xuân, chúng tôi vào vùng núi cát thuộc thôn Ba Lăng - điểm "nóng" nhất diễn ra tình trạng đào bới núi cát để săn lùng một loại cây mà dư luận đồn thổi rằng chữa được bách bệnh. Khắp núi cát, những hố sâu liên tiếp xuất hiện chứng tỏ sự đào bới của con người.
Một số hố lớn và sâu, với phần diện tích lan tỏa xung quanh khá lớn, ảnh hưởng đến môi trường sống của các cây xung quanh. Nhiều cành lá của cây chữa “bách bệnh” vương vãi khắp nơi. Có cả dấu vết của các phương tiện vào tận đây vận chuyển cây thuốc.
Một cậu bé thấy chúng tôi đi kiểm tra những hố đào cây thì cho biết: “Lúc nãy có nhóm 4 người đang đào cách đây vài trăm mét, họ nghe tiếng động các chú vào nên bỏ chạy rồi. Nghe nói một cân rễ cây ni bán được chừng 100 đến 200 ngàn đồng”.
Chỉ ước tính sơ trong khoảng vài hecta chúng tôi tiếp cận ở thôn Ba Lăng, có cả gần 100 hố lớn nhỏ bị đào. Ngoài nỗi lo mất nguồn tài nguyên, hố còn ảnh hưởng đến nhiều cây xung quanh vì không có đất, bộng rễ nên khả năng ngã đổ, chết dần là rất lớn.
Những hố sâu xuất hiện khắp nơi, ảnh hưởng đến cả môi trường sống của nhiều loài cây khác
Cành lá cây mật nhân vương vãi
“Ở đây, chúng tôi gọi cây này là cây bập bện. Vì thấy tình trạng đào dữ quá nên chúng tôi đã phải “ngụy trang” cho cây bằng cách chặt gần trụi phần cành từ giữa thân lên ngọn, lúc đó cây trơ lại những người đào trộm sẽ khó nhận ra. Trong thôn này có 320 hộ thì có tới 90% số hộ đã đi đào cây” - anh Phóng nói.
Rễ cây mật nhân
Ông Võ Văn Cho, Bí thư xã Phú Xuân, cho hay, cây này ở Đồng Hới (Quảng Bình) gọi là cây sâm đắng Việt Nam, 1 cân có giá 400 ngàn đồng. Ngoài ra ở một số nơi cây này còn được gọi là cây mật nhân, là một cây thuốc Bắc, rất đắng và khó uống. Người ta sao vàng, hạ thổ rồi đổ nước nóng hay ngâm rượu để chữa một số bệnh.
Ngay trong ngày chúng tôi về Phú Xuân và thông báo lên một số cơ quan cấp huyện thì trưa hôm đó, đoàn 3 cán bộ gồm Phó Hạt Kiểm lâm huyện Phú Vang, ông Nguyễn Xuân Ninh và 2 cán bộ khác về tại hiện trường. Ông Ninh cho biết là mới nghe thông tin. “Chúng tôi sẽ phối hợp với xã để ngăn chặn, trục xuất cá đối tượng ngoài xã vào đào cây. Riêng các đối tượng là dân trong xã thì sẽ tìm cách tuyên truyền vận động để bà con khỏi đào nữa”.
Tính đến lúc này, đã có tới gần 50ha núi cát bị đào gần hết cây mật nhân với hàng ngàn gốc cây có tuổi đời từ hàng chục đến hàng trăm năm tuổi, có giá trị không những bảo vệ môi trường mà còn giữ cho vùng cát khỏi tình trạng “cát bay cát nhảy”.
Theo thống kê từ Phòng Tài nguyên môi trường huyện Phú Vang, hiện có hơn 50ha núi cát thuộc diện tích rừng tự nhiên do kiểm lâm huyện quản lý. Tuy nhiên ông Nguyễn Xuân Ninh lại cho rằng đây lại thuộc rừng sản xuất do các hộ dân quản lý, phía kiểm lâm không có trách nhiệm (?!)
Trước đây vài tháng, phong trào đào cây mật nhân rộ lên ở các vùng như Phú Yên, Đăk Nông, Gia Lai… với giá cao, có nơi 1kg giá từ 600.000-800.000đ. Chính sự ồ ạt phá rừng để đào cây đã phá hoại môi trường một cách nhanh chóng. Theo một số tài liệu, cây này làm tăng tính dục cho nam giới. Rễ cây sấy khô chữa được bệnh như: gân xương nhức mỏi, ăn không tiêu, nôn mửa, cảm mạo, chữa say rượu. Quả trị bệnh lỵ, tiêu chảy. Lá đun với nước trị ghẻ. Nhưng với những người có đề kháng yếu, trong cơ thể mang nhiều bệnh liên quan đến nội tạng như gan, mật, dạ dày… nếu dùng mật nhân sẽ nguy hiểm đến tính mạng. Đặc biệt là phụ nữ có thai không nên dùng cây này làm thuốc. |
Đại Dương