Xóa "ngăn sông cách chợ" TPHCM - Đồng Nai khi có cầu Nhơn Trạch
(Dân trí) - Thủ tướng nhìn nhận cầu Nhơn Trạch sẽ khơi thông điểm nghẽn giao thông vùng, "xóa ngăn sông cách chợ", thúc đẩy phát triển kinh tế của cả vùng Đông Nam Bộ.
Cầu Nhơn Trạch thuộc dự án thành phần 1A Tân Vạn - Nhơn Trạch đã hoàn thành 85%, hiện là đoạn có tiến độ nhanh nhất tuyến Vành đai 3 TPHCM.
Trong chuyến kiểm tra công trường các dự án trọng điểm phía Nam vào đầu năm, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá đây là cây cầu có vị trí rất quan trọng.
"Cầu Nhơn Trạch sẽ mở ra không gian phát triển mới, tỉnh Đồng Nai cần tận dụng để quy hoạch đất xung quanh cầu Nhơn Trạch và Vành đai 3 để phát triển ngang tầm TP Thủ Đức", Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu.
Quốc lộ 51 và cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây hiện nay là hai tuyến chính kết nối TPHCM với Đồng Nai nhưng đều thường xuyên ùn tắc, nhất là khu vực gần sân bay Long Thành và cảng Cát Lái.
Việc di chuyển từ TP.HCM sang Nhơn Trạch của người dân gặp nhiều khó khăn do không có tuyến đường kết nối trực tiếp, phải đi vòng qua QL51 hoặc qua phà Cát Lái.
Trong khi đó, cao tốc Long Thành - Dầu Giây thường xuyên ùn tắc, đặc biệt là đoạn từ TPHCM đi Đồng Nai, khu vực nút giao An Phú. Quốc lộ 51 cũng kẹt xe nghiêm trọng, do mật độ xe container cao, ảnh hưởng đến cả giao thông hàng ngày lẫn vận tải hàng hóa.
Do đó, Thủ tướng nhìn nhận cầu Nhơn Trạch không chỉ giúp người dân đi lại dễ dàng hơn mà còn giải quyết các điểm nghẽn giao thông, xóa "ngăn sông cách chợ" TPHCM với Đồng Nai, thúc đẩy phát triển kinh tế của cả vùng Đông Nam Bộ.
Cầu Nhơn Trạch (thuộc Tuyến Tân Vạn - Nhơn Trạch) là một phần quan trọng của Vành đai 3 TPHCM, giai đoạn 1 đóng vai trò rút ngắn hành trình từ huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai, đến Bình Dương và TPHCM. Tuyến đường khi hoàn thành còn kết nối TPHCM với các tỉnh miền Đông và Tây Nam Bộ; đặc biệt phân luồng từ xa và giảm ùn tắc cho các tuyến đường nội đô.
Tổng mức đầu tư dự án 1A là 6.900 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn ODA của Hàn Quốc gần 4.176 tỷ đồng. Số còn lại là vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam, với vốn Trung ương khoảng 529 tỷ đồng, còn lại là ngân sách của Đồng Nai và TPHCM.
Trong quy hoạch hệ thống giao thông kết nối giữa 2 địa phương TPHCM và Đồng Nai có 4 cây cầu đường bộ. Ngoài cầu Nhơn Trạch trong số này, thời gian tới hai địa phương sẽ triển khai 2 cầu đường bộ kết nối trực tiếp giữa huyện Nhơn Trạch với TPHCM là cầu Cát Lái và cầu Phú Mỹ 2.
Về thời gian thực hiện các dự án, cầu Phú Mỹ 2 được xác định sẽ triển khai đầu tư xây dựng sau năm 2030. Riêng cầu Cát Lái dự kiến được ưu tiên triển khai trước cầu Phú Mỹ 2. Còn cầu Đồng Nai 2 nối huyện Long Thành với thành phố Thủ Đức, quy mô 6 làn xe, đầu tư giai đoạn 2026-2030.
Vành đai 3 là đường liên vùng, điểm đầu của tuyến cao tốc hướng tâm như TPHCM - Long Thành - Dầu Giây, TPHCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành, TPHCM - Trung Lương, Bến Lức - Long Thành...
Việc khép kín vành đai 3 góp phần hoàn chỉnh mạng lưới cao tốc kết nối TPHCM với các tỉnh trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, giảm ùn tắc giao thông khu vực.
Khi tuyến đường được đưa vào khai thác, phương tiện vận tải liên tỉnh không cần đi qua trung tâm thành phố, khu vực đông dân cư; tiết kiệm được thời gian, chi phí, tạo thêm hướng kết nối giữa TPHCM với sân bay Long Thành ngoài cao tốc TPHCM - Long Thành.