1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Hợp long 2 nhịp cao nhất của cầu Nhơn Trạch

Thư Trần

(Dân trí) - Cầu Nhơn Trạch nối TPHCM và Đồng Nai thuộc dự án Vành đai 3 TPHCM hợp long hai nhịp chính đầu tiên trong chiều 12/9.

Đầu giờ chiều 12/9, đơn vị thi công bắt đầu đổ bê tông lần lượt nhịp hợp long tại hai trụ P19-P20 và trụ P20-P21. Những nhịp tiếp theo sẽ được hợp long từ nay đến tháng 12; đầu năm 2025 các nhịp cầu sẽ được kết nối toàn bộ và hoàn thành công trình cầu vào tháng 4/2025.

Sau khi đổ bê tông đốt hợp long nhà thầu sẽ thi công lan can, hoàn thiện mặt cầu, dải phân cách, hệ thống chiếu sáng, hệ thống an toàn giao thông và thảm bê tông nhựa

Ông Trần Văn Thi, Giám đốc Ban quản lý dự án Mỹ Thuận (thuộc Bộ GTVT - chủ đầu tư) cho biết, mặc dù gặp nhiều khó khăn về giải phóng mặt bằng và vật liệu xây dựng, các đơn vị vẫn bám sát tiến độ như chỉ đạo của Thủ tướng là quyết tâm thông xe vào 30/4/2025.

Hợp long 2 nhịp cao nhất của cầu Nhơn Trạch - 1

Đại diện chủ đầu tư và các nhà thầu thực hiện nghi thức lễ hợp long nhịp chính cầu Nhơn Trạch chiều 12/9 (Ảnh: Thư Trần).

Ông Thi đề nghị các nhà thầu tiếp tục tập trung triển khai theo kế hoạch, giữa tháng 9/2024 hợp long hai nhịp đầu tiên và tiến tới hợp long các nhịp còn lại. Tiến độ hai phần cầu chính và đường dẫn cần thi đua để về đích đồng bộ. 

Dự án thành phần 1A Vành đai 3 đoạn Tân Vạn - Nhơn Trạch được Bộ GTVT phê duyệt vào năm 2016, và điều chỉnh lần cuối vào tháng 6/2022. Dự án được xây dựng với quy mô đường cấp III đồng bằng, tốc độ thiết kế 80km/h; rộng 20,5-26m, 4 làn xe cơ giới và 2 làn xe hỗn hợp.

Hợp long 2 nhịp cao nhất của cầu Nhơn Trạch - 2

Công nhân đổ bê tông nhịp hợp long trụ P19-P20 (Ảnh: Thư Trần).

Đoạn Tân Vạn - Nhơn Trạch giai đoạn 1 đóng vai trò rút ngắn hành trình từ huyện Nhơn Trạch (Đồng Nai) đến Bình Dương và TPHCM. Tuyến đường còn kết nối TPHCM với các tỉnh miền Đông và Tây Nam Bộ; đặc biệt phân luồng từ xa và giảm ùn tắc cho các tuyến đường nội đô.

Tổng mức đầu tư dự án 1A là 6.900 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn ODA của Hàn Quốc gần 4.176 tỷ đồng. Số còn lại là vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam, với vốn Trung ương khoảng 529 tỷ đồng, còn lại là ngân sách của Đồng Nai và TPHCM.