1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Xin ý kiến 2 Bộ giải quyết trại nuôi hàng chục con hổ ở Thanh Hóa

(Dân trí) - Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Thanh Hóa vừa có văn bản gửi Bộ NN&PTNT, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) xin ý kiến giải quyết vấn đề nuôi hổ tại xã Xuân Tín, huyện Thọ Xuân (Thanh Hóa).

Trang trại nuôi nhốt hàng chục con hổ

Giấy chứng nhận trang trại đã hết hạn

Theo báo cáo của Sở NN&PTNT tại công văn số 1344, ngày 14/5, hiện nay, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa có 1 trại nuôi hổ, với số lượng 11 cá thể (4 cá thể đực, 7 cá thể cái).

Trang trại nuôi hổ nêu trên có địa chỉ tại Cồn Tàu Voi, thôn 27, xã Xuân Tín, huyện Thọ Xuân, của ông Nguyễn Mậu Chiến. Các cá thể hổ nuôi nhốt trái phép đã bị xử phạt vi phạm hành chính từ năm 2007, 2008 và được Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa giao hộ gia đình tiếp tục chăm sóc, nuôi dưỡng.

Trang trại nuôi hổ tại xã Xuân Tín, huyện Thọ Xuân hiện có 11 cá thể hổ
Trang trại nuôi hổ tại xã Xuân Tín, huyện Thọ Xuân hiện có 11 cá thể hổ

Đến năm 2012, Chi cục Kiểm lâm (CCKL) Thanh Hóa đã hướng dẫn hộ gia đình xây dựng phương án gây nuôi theo quy định tại Nghị định số 82/2006/NĐ-CP ngày 10/8/2006 của Chính phủ, được các cơ quan, đơn vị có liên quan thống nhất với nội dung phương án và CCKL cấp giấy chứng nhận trại nuôi số 1148/KL-BTTN có thời hạn 5 năm.

Tuy nhiên, đến ngày 22/5/2017, trang trại này đã hết hạn giấy chứng nhận và hiện chưa được cấp mới, gia hạn. Ngày 21/4/2017, bà Lê Thị Hồng (là vợ và được ông Nguyễn Mậu Chiến ủy quyền) có đơn đề nghị đăng ký nuôi, trồng loài được ưu tiên bảo vệ (loài hổ), gửi UBND tỉnh và CCKL.

Trong khi đó, hiện ông Chiến và bà Hồng đều là đối tượng thụ án trong vụ án tàng trữ, vận chuyển hàng cấm do Công an Quận Hà Đông, thành phố Hà Nội phát hiện, bắt giữ.

Trang trại này đã hết hạn giấy chứng nhận và hiện chưa được cấp mới, gia hạn
Trang trại này đã hết hạn giấy chứng nhận và hiện chưa được cấp mới, gia hạn

Ông Chiến phạm tội “tàng trữ, vận chuyển hàng cấm” (trong đó có tang vật là 2 cá thể hổ con đã chết để đông lạnh) và bị kết án 13 tháng tù; bà Hồng phạm tội “tàng trữ hàng cấm” và bị xử phạt 6 tháng tù nhưng cho hưởng án treo và thời gian thử thách là 12 tháng kể từ ngày tuyên án sơ thẩm.

Theo nhận định cũng như quyết định cuối cùng của Tòa tại bản án, 2 cá thể hổ con đã chết để đông lạnh không xác định có nguồn gốc từ trại nuôi xã Xuân Tín. Không có mối liên hệ giữa tang vật, hành vi vi phạm của ông Chiến với 11 cá thể hổ hiện đang gây nuôi tại trại nuôi xã Xuân Tín.

Không tịch thu các cá thể hổ do không đủ căn cứ pháp lý

Để giải quyết vấn đề nuôi hổ tại trang trại nêu trên, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã chỉ đạo Sở NN&PTNT phối hợp với các ngành, đơn vị liên quan kiểm tra, rà soát, tham mưu tổ chức thực hiện.

Ngày 15/9/2017, Chi cục Kiểm lâm đã có công văn đề nghị tiếp nhận, chăm sóc, nuôi dưỡng 11 cá thể hổ từ trại nuôi xã Xuân Tín trên cơ sở kết luận tại buổi làm việc ngày 18/7/2017 với các đơn vị: Cục Kiểm lâm, Cơ quan quản lý CITES Việt Nam, Vụ bảo tồn thiên nhiên, Cục bảo tồn đa dạng sinh học (ĐDSH), Sở TN&MT, UBND xã Xuân Tín, huyện Thọ Xuân, Trung tâm Giáo dục thiên nhiên và đại diện hộ gia đình.


Hệ thống tường rào bảo vệ tại trang trại nuôi nhốt hổ

Hệ thống tường rào bảo vệ tại trang trại nuôi nhốt hổ

Các cá thể hổ được đề nghị gửi đến 4 Trung tâm cứu hộ động vật hoang dã. Tuy nhiên, có 2 Trung tâm từ chối tiếp nhận với lý do không có đủ điều kiện, cơ sở vật chất tiếp nhận hoặc có thể xem xét tiếp nhận với điều kiện tự nguyện hiến tặng, giao nộp và không có bồi hoàn, hỗ trợ; 2 Trung tâm còn lại không có văn bản trả lời, coi như không đồng ý tiếp nhận.

Đến nay, qua quá trình đấu mối, liên hệ nhưng vẫn chưa có đơn vị nào đồng ý tiếp nhận 11 cá thể hổ nêu trên. Sở NN&PTNT đã chủ động tổ chức các cuộc hội nghị, tham vấn ý kiến của các ngành, đơn vị chuyên môn liên quan, các cơ quan chức năng trong tỉnh Thanh Hóa để đề xuất hướng giải quyết.

Theo Sở NN&PTNT, đến nay đã thống nhất sẽ đề xuất, báo cáo UBND tỉnh không tịch thu các cá thể hổ do không đủ căn cứ pháp lý...
Theo Sở NN&PTNT, đến nay đã thống nhất sẽ đề xuất, báo cáo UBND tỉnh không tịch thu các cá thể hổ do không đủ căn cứ pháp lý...

Qua nội dung các cuộc hội nghị, đến nay đã thống nhất sẽ đề xuất, báo cáo UBND tỉnh: Không tịch thu các cá thể hổ do không đủ căn cứ pháp lý; không thực hiện được công tác chuyển giao cho các Trung tâm cứu hộ do đã liên hệ, đấu mối nhưng không có đơn vị đồng ý tiếp nhận. Chỉ đạo, hướng dẫn hộ gia đình hoàn thiện các trình tự, thủ tục theo quy định để xem xét việc cấp giấy phép thành lập cơ sở bảo tồn ĐDSH và giấy phép nuôi loài ưu tiên bảo vệ theo quy định tại Nghị định số 160/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ.

Trong quy định trên có yêu cầu đầu tư xây dựng, mở rộng, nâng cấp hệ thống chuồng trại đáp ứng các tiêu chí theo quy định, đảm bảo an toàn, điều kiện vệ sinh môi trường; chứng minh được năng lực tài chính, quản lý cơ sở bảo tồn ĐDSH; lựa chọn và hợp đồng lâu dài với cán bộ thú y có chuyên môn để chăm sóc, đảm bảo an toàn dịch bệnh cho hổ và các điều kiện cần thiết khác; xây dựng dự án thành lập và khái quát các nội dung trên; tiến hành giám định gene để xác định sự thuần chủng của các cá thể hổ.

Bên cạnh đó, hộ gia đình cũng đã có cam kết gửi đến UBND tỉnh Thanh Hóa, CCKL về việc sẽ hoàn thiện các điều kiện cần thiết, các thủ tục theo quy định để được cấp phép.

Sở NN&PTNT đang xin ý kiến 2 Bộ về việc giải quyết vấn đề tại trang trại nuôi hổ nêu trên
Sở NN&PTNT đang xin ý kiến 2 Bộ về việc giải quyết vấn đề tại trang trại nuôi hổ nêu trên

Theo Sở NN&PTNT Thanh Hóa, hướng giải quyết này phù hợp với kiến nghị của Tổng cục Môi trường tại Công văn số 11/TCMT-BTĐDSH ngày 4/1/2018: “Nếu chưa thực hiện được công tác chuyển giao, đề nghị cơ quan chức năng trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa hướng dẫn hoàn thiện các thủ tục, quy định và tham mưu cho UBND tỉnh cấp giấy phép thành lập cơ sở bảo tồn ĐDSH và cấp giấy phép nuôi loài ưu tiên bảo vệ cho chủ trại nuôi”.

Đồng thời, nội dung thống nhất tại Biên bản làm việc ngày 18/7/2017, tham vấn về việc nuôi hổ tại xã Xuân Tín với sự tham gia của đại diện, như: Cục bảo tồn ĐDSH, Cục Kiểm lâm, Vụ bảo tồn thiên nhiên, Cơ quan quản lý CITES Việt Nam, Sở TN&MT, UBND xã Xuân Tín, huyện Thọ Xuân, hộ gia đình và Trung tâm giáo dục thiên nhiên (ENV).

Từ đó, Sở NN&PTNT Thanh Hóa báo cáo, đề nghị Bộ NN&PTNT và Bộ TN&MT có ý kiến chỉ đạo, hướng dẫn đơn vị này tổ chức thực hiện.

Duy Tuyên