1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Nứt mặt cầu Thăng Long:

“Xin đừng định giá dự án để rút ra bài học...”

(Dân trí) - Nguyên nhân nứt mặt cầu Thăng Long được xác định là do thi công. Với tư cách là tư vấn thiết kế và làm tư vấn giám sát, ông Doãn Minh Tâm (Viện Trưởng KH&CN GTVT) cho hay: “Lỗi là do thiếu kinh nghiệm nhưng xin đừng định giá dự án cho bài học này”?!

Mặt cầu Thăng Long nứt sau 2 tháng sử dụng, ông thấy điều này có bình thường?
 
Sự cố này quá bất bình thường và thực sự gây bất ngờ cho chúng tôi. Thực ra, nếu như sự cố xảy ra trong thời gian thi công sửa chữa hay khi vừa kết thúc dự án thì chúng tôi tìm ra ngay nguyên nhân, đằng này thông xe được 2 tháng rồi các vết nứt mới xuất hiện…
 
Về cơ bản nhiệt độ thi công đảm bảo, chỉ có 1 vài mẻ khi kết thúc lu nhiệt độ thấp hơn 120 độ C nên đã xảy ra sự cố.
 
“Xin đừng định giá dự án để rút ra bài học...” - 1
Ông Doãn Minh Tâm: "Xin đừng định giá dự án để rút ra bài học kinh nghiệm"
 
Đặc tính của bê tông nhựa SMA phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, trong đó thời tiết và nhiệt độ là yếu tố đặc biệt quan trọng, vậy trước khi thi công các ông có lường trước vấn đề này?
 
Chúng tôi đã không lường trước được sự việc. Thực tế trên thế giới hiện nay, SMA là loại vật liệu hỗn hợp dùng nhựa có tính dính đặc biệt, thuộc loại công nghệ mới được nhiều nước sử dụng, đảm bảo độ chặt, kín nước và có cường độ chịu lực cao.
 
Tuy nhiên, trong thời gian thi công sửa chữa cầu Thăng Long thời tiết Hà Nội lại rét đậm kéo dài và trên mặt cầu gió rất to, trong khi đó việc thay đổi lịch thi công là chuyện khó khăn và chúng tôi cũng muốn hoàn thành trước Tết Nguyên đán Canh Dần.
 
“Xin đừng định giá dự án để rút ra bài học...” - 2
Trong điều kiện thời tiết và nhiệt độ không đảm bảo nhưng việc thi công vẫn diễn ra bình thường?!
 
Trong dự án này, công việc mà Bộ GTVT giao cho Viện KH&CN GTVT là nghiên cứu khoa học đề tài cấp Bộ về vật liệu bê thông nhựa SMA, tư vấn thiết kế và làm tư vấn giám sát… Trong điều kiện thời tiết và nhiệt độ không đảm bảo mà việc thi công vẫn diễn ra bình thường, ông giải thích như thế nào?
 

Ông Bùi Xuân Trung - Tổng GĐ Công ty CP Đầu tư và Xây dựng Bảo Quân, nhà thầu công trình: “Chúng tôi thiếu kinh nghiệm thì Bộ cũng thiếu kinh nghiệm mà Viện KH&CN GTVT cũng thiếu kinh nghiệm. Là công nghệ thi công lần đầu áp dụng ở Việt Nam, chúng tôi đã thực hiện đúng theo yêu cầu cũng như chỉ định của chủ đầu tư… Sự cố xảy ra, chúng tôi chỉ chịu trách nhiệm trám vá và khắc phục lại các vết nứt”.

Chúng tôi không lường trước được vì thực tế bê tông nhựa SMA chưa hề có tiền lệ về sự cố tương tự. Ở Việt Nam, vật liệu bê tông nhựa SMA chưa bao giờ được quan tâm về vấn đề nhiệt độ mà chỉ quan tâm tới nhiệt độ xấp xỉ và yêu cầu nếu có mưa thì không được rải.
 
Trước cầu Thăng Long, vật liệu bê tông nhựa SMA cũng đã được sử dụng cho cầu Thuận Phước ở Đà Nẵng. Tuy nhiên, việc thi công, giám sát tại cầu Thuận Phước là do các chuyên gia Trung Quốc trực tiếp làm, còn ở cầu Thăng Long thì chỉ có sự hướng dẫn, chuyển giao công nghệ của các chuyên gia nước ngoài.
 
Từ sự cố của dự án 97 tỷ đồng này, những bài học kinh nghiệm nào được rút ra thưa ông?
 
Xin đừng định giá dự án để rút ra bài học kinh nghiệm, điều đó là rất khó. Hiện dự án vẫn đang trong thời gian bảo hành nên nhà thầu sẽ phải chịu trách nhiệm sửa chữa, khắc phục sự cố.
 
“Xin đừng định giá dự án để rút ra bài học...” - 3
97 tỷ đồng không phải là cái giá để rút ra bài học kinh nghiệm?!
 
Mặt cầu Thăng Long đã nứt, nguyên nhân cơ bản cũng đã xác định được, vậy việc sửa chữa sẽ được thực hiện như thế nào, thời gian và kinh phí ra sao thưa ông?
 
Các vết nứt sẽ được khoanh mảnh để cắt bóc bỏ lớp bê tông nhựa chưa đủ độ chặt và kém dính bám với lớp dưới, sau đó sử dụng đúng loại hỗn hợp vật liệu SMA để trám vá, kết hợp với biện pháp thoát nước nhanh ra khỏi phạm vi mặt cầu.
 
Việc sửa chữa này sẽ được rải và lu lèn cục bộ tại vị trí trám vá ở nhiệt độ thi công quy định, đảm bảo từ 120 - 170 độ C.
 
Có khoảng 200m2 mặt cầu bị hư hỏng nên kinh phí vật liệu sửa chữa không tốn kém lắm, chắc cũng chỉ vài chục triệu đồng, ngoài ra là chi phí máy móc thiết bị và nhân công. Trong một vài ngày tới việc sửa chữa sẽ được tiến hành và mất khoảng 1 tuần để hoàn thành.
 
Sự cố này là bài học lớn và tất cả các đơn vị tham gia dự án đều phải chịu trách nhiệm, rút kinh nghiệm.
 
Xin trân trọng cám ơn ông!
 
Châu Như Quỳnh (ghi)