Nứt mặt cầu Thăng Long do thi công
(Dân trí) - Ngay trong buổi chiều nay 23/3, Viện Khoa học và Công nghệ Giao thông Vận tải (Bộ GTVT) đã công bố nguyên nhân chính xảy ra hiện tượng nứt mặt cầu Thăng Long là do một số mẻ bê tông nhựa SMA đã nguội nhanh trong quá trình lu lèn...
Vết nứt, bề mặt gồ ghề trên mặt cầu Thăng Long. (Ảnh: Như Quỳnh)
Kiểm tra bước đầu một vài mẫu bê tông nhựa SMA trên cầu Thăng Long cho thấy: nhựa bê tông tại các vị trí bị nứt có độ rỗng lớn hơn so với thiết kế, có độ ẩm cao hơn so với các mẫu lấy ở những vị trí không bị nứt và có dấu hiệu thiếu dính bám với lớp chống thấm mặt cầu.
Kết quả trên lý giải hiện tượng hầu hết các vết nứt cục bộ đều có dạng bị kéo, tách do co ngót; do không được lu lèn chặt, tạo ra độ rỗng lớn, có khả năng ngậm nước và rỉ nước, đồng thời bị xô trượt trên mặt cầu khi chịu tác động của các phương tiện qua lại.
Hiện nay, Viện Khoa học và Công nghệ GTVT vẫn tiếp tục khảo sát, đánh giá sự cố nứt mặt cầu Thăng Long. Viện đề xuất phương án xử lý là cắt bỏ lớp bê tông nhựa chưa đủ độ chặt, kém dính bám, rồi dùng hỗn hợp vật liệu nhựa SMA để trám vá, kết hợp biện pháp thoát nước nhanh; đồng thời tiếp tục khoan kiểm định đánh giá chất lượng bê tông nhựa và theo dõi mặt đường tại các vị trí khác.