1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Xét xử vụ PMU 18: Thiệt hại dừng ở 2,7 tỷ đồng?

(Dân trí) - Phần tranh luận phiên xử vụ PMU18 hôm nay 2/8 lật lại nhiều vấn đề liên quan đến việc Dũng “tổng” vung xe cho mượn. Việc 30 chiếc xe cho mượn ra đến tòa chỉ còn 7 xe bị “quy tội” gây nghi vấn về việc xác định trách nhiệm, thiệt hại.

Xét xử vụ PMU 18: Thiệt hại dừng ở 2,7 tỷ đồng?  - 1
Các bị cáo kêu bị kết tội... oan.

Bùi Tiến Dũng có 4 luật sư tham gia bào chữa: luật sư Ngô Ngọc Thủy, luật sư Hoàng Văn Dũng, luật sư Hà Đăng và luật sư Nguyễn Văn Nam. Luật sư Thủy yêu cầu đánh giá lại mức độ sai phạm của bị cáo Bùi Tiến Dũng trong việc cho các cơ quan công an mượn xe.

Theo ông Thủy, hiện chưa có ai lên tiếng yêu cầu phải bồi thường, chưa thấy sự thiệt hại ở cơ quan nào cụ thể. Các đại diện mượn xe cũng cho biết, nhờ có xe mà công việc thuận lợi hơn. Hơn nữa, trong quá trình điều tra làm rõ, việc mượn xe không có biểu hiện “đút lót”, “đi đêm”… mà các cơ quan đều có văn bản yêu cầu xin mượn xe.

Tuy nhiên, con số 30 chiếc xe cho mượn “chênh” quá nhiều so với số 7 xe bị áp trách nhiệm “cố ý làm trái” với sếp tổng. Theo đó, rất nhiều địa chỉ được giao mượn xe vô thời hạn như Ban Quản lý dự án giao thông nông thôn 2 (đích thân Phó Giám đốc Nguyễn Viết Đạt làm việc với Dũng “tổng” để mượn xe), Công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc (do ông Trần Xuân Sanh làm Tổng Giám đốc đứng ra giao dịch)…

Những chiếc xe “thoát án” này nhanh chân hơn một bước khi kịp thời mang trả lại khi vụ án vỡ lở. Số tiền ngân sách thất thoát theo đó không chỉ dừng ở con số 2,7 tỷ đồng với 7 chiếc xe như cáo trạng truy tố.

Tham gia tranh tụng, đại diện VKS vẫn khẳng định Dũng “tổng” cho mượn, sử dụng sai định mức, tiêu chuẩn 9 xe ô tô mua từ tiền dự án. Cơ quan công tố phân tích, vốn ODA là nguồn ngân sách quan trọng của Nhà nước, phải được quản lý theo pháp luật.

“Nếu tài sản này của Nhà nước, của dân thì cần phải bảo vệ, cần phải thu hồi và trả lại Nhà nước. Chúng ta vay từ ODA ra thì chúng ta phải trả, con em chúng ta phải trả sau này”, vị đại diện này lập luận.

Thể hiện quan điểm của mình, Dũng “tổng” một lần nữa “đòi”… xét công. Bị cáo cho rằng VKS không xem xét tới các chứng cứ có lợi cho bị cáo, không cho bị cáo cơ hội thanh minh hành vi của mình trước tòa.

Nhóm bị cáo “lợi dụng chức vụ quyền hạn” làm khống hợp đồng thuê nhà, xe để tư túi lại đặt vấn đề sự việc thuộc phạm vi điều chỉnh của luật dân sự, đã bị hình sự hóa.

Luật sư bào chữa cho Lê Thị Thanh Hòa, cho rằng bị cáo Hòa không phải là người có chức vụ quyền hạn, chỉ là chuyên viên trong PMU 18, không có quyền quyết định hay giải ngân nên không thể áp tội danh này với bị cáo.

Trong khi đó, luật sư bào chữa cho Nguyễn Thanh Sơn cũng lý lẽ, bị cáo không có chữ ký nào trong hợp đồng thuê nhà, cũng không có chữ ký thanh toán nào trong các hợp đồng. Còn việc soạn thảo hợp đồng hay nhận hộ tiền về thì không có quy định nào nói đó là có tội. Cơ quan điều tra không có chứng cứ nào về sự ăn chia.

Dự kiến, ngày mai 3/8, tòa sẽ tuyên án.

P. Thảo