1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Xem xét động cơ của người chặn đầu xe Bộ Tư lệnh Cảnh vệ

Trần Thanh

(Dân trí) - Cơ quan chức năng đang xem xét động cơ, mục đích của người đàn ông có hành vi chặn đầu ô tô Toyota Land Cruiser biển 80A của Bộ Tư lệnh Cảnh vệ, đang đi làm nhiệm vụ trên phố Hà Nội.

Ngày 27/12, nguồn tin của phóng viên Dân trí cho biết, lực lượng chức năng Công an TP Hà Nội đang tiếp tục làm rõ vụ việc tài xế xe máy có hành vi chặn đầu chiếc Toyota Land Cruiser biển 80A của Bộ Tư lệnh Cảnh vệ (phát tín hiệu còi và đèn nháy, báo hiệu đang làm nhiệm vụ), đi vào phần đường ngược chiều ở quận Ba Đình.

Theo nguồn tin, tại trụ sở Đội CSGT đường bộ số 2, người đi xe máy cho biết do thấy ô tô biển xanh đi ngược chiều nên đã chặn đầu và yêu cầu tài xế ô tô đi đúng phần đường.

Xem xét động cơ của người chặn đầu xe Bộ Tư lệnh Cảnh vệ - 1

Hình ảnh người đi xe máy chặn đầu ô tô biển xanh của Bộ Tư lệnh Cảnh vệ (Ảnh: Cắt từ clip)

"Ngoài việc xử lý, xử phạt đối với trường hợp tài xế xe máy có hành vi vi phạm, cơ quan công an, an ninh vẫn đang tiếp tục điều tra, làm rõ về động cơ, mục đích của người đàn ông này để tiếp tục có biện pháp xử lý", nguồn tin nói.

Cũng theo nguồn tin, qua xác minh ban đầu về nhân thân, quê quán và tư tưởng chính trị của người đàn ông đi xe máy, cảnh sát nhận định người này hoàn toàn bình thường. Tuy nhiên, cảnh sát vẫn đang làm rõ một số tình tiết liên quan, sau đó mới ra quyết định xử lý, xử phạt cuối cùng.

Như đã đưa tin, ngày 19/12, mạng xã hội lan truyền clip ghi lại cảnh một xe máy chặn đầu ô tô Toyota Land Cruiser biển xanh 80A, đang phát tín hiệu còi và đèn nháy, đi vào phần đường ngược chiều ở quận Ba Đình.

Nội dung clip thể hiện, người lái xe máy rời khỏi xe, tiến đến ghế lái chiếc Toyota để nói chuyện. Sau đó, người này dắt xe trước đầu ô tô, ép chiếc ô tô biển 80A phải lùi lại về phần đường đúng chiều.

Chiếc xe biển xanh trong vụ việc được xác nhận là ô tô của Bộ Tư lệnh Cảnh vệ, đang đi làm nhiệm vụ.

Theo Điều 22, Luật Giao thông đường bộ, các loại xe được quyền ưu tiên khi tham gia giao thông, theo thứ tự ưu tiên: Xe chữa cháy đi làm nhiệm vụ; xe quân sự, xe công an đi làm nhiệm vụ khẩn cấp, đoàn xe có xe cảnh sát dẫn đường; xe cứu thương đang thực hiện nhiệm vụ cấp cứu; xe hộ đê, xe đi làm nhiệm vụ khắc phục sự cố thiên tai, dịch bệnh hoặc xe đi làm nhiệm vụ trong tình trạng khẩn cấp theo quy định của pháp luật; đoàn xe tang.

Những xe này được quyền đi trước xe khác khi qua đường giao nhau từ bất kỳ hướng nào. Trừ đoàn xe tang, khi đi làm nhiệm vụ, xe có quyền ưu tiên phải có tín hiệu còi, cờ, đèn theo quy định; không bị hạn chế tốc độ; được phép đi vào đường ngược chiều, các đường khác có thể đi được, kể cả khi có tín hiệu đèn đỏ và chỉ phải tuân theo chỉ dẫn của người điều khiển giao thông.

Khoản 3, Điều 22 Luật Giao thông đường bộ cũng nêu rõ: "Khi có tín hiệu của xe được quyền ưu tiên, người tham gia giao thông phải nhanh chóng giảm tốc độ, tránh hoặc dừng lại sát lề đường bên phải để nhường đường. Không được gây cản trở xe được quyền ưu tiên".

Trường hợp các phương tiện không nhường đường cho xe được ưu tiên sẽ bị phạt tiền 3-5 triệu đồng, tước giấy phép lái xe 1-3 tháng đối với ô tô; phạt tiền từ 600 nghìn đến 1 triệu đồng, tước giấy phép lái xe 1-3 tháng đối với xe máy (Theo Nghị định số 100/2019/NĐ-CP ngày 30/12/2019 quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt; chỉnh sửa, bổ sung bởi Nghị định 123/2021/NĐ-CP).