1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Đắk Nông:

Xem xe công nông vượt lũ như... tàu ngầm

(Dân trí) - Bất chấp dòng nước nhấn chìm gần như toàn bộ chiếc xe công nông, một người đàn ông vẫn cố điều khiển chiếc xe băng qua dòng nước lũ. Không chỉ người đàn ông này mà nhiều người dân khác ở đây vẫn bất chấp tính mạng, tài sản để vượt qua con suối mùa mưa lũ như vậy…

Những ngày qua, trang Facebook Diễn đàn Tây Nguyên xuất hiện đoạn video một người đàn ông điều khiển xe công nông, phía sau chở theo hàng hóa vượt qua một con suối ngập sâu, nước chảy xiết.

Khi tới giữa lòng suối, do nước sâu nên xe và hàng chìm nghỉm, một số vật dụng trên xe bị nước cuốn đi. Tuy nhiên, người đàn ông lái công nông vẫn tỏ ra khá bình tĩnh, cố gắng điều khiển chiếc xe vượt qua suối.


Chiếc xe công nông gần như ngập hoàn toàn dưới dòng nước

Chiếc xe công nông gần như ngập hoàn toàn dưới dòng nước

Đoạn video đã thu hút hàng trăm nghìn lượt người xem, chia sẻ và bình luận. Nhiều người tỏ ra lo lắng trước hành động mạo hiểm, coi thường tính mạng của người lái xe. Bên cạnh đó, cũng có ý kiến bày tỏ sự chia sẻ, mong chính quyền địa phương sớm kiểm tra, nhắc nhở người dân không nên liều mình vượt suối như trên.

Qua tìm hiểu, đoạn video ghi lại cảnh một nông dân chở hàng vượt qua suối Đắk Rí, đoạn thuộc thôn Tân Lập, xã Nâm Nung, huyện Krông Nô, tỉnh Đắk Nông.

Theo nhiều người dân, bên suối là khu vực canh tác của hơn 70 hộ dân, vượt suối là con đường duy nhất để họ vận chuyển nông sản sau khi thu hoạch hoặc phân bón để sang bở bên kia.

Hàng ngày, trên đoạn đường này có cả chục xe công nông chở người và hàng hóa, nông sản di chuyển qua suối. Những ngày nắng, nước chỉ cao khoảng 1m, dòng chảy yếu nên không mấy nguy hiểm. Nhưng mỗi khi mưa lớn, nước đầu nguồn đổ về ngập cả đầu người và chảy xiết nên việc dùng xe công nông để qua con suối rất khó khăn và nguy hiểm.

Anh Y Quyết Buôn Já (buôn R’Cập, xã Nam Nung) cho biết: “Gia đình tôi có 2 ha đất rẫy trồng cà phê, hồ tiêu bên kia bờ suối. Do không có cầu nên gia đình buộc phải đi qua suối để đi làm kể cả lúc trời mưa. Dù biết việc làm này rất nguy hiểm nhưng vì cuộc sống nên chúng tôi phải liều mình đối mặt với “tử thần” để qua suối làm nương rẫy”.


Ngay cả khi trời nắng, nước trong suối cũng ngập gần bằng chiếc xe

Ngay cả khi trời nắng, nước trong suối cũng ngập gần bằng chiếc xe

Hình ảnh người dân liều mình băng qua dòng suối dữ (nguồn: FB Diễn đàn Tây Nguyên)

Được biết, suối Ðắk Rí rộng hơn 7m, trải dài qua nhiều thôn trên địa bàn xã Nâm Nung. Những ngày qua do mưa lớn kéo dài, mực nước suối vẫn cao, chảy khá xiết nhưng xe công nông qua lại vẫn nhiều. Đáng lo ngại khi đây không phải là điểm vượt duy nhất tại suối Ðắk Rí, mà còn có vài điểm vượt khác cũng rất nguy hiểm.

Cũng theo anh Y Quyết, trong quá trình vận chuyển nông sản sau khi thu hoạch, năm ngoái đã có 1 xe công nông cùng nhiều tấn cà phê của người dân bị nước cuốn trôi xa hơn chục mét khi cố vượt qua dòng suối này. Rất may là vụ tai nạn đã không gây thiệt hại về người vì người điều khiển phương tiện biết bơi và không chở người phía sau tay lái.

Gần đây có 1 xe công nông cùng người và hàng hóa bị lật úp, khiến 1 người chết.

Ông Trần Văn Quảng, Chủ tịch UBND xã Nâm Nung cho biết, thời gian qua, địa phương đã nhiều lần tổ chức tuyên truyền, nhắc nhở người dân không nên tự ý vượt suối để làm rẫy khi mùa mưa lũ đến. Tuy nhiên, vì thiếu đất sản xuất, tranh thủ thời vụ nên nhiều người dân vẫn bất chấp tính mạng, tài sản để qua con suối này.

Trong khi đó, theo ông Trần Thái Châu, Phó trưởng phòng Kinh tế- kỹ thuật hạ tầng huyện Krông Nô, việc người dân liều mình đi qua con suối để vào rẫy đã bị nghiêm cấm nhưng người dân vẫn làm.

Vùng đất canh tác của người dân giáp ranh với đất rừng của Khu bảo tồn thiên nhiên Nam Nung nên nếu xây dựng đường sá, cầu cống thuận lợi thì sẽ tạo điều kiện cho những hộ dân khác vào lấn chiếm, xâm canh, nên hiện nay địa phương chưa có chủ trương làm cầu ở khu vực này.

Cũng theo Phòng Kinh tế- Kỹ thuật hạ tầng, hiện toàn huyện Krông Nô có hơn 30 cầy cầu dân sinh cần sửa chữa, thay thế mới do đã xuống cấp nghiêm trọng. Tuy nhiên, do ngân sách không có nên việc làm cầu này được thực hiện dần từ nay đến năm 2020.

Dương Phong

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm