1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Xem đồng bào Tày - Nùng làm lễ “rửa bàn thờ” trong đêm giao thừa

(Dân trí) - Đồng bào Tày - Nùng vùng cao đã đón giao thừa với những phong rất độc đáo. Đó là phong tục cổ truyền “xông” bàn thờ gia tiên trong tời khắc chuyển giao sang năm mới

Từ chiều 30 tết, không khí tấp nập, nhộn nhịp đón mừng tân niên đã tràn ngập khắp các bản làng miền núi. Trên những bàn thờ tổ tiên các gia đình, những mâm cỗ cũng đã đầy đủ hơn, tươm tất hơn để đón thời khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới trong sự sung túc và an vui. Những lễ vật được dâng lên bàn thờ gia tiên thể hiện tấm lòng, sự đền đáp của con cháu đối với đấng sinh thành, với những người đã khuất.

Ở Trùng Khánh (Cao Bằng) chủ yếu là hai dân tộc bản địa là người Tày và Nùng sinh sống. Ở vùng nào cũng vậy, hễ đâu có người Tày thì ở đó sẽ có người Nùng sinh sống và ngược lại. Hai dân tộc bản địa này đã có từ lâu đời, họ sống xen kẽ và hỗ trợ lẫn nhau, đặc biệt, cùng sử dụng chung một hệ ngôn ngữ là ngôn ngữ Tày – Nùng.

Đối với đồng bào Tày - Nùng, giao thừa cũng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Đó không chỉ là thời khắc đánh dấu sự chuyển giao giữa năm cũ và năm mới, mà còn là dịp để con cháu thể hiện tấm lòng biết ơn đối với ông bà, tổ tiên, những đáng bậc tiền nhân sinh thành ra mình.

Có dịp tham dự cùng bà con Tày Nùng ở vùng cao, chúng tôi mới thấu hiểu được bà con đón tết trong không khí khá hoang sơ khi những sắc màu văn hóa chưa bị hòa nhập bởi bên ngoài, nơi đây còn lưu giữ rất nhiều phong tục huyền bí, độc đáo.

Sửa soạn ảnh Bác Hồ để treo thờ đón mừng năm mới
Sửa soạn ảnh Bác Hồ để treo thờ đón mừng năm mới

Tập tục độc đáo của bà con là lau rửa bàn thờ trước khi cúng Gia tiên đón năm mới về
Tập tục độc đáo của bà con là lau rửa bàn thờ trước khi cúng Gia tiên đón năm mới về

Mâm cỗ ngày tết trong đêm 30 thể hiện sự thành đạt của con cháu trong gia đình, sự hiếu thảo của bậc con cháu đối với tổ tiên. Trong mâm cỗ đêm tất niên không thể thiếu được hình ảnh con gà sống thiến luộc vàng ươm.

Đối với những đồng bào nơi đây, gà sống thiến phải là những con gà ta vừa mới lớn, vừa mới biết cất tiếng gáy le te sẽ được mang đi thiến đúng lúc. Thịt gà trống thiến là món ăn quý giá, sang trọng thường chỉ dùng để đãi khách quý và trong ngày tết mới dâng lên bàn thờ tổ tiên của mình.

Anh Bế Văn Tiếp, người dân xã Thông Huề, Trùng Khánh, Cao Bằng cho biết: Những con gà thiến được dùng để thịt trong đêm 30 tết phải là con gà béo khỏe và không bị bệnh tật.

Vài tháng trước, mọi người đã phải nhốt chú gà thiến lại để vỗ béo, trong thời gian này chỉ cho ăn một loại thức ăn duy nhất là thóc. Do gà được ăn no, không phải tự đi kiếm ăn nên sẽ rất sạch, thịt vàng và thơm ngon.

Những chú gà thiến này cũng là “lễ vật” để những chàng rể mang đến nhà ngoại trong ngày “tết mẹ”. Đối với những anh chàng nhưng chưa kịp cưới, đây cũng là sản phẩm để lấy lòng phía nhà gái. Nhìn vào những con gà trống thiến, nhà gái có thể đánh giá được chàng rể tương lai của mình có khéo léo, cẩn thận hay không.

Để chuẩn bị cho một đêm giao thừa hoàn hảo, người Tày - Nùng  nơi đây đều tạm dừng mọi công việc từ ngày 28 tết. Từ đó, sẽ tập trung vào việc vệ sinh, trang trí nhà cửa, dán giấy đỏ, treo câu đối….

Tối 30 tết, trước thời khắc giao thừa, mọi thành viên sẽ tập trung quây quần bên bữa ăn tất niên đầy ấm cúng của gia đình.

Đúng thời khắc giao thừa, người trụ cột chính trong gia đình sẽ thắp một nén nhang lên bàn thờ tổ tiên để báo hiệu thời khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới đã đến. Những lễ vật như thịt gà, thịt lợn, xôi ngũ sắc sẽ được dọn lên bàn thờ để mời tổ tiên tới hưởng lộc cùng con cháu.


Bà con chuẩn bị lễ cúng miến thổ công chiều 30 tết
Bà con chuẩn bị lễ cúng miến thổ công chiều 30 tết

Mâm cỗ ngày Tết của bà con dân tộc vùng cao Tày - Nùng
Mâm cỗ ngày Tết của bà con dân tộc vùng cao Tày - Nùng

Tiếp đó là lễ xông hơi để “rửa ban thờ”. Người con trai chính trong gia đình sẽ dùng một thanh sắt nung đỏ nhúng vào chậu nước ấm có chứa những lá thơm như lá bưởi, cam, chanh. Việc làm này nhằm mục đích xua tan những khí tà, quỷ ám của năm cũ và để cho năm mới sạch sẽ hơn.

Anh Nguyễn Tiến Thanh, ở xã Cảnh Tiên (Trùng Khánh) cho biết: Đó là phong tục có từ rất lâu của người Tày - Nùng nơi đây, khi xông, hơi tỏa ra từ chậu nước chứa lá thơm sẽ làm cho bàn thờ gia tiên thơm tho hơn, dễ chịu hơn.

Những cái xấu của năm cũ sẽ trôi đi, đón một năm mới trong sạch đẹp, an khang hơn. Làm xong lễ “rửa bàn thờ” chúng tôi đi tới từng gia đình để chúc tết, xông nhà. Chúc cho nhau năm mới sức khỏe, an khang và thịnh vượng.

Thực hiện xong tục cúng giao thừa, đồng bào dân tộc Tày - Nùng sẽ không đi hái lộc đầu xuân như người Kinh mà họ sẽ ở nhà, chờ đến lúc 5 giờ sáng để thực hiện nghi lễ đầu tiên trong năm mới là nghi lễ “lấy nước mới”.

Từ sáng sớm, khi trời chưa kịp sáng hẳn, nhìn chưa rõ mặt nhau nhưng tại giếng nước sinh hoạt chung của thôn Sộc Riêng, xã Thông Huề đã có rất đông người tới đây. Người thắp đuốc, người soi đèn pin, họ mang theo thùng và gáo ra đây để múc nước, lấy những gánh đầu năm. Nước này được dùng để pha trà, rửa mặt và sau đó sinh hoạt như bình thường.

Theo cụ Nguyễn Văn Nghiêm, ở thôn Sộc Riêng, xã Thông Huề (Trùng Khánh, Cao Bằng) thì khi đi gánh nước, người lấy nước sẽ mang theo 3 nén hương, giấy tiền và vàng mã. Đến nơi thì chưa được múc nước luôn mà phải thực hiện nghi thức đứng giữa đất trời, khấn vái bốn phương, sau đó mới đốt số tiền giấy và vàng mã. Xong xuôi mới được múc nước rồi bẻ một cành lộc (bưởi, cam…) gần đó cho vào thùng nước mang về.

Mỗi dân tộc đều có những phong tục đón giao thừa riêng, đón xuân riêng, nhưng đối với đồng bào Tày - Nùng thì đây có lẽ phong tục độc đáo nhất ngày xuân chỉ ở nơi đây mới có. Đó là phong tục văn hóa ngày tết hay và độc đáo nên cần được gìn giữ và bảo tồn.

Quốc Cường - Xuân Thái