(Dân trí) - Tuy đã mất một chân, nhưng cậu bé Văn Danh vẫn rất hiếu động, đặc biệt là có khả năng đi xe đạp, leo cây như diễn xiếc. Nhìn những vết sẹo loang lổ trên người em, rồi nhìn nụ cười như thiên thần nhỏ, ai trong chúng tôi cũng cảm thấy xót xa.
Đầu tháng 12, chúng tôi trở lại thăm nhà của Nguyễn Văn Danh, cậu bé bị mất chân trái do tàu hỏa cán phải khi ngang qua đường ray xe lửa ở gần nhà, nhân vật trong bài “Nỗi đau đớn của cậu bé 4 tuổi bị tàu hỏa cán đứt chân”. Mẹ của Danh lúc này cũng vừa đi chợ về, trong giỏ chỉ có một bó rau, một vài con cá bống cho bữa trưa. Phòng khách của mẹ con chị Danh tuy nhỏ nhưng lại rất rộng, bởi không có một đồ đạc gì ngoài chiếc bàn học của Danh.
Phòng khách chỉ có cái bàn học, Danh ngồi chễm chệ trên bàn, khách và chủ nhà ngồi bệt dưới sàn
Cũng vì thế mà khách đến thăm nhà, cả chủ và khách đều ngồi bệt xuống sàn, riêng Danh thì tót lên ghế ngồi chễm chệ. Nét bỡ ngỡ, lạ lẫm ban đầu của Danh khi gặp chúng tôi cũng đã nhanh chóng qua đi. Cậu bé hiếu động đã sà vào lòng một người, như thể là thân thiết từ lâu lắm rồi.
Mọi người trong đoàn không khỏi xúc động khi nhìn những vết sẹo trên cơ thể của em. Xương chậu của Danh không còn, nhìn mảng sẹo dưới lưng và phần đùi của cái chân còn lại, chúng tôi đều cảm thấy xót xa. Mảng da đùi đã bị lột, một mảng da lưng và mông lại được bóc ra để bọc phần thân dập nát. Không ai bảo ai, trong chúng tôi đều gợn lên một cảm giác không còn gì, ngoài một sự sống phi thường đang nhảy nhót.
Chân của "chú lính chì" loang lổ những sẹo
“Nếu đang đi hoặc đang đứng mà con muốn ngồi xuống thì làm thế nào nhỉ ?”, chị Hương, một thành viên trong đoàn bất giác thắc mắc với Danh khi thấy em vẫn “chạy tung tăng” khắp nhà. Đang nhảy lò cò, nghe câu hỏi của chị Hương, Danh liền đáp ứng ngay. Chỉ nghe một tiếng “cộc” khô khốc vang lên. Đó là tiếng cái đầu gối va xuống nền nhà khi Danh thả mình rơi tự do mỗi khi ngồi xuống. Với người bình thường chắc sẽ đau lắm, mẻ gối như chơi. Vậy mà với Danh đó là một động tác bình thường như bình thường nó phải thế.
Cái "củ lạc" của Danh sần chai vì những pha rơi người tự do để ngồi
Nghịch nhiều nên Danh phải nhờ mẹ lấy chất thải thoát ra từ phía phần bụng, do cậu không còn hậu môn
Ngồi chán một lúc, Danh lại kêu mọi người ra sân để xem em… đạp xe đạp. Một chiếc xe đạp nhỏ xíu được một người hảo tâm tặng khi em thổ lộ mơ ước của mình sau hồi bị tai nạn. “Cháu thích xe đạp vì chiếc xe có thể giúp cháu đỡ phải nhảy lò cò khi muốn đi xa một chút”, chị Oanh, mẹ cháu Danh nói.
Nhìn Danh, chúng tôi lại liên tưởng đến “chú lính chì” Thiện Nhân. Cả 2 đều bị mất một chân, cùng một thời điểm năm 2006. Nhưng chú lính chì Thiện Nhân mất chân bên phải thì “chú lính chì” Văn Danh mất chân bên trái.
Danh biểu diễn kiểu đi xe đạp hiếm thấy của mình. Hai tay em vịn xe, cái chân còn lại vừa làm trụ vừa xoay, gót và mũi thay nhau như mấy diễn viên hát bội di chuyển trên đôi hài cong, đi ngang mà không nhấc chân. Không chỉ thích đạp xe đạp, Danh còn có sở thích… leo cây. Trong nhà của em có khá nhiều cây ăn quả, thi thoảng Danh lại thể hiện tài năng leo trèo bằng một chân của mình khiến bố mẹ đều hoảng hồn. “Nó ngã hoài ấy chứ, nhưng được cái là đau mấy nó cũng mím môi chịu, hiếm khi khóc lắm. Tôi thương con nên mỗi lần ngã lại không dám mắng, chỉ suýt xoa cho cháu đỡ đau”, chị Oanh tâm sự.
Danh dắt xe đạp ra ngoài sân để biểu diễn
Mất chân trái, lại thuận chân phải, nên Danh điều khiển xe đạp khá khó khăn. Tuy nhiên, "chú lính chì" nhanh chóng thuần hóa "ngựa sắt" của mình
Ngoài tài nghệ đi xe đạp một chân, Danh còn sở thích... leo cây
Anh Nguyễn Hữu Thi, bố của Danh cho biết, sau khi Dân trí đăng thông tin về trường hợp của con anh, rất nhiều tấm lòng hảo tâm đã liên hệ để tìm cách giúp đỡ cháu hòa nhập với cuộc sống một cách tốt hơn. “Chủ nhật này (13/12) chúng tôi sẽ đưa Danh lên Bệnh viện Nhi đồng ở quận 10, TPHCM tái khám để xác định các phương án giúp cháu, nhất là việc lắp chân giả cho cháu đi lại dễ dàng hơn. Nhưng tôi nghe bảo các bệnh viện trong nước chưa đủ điều kiện để chữa, cũng lo lắm. Nhà thì lại nghèo, nên cố được đến đâu sẽ cố thôi”, anh Thi khẳng định, mắt long lanh nhìn về đứa con trai xinh xắn sớm gặp phải bất hạnh của mình.
Mọi đóng góp hảo tâm xin gửi về:
1. Anh Nguyễn Hữu Thi, chị Nguyễn Thị Hồng Oanh
Thôn Vĩnh Phú, xã Suối Tân, huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa. ĐT: 0936 159 388.
2. Quỹ Nhân ái - Báo Khuyến học và Dân trí - Báo điện tử Dân trí (Hà Nội)
Số 2/48 Giảng Võ, Đống Đa, Hà Nội (Cạnh cây xăng Kim Mã) Tel: 04. 3. 7366.491/ Fax: 04. 3. 7366.490 Email: quynhanai@dantri.com.vn
* Tài khoản VNĐ:
Tên TK: Báo Khuyến học & Dân trí
Số TK: 10 201 0000 220 639
Tại: Ngân hàng Thương mại Cổ phần Công Thương Việt Nam - Chi nhánh Hoàn Kiếm
* Tài khoản USD:
Tên TK : Báo Khuyến học & Dân trí
Số TK : 10 202 0000 004346
SWIFT Code: ICBVVNVX106
Tại: Ngân hàng Thương mại Cổ phần Công Thương thành phố Hà Nội
3. Văn phòng đại diện của báo:
VP Hà Tĩnh: 46 Nguyễn Công Trứ, Phường Tân Giang, TP Hà Tĩnh. Tel: 039.3.857.122