1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Quảng Bình:

"Xẻ thịt rừng", lâm tặc hay chủ dự án?

(Dân trí) - Rừng Nà Lâm tan hoang ngay trong khu vực xây dựng cơ sở hạ tầng của công ty Hồng Đức, ông Giám đốc nói “không liên quan” và số gỗ làm nhà trong rừng là do ông mua và... chở gỗ về rừng.

Sau hai chuyến đi tìm hiểu về thực trạng phá rừng, chúng tôi đã tiếp xúc với ông Nguyễn Văn Hồng - Giám đốc công ty Hồng Đức. Ông Hồng cho hay: “Công ty chúng tôi không hề phá rừng để làm dự án hay xây dựng cơ sở vật chất. Số gỗ xây nhà cửa là do tôi mua lại từ nguồn gỗ hợp pháp, với khối lượng khoảng 45m3 và chở vào theo con đường mới để xây dựng”. Ngoài ra, theo ông Hồng, có một số gỗ ông mua lại của người dân địa phương.  
 
"Xẻ thịt rừng", lâm tặc hay chủ dự án? - 1

Những khúc gỗ này là "sản phẩm" của lâm tặc?

Tuy nhiên, có nhiều điều khá vô lý mà ông Hồng không đưa ra được lời giải thích thuyết phục. Ông nói công ty mua gỗ hợp pháp, nhưng khi PV đề nghị cho xem các chứng từ mua gỗ thì ông nói kế toán đi vắng và hẹn… dịp khác. Thêm vào đó, ông cho rằng công ty mua gỗ thành khí (tức đã cưa, xẻ theo mục đích sử dụng), nhưng khi chúng tôi cho xem hình ảnh về những khúc gỗ tròn và bìa gỗ ngổn ngang trong khu vực xây dựng dự án, ông Hồng lại đổ cho... lâm tặc.

“Thực trạng mà các anh nhắc đến có thể là do lâm tặc phá, vì rừng này xưa nay là rừng của người dân Nà Lâm, họ sống cạnh rừng nên vào chặt để làm nhà cửa” - ông Hồng giải thích.
 
"Xẻ thịt rừng", lâm tặc hay chủ dự án? - 2

Liệu "lâm tặc" có thừa thời gian và lãng phí đến mức xẻ gỗ giữa rừng và vứt lại nhiều khúc gỗ to như vậy sau khi đã mất công khai thác?

Tuy nhiên, khi tiếp xúc với người dân bản Nà Lâm, hầu hết các hộ dân ở đây đều tỏ ra bức xúc trước thực trạng rừng bị chặt phá. Ông Hồ Chừn, trưởng bản Nà Lâm cho biết: “Công ty Hồng Đức về làm dự án có được phép khai thác rừng hay không cần phải công khai để dân bản được biết và tham gia giám sát, bởi khu vực này là rừng phòng hộ, lâu nay dân bản thường xuyên tham gia bảo vệ, khoanh nuôi”.

Còn trạm kiểm soát lâm sản Hang Chuồn, thuộc BQL rừng phòng hộ Long Đại cũng khẳng định: không hề có chuyện công ty Hồng Đức chở gỗ về rừng để làm dự án, bởi đường vào Nà Lâm là độc đạo, mọi chuyến xe ra vào rừng đều được kiểm soát nghiêm ngặt và trạm không thấy xe nào của Hồng Đức chở gỗ từ ngoài vào.

Về thông tin này, ông Hồng lại nại rằng: “Tôi cũng không đi trực tiếp, nhưng nghe anh em nói lại rằng những lúc xe chở gỗ vào qua trạm Hang Chuồn thì ở đây đều không có ai trực nên anh em tự gỡ barie chắn để vào rừng. Hơn nữa, trạm kiểm soát chỉ để ý đến xe từ trong rừng ra, chứ xe ngoài vào thì không quan tâm lắm”. Tuy nhiên, không chỉ trạm hang chuồn, cả các cán bộ xã Trường Xuân cũng khẳng định không thể có chuyện “chở gỗ về rừng” như ông Hồng nói.

Chúng tôi đã đăng ký làm việc với BQL rừng phòng hộ Long Đại để tìm hiểu và làm rõ thông tin nhưng ông Giám đốc cáo bận vào giờ chót. Ông Võ Phước Thùy, Phó Giám đốc BQL chỉ nói khá dè dặt: “Tôi đã trực tiếp đi kiểm tra và thấy thực trạng khai thác rừng tràn lan nên đã chỉ đạo đình chỉ việc khai thác gỗ”.

Ông Thùy “giới thiệu” chúng tôi sang Trạm kiểm lâm Long Đại, nhưng PV cũng chỉ nhận được câu trả lời miễn cưỡng của ông Hoàng Tiến Lợi - Trạm trưởng: “Tôi có vào đó, nhưng vào theo bản năng chứ không phải vì công việc, bởi rừng đó không phải địa bàn của tôi quản lý. Rừng đã giao cho BQL rừng phòng hộ Long Đại rồi”.

Cứ như vậy, việc ai quản lý rừng phòng hộ Long Đại và kiểm soát tình trạng phá rừng ồ ạt ở đây vẫn còn bị đưa đẩy giữa các cơ quan chức năng sở tại. Chỉ có thực trạng những cánh rừng ngày càng cạn kiệt, tỷ lệ nghịch với cơ ngơi bề thế của dự án trồng cao su là đã quá rõ ràng.

Nhóm PV & CTV

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm