1. Dòng sự kiện:
  2. Thảm họa lũ quét Làng Nủ
  3. Mưa lũ lớn ở miền Bắc

Quảng Bình:

“Xẻ thịt” rừng làm món “khai vị”

(Dân trí) - Khi dự án trồng cao su của Công ty Hồng Đức được triển khai, doanh nghiệp này đã mở đường băng rừng vào Nà Lâm, bản miền núi phía tây Quảng Bình. Kể từ đó, rừng nơi này không lúc nào ngớt tiếng cưa xẻ, đục bào....

Thung lũng Nà Lâm nằm sâu giữa núi rừng Trường Sơn, là nơi cư trú của hơn 20 hộ dân Vân Kiều. Đây là nơi tiếp giáp giữa hai xã miền núi Trường Xuân và Trường Sơn (huyện Quảng Ninh - Quảng Bình). Trước nay, do giao thông khó khăn, người dân Nà Lâm rất ít có cơ hội giao thiệp với bên ngoài, và ngược lại những cánh rừng già quanh Lèn đá thuộc tiểu khu 391 bao quanh Nà Lâm cũng còn giữ được mức độ nguyên sinh cao, ít chịu sự tác động của con người. 

Kể từ khi Công ty CP Đầu tư và Thương mại Hồng Đức (Công ty Hồng Đức) mở rộng con đường mòn dân sinh vào Nà Lâm thành con đường cơ giới để chở vật liệu, trang thiết bị phục vụ dự án trồng và chế biến mủ cao su, mọi chuyện dường như đã thay đổi. Hàng ngày, những chuyến xe bánh xích, bánh lốp nối đuôi nhau ra vào Nà Lâm, kéo theo đó nhiều hệ lụy. 
 
Theo tìm hiểu của Dân trí, diện tích 221 ha đất mà UBND tỉnh giao cho Công ty Hồng Đức trồng và chế biến mủ cao su là diện tích đất không có rừng, tỉnh cũng không cho phép phá rừng để làm cơ sở hạ tầng. Tuy nhiên, thực tế dường như không phải vậy.
 
“Xẻ thịt” rừng làm món “khai vị” - 1
.
Đường vào bản Nà Lâm vừa được mở rộng phục vụ dự án.
 
Lần theo con đường mới mở rộng dài 25km vắt qua triền núi, chúng tôi vượt dốc Cồ và nhiều con suối để đến Nà Lâm. Chưa thấy bản, đã nghe tiếng động cơ rầm rĩ: tiếng máy cưa, máy bào, tiếng máy nổ. Người dân nơi đây cho biết, rừng Nà Lâm đang bị “xẻ thịt” để xây dựng cơ sở vật chất cho dự án được thuê đất 50 năm này.
 
“Xẻ thịt” rừng làm món “khai vị” - 2

Gỗ được cưa xẻ thành khí tại xưởng mộc của Công ty Hồng Đức mở ngay trong rừng.
 
Đợi đến trưa, khi nhóm nhân công về lán ăn trưa, chúng tôi lặng lẽ đột nhập vào khu vực rừng Lèn đá ngay cạnh bản Nà Lâm và không khỏi bàng hoàng khi chứng kiến những cây sú, táu khổng lồ bị đốn hạ ngổn ngang. Cả cánh rừng như một công trường thực thụ, với những khúc gỗ được cưa xẻ dở hoặc đã xẻ hết chỉ còn lại bìa rác nằm chồng chất lên nhau.
 

“Xẻ thịt” rừng làm món “khai vị” - 3

“Xẻ thịt” rừng làm món “khai vị” - 4

Những khúc gỗ và bìa đã khai thác nằm ngổn ngang quanh khu vực làm nhà dự án.
 
Đi xa hơn một chút, nhiều cây sú mấy chục năm tuổi đã được lưỡi cưa “ướm” thử để chờ ngày đốn hạ. Nhiều gốc cây nhỏ có đường kính chừng 20cm cũng không thoát “án tử” bởi xây dựng công trình người ta cần cả cốp pha, giàn giáo. Thung lũng Nà Lâm như được mở rộng, bởi cả một vành đai lớn vốn là rừng nay đã trở thành thung lũng trọc.
  
“Xẻ thịt” rừng làm món “khai vị” - 5

Không ít cây đã được "ướm" thử, chờ ngày "khai tử".
 
Giữa cảnh tan hoang của rừng già Nà Lâm là ngôi nhà hai tầng đồ sộ bên trong ốp gỗ từ chân tường đến nóc, ốp cả sàn nhà. Ngôi nhà rộng hàng trăm m2 này “ngốn” hết vài chục khối gỗ, chưa kể mớ cốp pha, giàn giáo còn tươi rói ngổn ngang. Đây chính là văn phòng của dự án.
 
Cạnh đó, vài căn nhà gỗ khác cũng đang được gấp rút xây dựng. Cả một không gian rộng với cơ man nào là gỗ: gỗ rừng bị đốn, vứt ngổn ngang, gỗ làm nhà được chế biến thành khí tắp lỳ, đỏ rực. Mạt cưa, bụi gỗ bay bám lên lá rừng, mùi gỗ tươi mới xẻ nức mũi.
 
“Xẻ thịt” rừng làm món “khai vị” - 6
 
“Xẻ thịt” rừng làm món “khai vị” - 7

Dự án trồng và chế biến mủ cao su nhưng không khác gì dự án khai thác gỗ.
 
Trong vai một “người quen” của ông Giám đốc đến thăm và tuyên truyền dự án, chúng tôi được một số người ở đây khoe rằng họ sẽ xây thêm nhiều chòi gỗ trên diện tích dự án để trông coi cao su sau này. Nếu đúng như vậy, không hiểu số phận những cánh rừng ở đây sẽ đi về đâu.
 
Nhóm PV và CTV
(còn nữa)