1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Xe khách đua tốc độ - những “sát thủ” gây tai nạn thảm khốc!

(Dân trí) - Hai vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng xảy ra mới đây đang gây chấn động dư luận bởi thiệt hại về người quá lớn và nguyên nhân đều do các tài xế xe khách chạy với tốc độ quá lớn, vi phạm tốc độ cho phép trên các cung đường “nóng”.

Cụ thể, vụ TNGT xảy ra tại Đà Nẵng hôm 29/4 giữa một xe khách và 1 xe con tại nút giao đường Hầm Hải Vân - Tuý Loan với đường Hoàng Văn Thái thuộc huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng. Hậu quả làm cả 7 người trên xe con thiệt mạng. Vào thời điểm xảy ra tai nạn, chiếc xe khách đã chạy với tốc độ 85km/h. Công an TP Đà Nẵng đã khởi tố vụ án và đang tiếp tục điều tra làm rõ vụ tai nạn.

Vụ tai nạn đã cướp đi sinh mạng của 7 con người

7 người trong cùng một gia đình đã mất mạng chỉ vì cách lái xe "ngông cuồng" của tài xế xe khách. (Ảnh: Khánh Hồng)

Vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng thứ hai xảy ra hôm 7/5 tại cầu Ba Si thuộc xã Phương Thạnh, Càng Long, Trà Vinh. Chiếc xe khách BKS 84B-00127 trong khi cố vượt xe khách BKS 84B-00253 đã tông vào 2 xe máy đi ngược chiều khiến 4 người chết tại chỗ, 2 người bị thương rất nặng. Vào thời điểm gây tai nạn, xe khách BKS 84B-00127 đã chạy với tốc độ 121 km/h, xe khách BKS 84B-00253 chạy với tốc độ 110 km/h.

Trao đổi với PV Dân trí, ông Khuất Việt Hùng - Phó Chủ tịch Chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia - cho biết, xe khách chạy trên quốc lộ chỉ được phép lưu thông với vận tốc tối đa là 70km/h. Trong vụ tai nạn tại Trà Vinh, chiếc xe khách gây tai nạn đã chạy vượt quá cả tốc độ tối đa cho phép trên đường cao tốc (120km/h).

“Về nguyên lý vận hành của thiết bị giám sát hành trình, khi xe vi phạm tốc độ khoảng 5km thì thiết bị giám sát hành trình sẽ tự động phát tín hiệu bằng đèn và âm thanh ngay trên xe, đồng thời truyền báo về trung tâm điều hành của doanh nghiệp. Trong các vụ tai nạn, rõ ràng các tài xế đã phớt lờ các tín hiệu cảnh báo này. Trong sự việc này, các xe khách đã chạy vượt tốc độ rất cao, thiết bị giám sát hành trình đã ghi nhận thông tin này nhưng nhiều bên liên quan chưa làm hết trách nhiệm” - ông Khuất Việt Hùng khẳng định.

Theo ông Hùng, trong những vụ việc này có trách nhiệm của doanh nghiệp vận tải, trực tiếp là người điều hành vận tải của doanh nghiệp bởi người này được phân công theo dõi thiết bị giám sát hành trình 24/24 nhưng đã không có bất cứ biện pháp nào để ngăn chặn hay cảnh báo tới tài xế.

Ngoài ra, Phó Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia cũng chỉ ra những hạn chế trong việc giám sát của cơ quan chức năng như Tổng cục Đường bộ Việt Nam và Sở Giao thông vận tải, các đơn vị này chưa có 1 cơ chế trao đổi thông tin hữu hiệu.

“Khi xảy ra các yếu tố mất an toàn thì thông tin cảnh báo chưa được gửi tự động mà phải dò thủ công, trong cả 80.000 phương tiện đang lưu thông mà tìm ra phương tiện mất an toàn để cảnh báo là rất mất thời gian” - ông Hùng lưu ý.

Trên thực tế, ngoài thiết bị giám sát hành trình trực tiếp thì các phương tiện giao thông cũng bị giám sát trực tiếp bằng việc kiểm soát tốc độ lưu thông trên đường từ lực lượng cảnh sát giao thông. Tuy nhiên, trong cả 2 vụ tai nạn đặc biệt nghiêm trọng nói trên, các xe gây tai nạn đã chạy vi phạm tốc độ nhưng vẫn “qua mặt” được các chốt kiểm tra xử lý vi phạm của lượng lượng chức năng.

Về vấn đề này, người phát ngôn của Cục Cảnh sát giao thông, Bộ Công an - Trung tá Nguyễn Quang Nhật - cho biết, tổ chức giao thông kiểm soát bằng báo hiệu, cảnh sát giao thông có nhiệm vụ giám sát quy định về tốc độ. Trong quá trình thực hiện giám sát thì lượng lượng cảnh sát giao thông sử dụng nhiều biện pháp, hiện tại là sử dụng kỹ thuật giám sát bằng máy đo tốc độ phương tiện hay còn gọi là máy “bắn” tốc độ, lượng lượng được tăng cường 24/24.

“Trước đây có chuyện các xe chạy trên cùng tuyến thông báo cho nhau khi có trạm kiểm soát của cảnh sát giao thông xe; cũng có những trường hợp vào thời điểm bị kiểm tra thì xe đi đúng tốc độ nhưng sau đó lại vi phạm tốc độ. Với 2 vụ tai nạn nói trên, chúng tôi sẽ cho kiểm tra xem hành trình của các xe chạy từ đâu tới đâu và đã qua những trạm kiểm soát giao thông nào trên tuyến, từ đó xác minh thời điểm ghi nhận về lỗi tốc độ” - ông Nhật thông tin.

Theo ông Nhật, trong tháng 4/2015, toàn quốc xảy ra 1.729 vụ, chết 682 người, bị thương 1.582. Phân tích nguyên nhân TNGT cho thấy, có 26,24% do vi phạm làn đường phần đường; 11% do người điều khiển phương tiện vi phạm tốc độ xe chạy; 7,1% do vượt xe sai quy định; 4,82% vi phạm quy trình thao tác lái xe; 4,82% do sử dụng rượu bia; 4,56% do không nhường đường; 4,18% do chuyển hướng không chú ý… Tức là nguyên nhân vi phạm tốc độ đứng thứ hai trong số các vụ TNGT xảy ra.

“Trong thời gian tới, nhằm khắc phục tình hình tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng còn tăng cao, tiếp tục đẩy lùi tai nạn giao thông, lực lượng cảnh sát giao thông toàn quốc sẽ tăng cường tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm, triển khai đồng bộ các giải pháp bảo đảm trật tự an toàn giao thông hơn nữa phục vụ nhân dân tham gia giao thông được an toàn” - ông Nhật cho hay.

Châu Như Quỳnh