1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Xe đạp điện: Phóng nhanh, kiểm soát chậm?

(Dân trí) - Chạy quá tốc độ, vượt đèn đỏ, lạng lách, chở quá số người quy định... Đó là hình ảnh thường gắn với những chiếc xe đạp điện hiện nay. Trong khi đó việc kiểm soát loại phương tiện này lại quá chậm.

Ẩn họa tai nạn giao thông

Xe đạp điện có thiết kế nhỏ gọn, giá cả không quá đắt trong khi tốc độ lại được cho là không kém gì xe máy khi đi trong nội thành; người sử dụng cũng không bắt buộc đội muc mũ bảo hiểm, phù hợp với nhiều đối tượng sử dụng; vì vậy rất được ưa chuộng gần đây.

Tuy nhiên, cùng với những tiện ích của xe đạp điện thì việc sử dụng sai quy định của người tham gia giao thông đang tạo ra nguy cơ mất an toàn rất cao và là hiểm họa về tai nạn giao thông (TNGT).

Nhấn mạnh đến đối tượng sử dụng xe đạp điện, ông Khương Kim Tạo - Phó Chánh Văn phòng Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia - cho hay: “Xe đạp điện, xe máy điện bùng phát với số lượng ngày càng cao, đối tượng sử dụng chủ yếu là học sinh sinh viên. Hầu hết, người điều khiển xe này không đội mũ bảo hiểm, thậm chí, nhiều xe còn chở đến ba người lạng lách, đánh võng trên đường… đã tiềm ẩn nguy cơ gây mất an toàn giao thông. Vì thế, nếu lực lượng chức năng không kiểm soát người điều khiển loại phương tiện này sẽ thả nổi hiểm họa gây TNGT.

Học sinh sử dụng xe đạp điện không đội mũ bảo hiểm, dàn hàng ngang, vừa đi vừa đọc truyện...

Học sinh sử dụng xe đạp điện không đội mũ bảo hiểm, dàn hàng ngang, vừa đi vừa đọc truyện... (ảnh minh họa: Lan Anh)

Đại diện Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ-đường sắt, Công an TP Hà Nội (CSGT - PC67) cho biết, những hành vi vi phạm khi điều khiển xe đạp điện có thể gây ra TNGT bất cứ lúc nào. Tại Hà Nội, thời gian cao điểm tuần tra kiểm soát, có tuần lực lượng CSGT đã xử lý tới 170 trường hợp người sử dụng xe đạp điện vi phạm Luật giao thông.

Cũng theo vị đại diện PC67, một trong những lí do xe đạp điện bùng phát là người sử dụng không bị giới hạn về độ tuổi, vì thế rất nhiều gia đình đã sắm xe đạp điện làm phương tiện cho con em đến trường và dành cho người lớn tuổi đi lại.

Trên thực tế, địa bàn Hà Nội tràn lan các điểm bán xe đạp điện chủ yếu có xuất xứ từ Trung Quốc, Đài Loan, Nhật Bản và một số loại được giới thiệu là hàng liên doanh với Việt Nam. Giá bán xe đạp điện trên thị trường hiện nay dao động từ 4 - 12 triệu đồng/chiếc, thậm chí xe không đảm bảo chất lượng bày bán rất nhiều.

Ngoài vấn về người tham gia giao thông bằng xe đạp điện sử dụng sai quy định làm tăng nguy cơ tai nạn giao thông thì theo ông Đỗ Thanh Lam - Cục Phó Cục Quản lý thị trường cho biết do số lượng xe đạp điện trên thị trường tăng mạnh nên đã phát sinh nhiều vấn đề trong hoạt động kinh doanh buôn bán loại phương tiện này.

Cụ thể, trong 10 tháng năm 2013, qua kiểm tra đã tạm giữ, tịch thu hơn 2.000 xe vi phạm quy định về giá, nhãng hàng hóa, hóa đơn, chứng từ. Tại Hà Nội, hồi đầu tháng 11, lực lượng quản lý thị trường kiểm tra kho hàng ở Thanh Oai đã phát hiện và tạm giữ lô hàng xe đạp điện với 60 chiếc nhập khẩu từ Trung Quốc sai quy định.

“Đối tượng kinh doanh vi phạm ngày càng có nhiều thủ đoạn tinh vi, không chỉ trốn tránh lực lượng kiểm tra kiểm soát mà các đối tượng này còn chống trả lực lượng” - ông Lam nói.

Quản lý thế nào?

Trước tình hình sử dụng xe đạp điện tràn lan như hiện nay, trong khi việc xử lý không xuể, còn khâu quản lý lại chưa đi đến đâu, nhiều người cho rằng cần thiết phải kiểm soát phương tiện này như mô tô và xe máy điện, tức là phải có đăng ký, gắn biển để tăng cường kiểm soát và xử lý vi phạm.

Về vấn đề này, ông Trịnh Ngọc Giao - Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam - cho rằng, không cần thiết đưa xe đạp điện vào diện phải đăng ký vẫn quản lý được. Theo quy định về vận tốc và chủng loại thì chỉ mô tô, xe máy điện mới nằm trong diện buộc phải đăng ký.

“Các cơ quan chức năng sẽ kiểm tra chặt chẽ quá trình sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu xe đạp điện. Cụ thể, cơ sở sản xuất chỉ được sản xuất, lắp ráp các xe sau khi đã được cấp giấy chứng; phải chịu trách nhiệm về nguồn gốc, xuất xứ, chất lượng xe xuất xưởng. Trên cơ sở đó, xe sẽ được dán tem hợp quy sau 2 ngày làm việc kể từ khi nộp danh sách xe xuất xưởng” - ông Giao nhấn mạnh.

Theo ông Giao, Bộ Giao thông Vận tải sẽ quy định cụ thể việc kiểm tra chất lượng xe lưu thông trên thị trường. Kết quả kiểm tra là một trong những căn cứ để cơ quan quản lý yêu cầu cơ sở sản xuất, nhập khẩu triệu hồi xe. Cơ quan đăng kiểm sẽ phối hợp với lực lượng quản lý thị trường rà soát các phương tiện, yêu cầu người sử dụng phương tiện tuân thủ các quy định như phải đăng ký biển số nếu là xe máy điện, đội mũ bảo hiểm khi sử dụng.

Được biết, Bộ Giao thông Vận tải mới đây ra Thông tư 39/2013/TT-BGTVT Ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về xe đạp điện và Thông tư 41/2013/TT-BGTVT Quy định về kiểm tra chất lượng an toàn kỹ thuật xe đạp điện. Trên các văn bản này thì từ ngày 1/1/2014, việc sản xuất, kinh doanh và sử dụng xe đạp điện sẽ phải nằm trong khuôn khổ.
 

Theo tiêu chuẩn kỹ thuật, xe đạp điện có khối lượng bản thân (bao gồm cả ắc quy) tối đa là 40kg. Công suất công tơ điện của xe không lớn hơn 250W. Xe đạp điện phải có khả năng vận hành bằng cơ cấu đạp chân và đi được quãng đường 7km trong thời gian không quá 30 phút. Vận tốc lớn nhất của xe đạp điện là 25km/h.

Châu Như Quỳnh