Xe buýt Thủ đô ngày càng được ưa chuộng
(Dân trí) - Hành khách di chuyển bằng xe buýt ở Hà Nội ngày càng tăng, các đơn vị đang triển khai nhiều giải pháp nhằm nâng cao chất lượng vận tải hành khách công cộng.
Gần 5 năm nay, anh Nguyễn Văn Phúc (trú tại huyện Quốc Oai) chọn xe buýt làm phương tiện đi làm hàng ngày. Công tác tại một cơ quan nhà nước trên phố Lê Văn Hưu (quận Hoàn Kiếm), đều đặn sáng đi chiều về, anh Phúc cho biết không chỉ anh mà ở quê cũng rất nhiều người đã chọn xe buýt làm phương tiện di chuyển hàng ngày bởi nhiều sự tiện lợi.
Lượng hành khách di chuyển bằng xe buýt ngày càng tăng
Anh Phúc cho biết, trước đây, nếu muốn đi ra Hà Nội thì chỉ có thể đi các xe khách hoặc taxi, nhưng vài năm nay có xe buýt về tận làng, xã ngoại thành thì việc đi lại rất thuận tiện, dịch vụ tốt, chu đáo.
Vận tải hành khách công cộng ở Hà Nội hơn 10 năm trở lại đây đạt nhiều kết quả, trong đó mạng lưới xe buýt mở rộng, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân. Đến nay, hầu hết người dân ở các xã ngoại thành Hà Nội đều có thể tiếp cận với loại hình vận tải này.
Hà Nội có tổng số 153 tuyến buýt đang khai thác, vận hành; trong đó 128 tuyến buýt trợ giá, 9 tuyến buýt không trợ giá, 13 tuyến buýt kế cận và 3 tuyến city tour. Hà Nội đã có thêm 2 tuyến tàu điện, metro Cát Linh - Hà Đông, Nhổn - ga Cầu Giấy kết nối với xe buýt phục vụ nhu cầu đi lại của hành khách.
Ông Nguyễn Thanh Nam, Tổng giám đốc Tổng Công ty vận tải Hà Nội (Transerco) cho biết, 9 tháng đầu năm, sản lượng hành khách vận chuyển bằng xe buýt của đơn vị có xu hướng tăng so với cùng kỳ năm trước, đạt trên 170 triệu lượt, chiếm hơn 60% sản lượng vận chuyển toàn thành phố.
Thực hiện chủ trương của thành phố về việc rà soát tổng thể cơ cấu mạng lưới xe buýt để bảo đảm hiệu quả ngân sách trợ giá, Transerco đã phối hợp với Sở Giao thông vận tải Hà Nội rà soát biểu đồ chạy xe, điều chỉnh giảm dịch vụ 25 tuyến, nhánh tuyến và dừng hoạt động 3 tuyến.
Ông Nam cho hay, trong các tháng cuối năm, Transerco tập trung ứng dụng công nghệ, khai thác hiệu quả các hệ thống công nghệ đã đầu tư để hỗ trợ điều hành, kiểm soát chất lượng, nâng cao hiệu quả quản lý và cung cấp thêm tiện ích cho hành khách.
Tăng giá vé - tăng chất lượng phục vụ
Từ ngày 1/11, Hà Nội tăng giá vé xe buýt có trợ giá. Lý giải thêm về việc cần thiết phải tăng giá vé xe buýt, đại diện Sở Giao thông vận tải Hà Nội cho rằng, hàng loạt chi phí đầu vào cho hoạt động xe buýt đều đã tăng cao so với thời điểm cách đây 10 năm. Việc xây dựng lại cơ cấu vé và giá vé xe buýt là phù hợp.
"Việc điều chỉnh này sẽ tác động không lớn đến đời sống của đa số người dân và xe buýt vẫn cạnh tranh được với các loại hình vận tải khác", đại diện Sở Giao thông vận tải Hà Nội khẳng định.
Theo ông Ngô Xuân Phú, Phó tổng giám đốc Transerco, trợ giá cho vận tải hành khách công cộng về bản chất là trợ giá trực tiếp cho hành khách đi xe, người dân chi trả thêm thì ngân sách sẽ giảm trợ giá. Phải tới 10 năm mới quyết định điều chỉnh giá vé như vậy là thành phố đã rất cân nhắc tình hình kinh tế - xã hội chung, cũng như khả năng chi trả của người dân.
Ông Phú cho biết, việc kiểm soát, nâng cao chất lượng dịch vụ là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục của Transerco, được thực hiện bằng các chương trình, kế hoạch cụ thể. Chẳng hạn như nâng cao chất lượng phương tiện thông qua kiểm soát chất lượng bảo dưỡng sửa chữa, đầu tư đổi mới xe buýt; nâng cao chất lượng phục vụ bằng việc thường xuyên tổ chức chương trình đào tạo, tập huấn, các đợt thi đua nhằm nâng cao ý thức thái độ, kỹ năng phục vụ hành khách của đội ngũ lái xe, nhân viên bán vé; thực hiện chi trả lương cho đội ngũ lao động trực tiếp gắn với chất lượng dịch vụ; tăng cường ứng dụng công nghệ gia tăng tiện ích cho hành khách…
Về lợi ích từ việc tăng giá vé xe buýt, Trung tâm Quản lý và Điều hành giao thông Hà Nội cho rằng, nguồn thu từ tăng giá vé sẽ tạo điều kiện đổi mới phương tiện, chuyển đổi phương tiện năng lượng xanh theo chỉ đạo của Thủ tướng chính phủ; nâng cấp cơ sở hạ tầng cho xe buýt, nâng cao chất lượng dịch vụ và mở rộng vùng phục vụ nhằm thu hút tối đa người dân đi lại bằng xe buýt.
Không chỉ chú trọng mở rộng mạng lưới, chất lượng phương tiện cũng được đầu tư cải tạo. Đến nay khoảng 2.000 xe buýt ở Hà Nội đều có tuổi thọ dưới 10 năm. Để xe buýt thủ đô đảm bảo an toàn thân thiện với môi trường, lộ trình chuyển đổi phương tiện cũng đã được đặt ra.
Trung tâm Quản lý và Điều hành giao thông Hà Nội cho biết, Sở Giao thông vận tải đang lập đề án chuyển đổi phương tiện sử dụng năng lượng diesel ô nhiễm môi trường sang sử dụng năng lượng điện, năng lượng xanh CNG với mục tiêu phấn đấu đảm bảo đến 2033, 100% đoàn phương tiện là sử dụng năng lượng xanh, sạch, năng lượng điện.
Với mục tiêu nâng cao chất lượng dịch vụ, xe buýt Hà Nội cũng đang rà soát điểm dừng đỗ đón trả khách của xe buýt. Phương án xã hội hóa xây dựng nhà chờ xe buýt cũng đã được tính đến. Như vậy, trong tương lai gần, tình trạng người dân phải dãi nắng, dầm mưa tại những điểm đón xe buýt sẽ không còn tái diễn.