Xẻ 7 quả đồi lấy 1 triệu m3 đất làm tuyến đường Đông - Tây
(Dân trí) - Tuyến đường Đông - Tây là dự án giao thông kết nối liên vùng lớn nhất tỉnh Ninh Bình, có tổng số vốn 2.000 tỷ đồng. Để làm được tuyến đường, đơn vị thi công phải xẻ 7 quả đồi di chuyển 1 triệu m3 đất.
Dự án đường Đông - Tây (giai đoạn 1) có chiều dài gần 30km, điểm đầu tại xã Quang Sơn (TP Tam Điệp), điểm cuối tại xã Văn Phong (huyện Nho Quan). Quy mô trước mắt là 4 làn xe, riêng đoạn đầu tuyến đến nút giao cao tốc Bắc - Nam được đầu tư với quy mô 8 làn xe theo quy hoạch đô thị. Tuyến đường được thực hiện giải phóng mặt bằng quy mô 8 làn xe (bề rộng 70m).
Tổng mức đầu tư dự án trên 1.900 tỷ đồng, trong đó ngân sách trung ương là 500 tỷ đồng, còn lại là ngân sách tỉnh Ninh Bình. Đây là dự án đường giao thông có quy mô lớn nhất từ trước đến nay do tỉnh Ninh Bình phê duyệt.
Công trình được khởi công cuối tháng 3/2022, đến nay sau hơn 2 năm triển khai, dự án đã bàn giao xong mặt bằng. Hiện đơn vị thi công đã thảm mặt đường bê tông nhựa được 8,5km; đang thi công hoàn thiện nền đường, cầu, cống các đoạn còn lại (giá trị khối lượng xây lắp hoàn thành ước đạt 42,5%).
Chủ đầu tư cũng như nhà thầu quyết tâm phấn đấu hoàn thành toàn bộ công trình vào dịp chào mừng Quốc khánh 2/9, vì thế các đơn vị thi công đang nỗ lực tập trung nhân công, xe máy, thiết bị, thi công tăng ca, tăng kíp, làm việc xuyên lễ, xuyên ngày đêm để đẩy nhanh tiến độ.
Mới đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có buổi kiểm tra công trường thi công tuyến đường. Thủ tướng đánh giá cao vai trò quan trọng của tuyến đường Đông - Tây mà tỉnh Ninh Bình đang triển khai xây dựng.
Tuyến đường không chỉ có ý nghĩa đối với tỉnh Ninh Bình khi đi qua 2 địa phương được xem là "vùng trũng" về giao thông của tỉnh mà còn mở ra cơ hội kết nối với các tỉnh Bắc Trung Bộ và các tỉnh miền núi phía Bắc.
Người đứng đầu Chính phủ thăm hỏi, động viên các công nhân xây dựng tuyến đường; biểu dương tỉnh Ninh Bình trong quá trình thi công đã có nhiều cách làm linh hoạt, sáng tạo, hiệu quả, đảm bảo cả về tiến độ và chất lượng.
Thủ tướng lưu ý lãnh đạo tỉnh Ninh Bình phải thường xuyên giám sát, phòng chống tiêu cực, tham nhũng trong quá trình triển khai dự án.
Thủ tướng nhấn mạnh, đặc biệt cần chăm lo đời sống cho người dân bị ảnh hưởng bởi dự án, bảo đảm người dân trong vùng dự án di dời đến nơi ở mới có cuộc sống bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ.
Ông Giang Huy Anh, Chỉ huy trưởng công trường thi công tuyến đường Đông - Tây cho biết, để thi công tuyến đường, các nhà thầu đã phải huy động một lượng lớn máy xúc, máy phá đá xẻ 7 quả đồi, núi.
"Có hơn 1 triệu m3 đất đạt K95 khai thác từ 7 quả đồi được điều phối đến các vị trí khác trên tuyến để đắp nền đường. Việc tận dụng đất đồi đã giảm chi phí mua vật liệu rất nhiều. Tổng khối lượng đào, đắp nền đường toàn tuyến là 2,75 triệu m3", ông Anh chia sẻ.
Hiện nay, mỗi ngày trên công trường xây dựng đường Đông - Tây có khoảng 200 cán bộ, kỹ sư, công nhân với hơn 130 phương tiện, làm "3 ca, 4 kíp" để đẩy nhanh tiến độ.
Ông Nguyễn Đức Ánh (áo trắng), cán bộ Ban QLDA Đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh Ninh Bình cho biết, dự án này Ban làm đại diện chủ đầu tư và cũng đảm nhận vai trò tư vấn giám sát nên liên tục có mặt túc trực tại công trường.
"Khó khăn nhất khi thực hiện dự án đó là thời tiết. Nếu trời mưa thì phải dừng việc thi công do địa hình đồi núi phức tạp và chờ phơi đất mới tiến hành lu lèn", ông Ánh nói.
Tuyến đường Đông - Tây của Ninh Bình khi hoàn thành sẽ kết nối với các trục giao thông quan trọng của quốc gia và khu vực, nhất là đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía đông, cao tốc ven biển Ninh Bình - Nam Định - Thái Bình - Hải Phòng, đường Hồ Chí Minh, tăng cường kết nối liên vùng giữa vùng Tây Bắc (Hòa Bình, Sơn La) với vùng Đồng bằng sông Hồng, vùng Bắc Trung Bộ... mở rộng không gian phát triển kinh tế - xã hội cho tỉnh.