Xây trường, bệnh viện lãi ít không hấp dẫn nhà đầu tư
(Dân trí) - TP di dời hàng loạt nhà máy nhưng lại dành quá nhiều diện tích xây nhà để bán mà không quan tâm đến phát triển công trình phúc lợi xã hội. Trong khi đó nhiều dự án xã hội hoá bệnh viện, trường học lại chậm tiến độ.
Đó là những băn khoăn của các đại biểu HĐND TP gửi đến Giám đốc Sở Kế hạch - Đầu tư Hà Nội Nguyễn Văn Sửu trong phần chất vấn Kỳ họp 22 HĐND TP ngày 9/12.
Trả lời nguyên nhân các dự án chậm tiến độ, ông Sửu cho biết, do quá trình mở rộng địa giới hành chính nên việc chờ lập, phê duyệt các dự án quy hoạch phát triển KT-XH, quy hoạch chung và việc tạm dừng để rà soát một số đồ án theo yêu cầu của Chính phủ đã ảnh hưởng đến tiến độ.
Hơn nữa, ông Sửu cho rằng, việc đầu tư xây dựng dự án xã hội hoá trường học, bệnh viện lãi suất ít hơn ngành nghề khác nên không hấp dẫn chủ đầu tư. “Thực ra, đây là lĩnh vực có lãi nhưng không cao bằng ngành nghề khác. Trong khi đó độ rủi ro lại rất lớn nên không thu hút nhà đầu tư”, ông Sửu phân tích.
Chưa hài lòng với cách trả lời của ông Sửu, đại biểu Nguyễn Hoài Nam cho rằng, TP di dời và thu hồi đất hàng loạt nhà máy ra ngoại thành như: nhà máy Thuốc lá Thăng Long, Dệt kim, Rượu bia, dệt Minh Khai…
“Hỏi xem TP đã dành bao nhiêu diện tích để xây dựng công trình phúc lợi như trường học, trạm y tế và nhiều hạ tầng kỹ thuật khác. Có hay không chúng ta chỉ chăm chăm tới việc xây nhà để bán mà không quan tâm đến công trình phúc lợi xã hội”, ông Nam băn khoăn.
Trả lời câu hỏi của ông Nam về việc quá “chăm chăm” đầu tư vào các dự án nhà ở mà quên đi các công trình phúc lợi, ông Sửu cho rằng, TP không quên lĩnh vực giáo dục và bệnh viện nhưng việc xây dựng các công trình này phải đồng bộ với khung hạ tầng kỹ thuật ở nơi đó.
“Tôi ví dụ như nhà máy cơ khí Trần Hưng Đạo ở 93 Bà Triệu khi di dời TP đã cho xây dựng cả trường tiểu học và phổ thông ở đây. Sắp tới TP sẽ di dời cả nhà máy Dệt 8/3 và Hanosimex có diện tích 36 ha. Trong này cũng phải xây dựng bệnh viện khoảng 300 giường để phục vụ cho nhân dân”, ông Sửu nói.
“Nói về năng lực nhà đầu tư còn hạn chế và đầu tư vào lĩnh vực giáo dục và y tế là kém hấp dẫn tôi thấy không hợp lý. Tôi thấy đầu tư vào 2 ngành nghề này có lãi rất lớn”, đại biểu Vũ Đức Tân “vặn” Giám đốc Sở KH-ĐT. Đồng thời ông Tân vẫn muốn truy đến cùng trách nhiệm cụ thể của đơn vị nào làm chậm tiến độ các dự án xã hội hoá trường học, bệnh viện.
Nói về trách nhiệm của các cơ quan quản lý, Giám đốc Sở KH-ĐT cho rằng, nếu ưu đãi về đầu tư giáo dục thì sang Sở Giáo dục; ưu đãi về y tế thì sang Sở Y tế. “Chúng tôi cho là chưa có cái gì gọi là chậm, đa số các dự án triển khai tốt. Còn chậm có lẽ cụ thể ở một vài dự án. Việc đưa ra những dự án cụ thể thì mới nói được trách nhiệm cụ thể”, ông Sửu phản bác.
Theo ông Sửu, chỉ triển khai xã hội hoá bệnh viện, trường học trên địa bàn TP từ năm 2008, đến năm 2010 có tới 18 bệnh viện tư nhân đi vào hoạt động. Trong lĩnh vực giáo dục cấp giấy đầu tư cho 54 dự án đầu tư trong nước, 25 dự án đầu tư nước ngoài là sự thành công.
Trong khi đó đại biểu Phạm Thị Thành băn khoăn vể chủ chương xây dựng bệnh viện theo hình thức xã hội hoá. “Hiện nay có sự chênh lệch khá cao về giá dịch vụ và giá thuốc giữa bệnh viện công và tư. Phần tiền thu dịch vụ của bệnh viện tư nhân có định mức tối đa không? Ở đâu chịu trách nhiệm quy định giá tiền ở bệnh viện tư?”, bà Thành hỏi.
Ông Sửu cho biết, việc thu viện phí và ngay cả học phí người dân phải chấp nhận theo cơ chế thị trường: “Mức giá đó cũng phải được sự quản lý nhà nước, hàng năm vẫn phải báo cáo với Sở Y tế. Ở đây người ta cũng phải bám với giá thị trường. Nếu thu giá quá cao người này sẽ mách người kia không đến khám chữa bệnh nữa và bệnh viện đó sẽ phải cân nhắc lại viện phí”.
Quang Phong