“Đà Nẵng làm được đường kèm phố, cớ gì Hà Nội không!”
(Dân trí) - Việc thành phố Đà Nẵng làm tốt chủ trương mở đường gắn với xây dựng tuyến phố đã được dẫn ra để “truy” lãnh đạo sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội. Từ thực tiễn tại Đà Nẵng, các đại biểu cho rằng, các lý do Hà Nội đưa ra là… không thuyết phục.
Không thể trách “ông nọ, bà kia”
Tại phiên chất vấn của HĐND Hà Nội sáng nay (9/12), Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc, Nguyễn Văn Hải cho rằng, Nghị quyết của Hội đồng nhân dân về mở đường gắn với quy hoạch tuyến phố hai bên đường đã được thành phố cụ thể hoá tại một số tuyến đường mới trong các khu đô thị.
Với việc mở đường tại khu trung tâm, ông Hải cho biết, dù đã có quy hoạch về đường gắn phố, nhưng không thực hiện được như mong muốn. Theo ông Hải, sở dĩ như vậy vì nguồn lực mở đường chủ yếu từ ngân sách thành phố nên không thể giải phóng mặt bằng hai bên. Thứ nữa, việc thu hồi đất ở, đất sản xuất kinh doanh rất phức tạp, đặc biệt là khi khung giá đất chưa phù hợp với thị trường. Giai đoạn đầu thực hiện Nghị quyết thiếu các căn cứ pháp lý để thu hồi đất hai bên đường. Người dân chưa có sự đồng thuận…
Ngay sau phần mào đầu của ông Hải, đại biểu Nguyễn Hoài Nam cho rằng, các lý do đưa ra là… thiếu thuyết phục. Theo ông Nam, không thể nói thiếu nguồn lực khi chính việc xây dựng tuyến phố hai bên đường tạo ra nguồn lực.
Về việc thiếu căn cứ pháp lý, ông Nam “vặn” lại là thiếu cụ thể quy định gì và tại sao Đà Nẵng vẫn làm được, trong khi Hà Nội lại có bài học “rất đau” từ tuyến Kim Liên - Ô Chợ Dừa.
Đáp lại, ông Hải cho rằng, với tuyến Kim Liên - Ô Chợ Dừa, ông từng tham gia thiết kế tuyến này cũng như thiết kế mô hình kiến trúc hai bên đường. Tuy nhiên, thời điểm đó, việc vận động người dân vào các nhà chung cư gặp nhiều nan giải và sự đồng thuận của người dân trong giải phóng mặt bằng nói chung còn là yếu tố khó khăn.
“Đó là tuyến đường duy nhất không làm được, các tuyến sau rút kinh nghiệm, không còn như vậy nữa”, ông Hải khẳng định.
Cũng theo ông Hải, giai đoạn đầu, việc thực hiện đường gắn với phố mới chỉ dựa vào các văn bản của UBND TP, trong khi đó chưa phải là những quy định bắt buộc, chưa đủ căn cứ pháp lý.
“Tôi khẳng định văn bản pháp lý đầy đủ, nhưng chúng ta không thực hiện được. Chúng ta có thực hiện nghị quyết này không và khi triển khai các con đường mới ta có làm theo nghị quyết này không?” đại biểu Nguyễn Hoài Nam không hài lòng và truy lại một lần nữa.
Đại biểu Trần Trọng Hanh cũng cho rằng, những nguyên nhân ông Hải nêu không thuyết phục và với trả lời như vậy, Thủ đô sẽ không có những đường phố đẹp!
Theo ông Hanh, không thể nói thiếu văn bản pháp luật, bởi từ những năm 1990 - 1993 đã có những văn bản hướng dẫn mà thậm chí kỹ hơn, hay hơn cả hiện nay. Hơn nữa, theo ông Hanh, quy hoạch chi tiết thuộc thẩm quyền của thành phố, chứ không phải “trách ông nọ bà kia”, không phải chờ các văn bản của nhà nước.
Chưa hết, ông Hanh nhìn nhận, các văn bản của nhiều đời Chủ tịch thành phố ban hành không đi vào cuộc sống, nằm trong “ống” có nguyên nhân của cơ quan tham mưu là sở Quy hoạch - Kiến trúc.
“Chắc đồng chí thật thà hơn, nhận trách nhiệm trước nhân dân thì nhân dân lượng thứ hơn. Các nguyên nhân đồng chí nói ra không đúng với các đường mới như Lê Văn Lương, Phạm Hùng.”, ông Hanh nói.
Trước sự bức xúc của đại biểu, ông Hải vẫn cho rằng, thành phố đã thực hiện nghiêm túc Nghị quyết và đã có các quyết định phê duyệt mở đường đi đôi với quy hoạch hai bên đường. Về việc “thiếu” quy định pháp lý, ông Hải đổi sang hướng giải thích, quá trình thực hiện có những vướng mắc cần cần bổ sung, chứ không phải không đủ công cụ.
Giám đốc sở Quy hoạch - Kiến trúc khẳng định, những kết quả đạt được gần đây đã minh chứng cho việc thành phố đã quyết tâm thực hiện mở đường gắn với phố và vẫn đang tiếp tục thực hiện.
Không phải chỉ Đà Nẵng làm được!
Bắt tiếp vào vấn đề, đại biểu Ngô Văn Ny cho biết, trả lời truyền hình mới đây, một PGĐ sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội đã nói, Đà Nẵng làm được, nhưng Hà Nội không làm được. “Tôi thấy không tin tưởng khi lãnh đạo sở có những phát ngôn khác nhau như vậy”, ông Ny bày tỏ.
Được Chủ toạ mời phát biểu, Phó Chủ tịch UBND Thành phố, Phí Thái Bình cho rằng, việc làm chưa tốt đường kèm phố có một phần từ lịch sử. Ông Bình dẫn chứng, đường Kim Liên - Ô Chợ Dừa, do chỉ giới đường đỏ đã được công bố từ trước nên khi mở rộng làm tuyến phố hai bên người dân không đồng tình. Lúc đó, để giải quyết vấn đề giao thông, Chủ tịch Thành phố Nguyễn Quốc Triệu đã chỉ đạo làm tuyến đường, còn quy hoạch hai bên để lại sau.
Theo ông Bình, Chủ tịch Thành phố hiện nay rất quan tâm chỉ đạo việc làm đường kèm phố, nhưng để có được như mong muốn cần phải có thời gian. Về sự so sánh với Đà Nẵng, ông Bình cho rằng, mức đậm đặc dân cư, giá đất, điều kiện của thành phố này khác hơn Hà Nội.
“Nhưng không phải Hà Nội không làm được. Những dự án mới sẽ thực hiện đường kèm phố, còn những dự án cũ tồn tại thì vận động nhân dân để có thể làm tốt hơn. Với nhà siêu mỏng, siêu méo, thành phố sẽ làm triệt để”, ông Bình nhấn mạnh.
“Chốt” lại phiên chất vấn, Chủ tịch HĐND TP, Ngô Thị Doãn Thanh nhận định, chưa rõ một con đường nào cụ thể hoá nghị quyết của HĐND TP về làm đường gắn với phố. Bà Thanh cũng khẳng định, nghị quyết vẫn còn nguyên giá trị.
Cấn Cường