1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Xây trung tâm hành chính, sao phải tiêu tốn hàng nghìn tỉ của dân?

(Dân trí) - Ông Vũ Tiến Lộc phản đối việc lấy tiền dân xây trụ sở hoành tráng, tuy nhiên việc xây dựng các trụ sở hành chính tập trung vẫn có thể tiến hành thông qua sửa sang các công trình cũ hoặc thuê của tư nhân.

Trả lời câu hỏi của phóng viên Dân trí  trước thềm Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) cuối kỳ năm 2015, ông Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, trong tiến trình cải cách hành chính công, nếu áp dụng được mô hình trụ sở hành chính tập trung thì sẽ tạo được bước đột phá.

Ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch VCCI (phải) tại phiên họp báo trước Diễn đàn VBF (Ảnh: Bích Diệp)
Ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch VCCI (phải) tại phiên họp báo trước Diễn đàn VBF (Ảnh: Bích Diệp)

“Tôi phản đối việc lấy tiền dân nhưng nếu tập trung được thì rất tốt” – ông Lộc nêu quan điểm - "Tôi khuyến khích xu hướng thành lập trung tâm hành chính công ở bất cứ nơi nào có thể và chuyển tất cả các cơ sở công ích hiện nay chưa thực sự hiệu quả, cải tạo để chuyển thành trung tâm hành chính công”.

Ông Lộc cho biết, hiện tại có một phương án mà Trung Quốc đã làm cách đây 10 năm: Mỗi một người dân khi thực hiện xong thủ tục hành chính sẽ có 3 nút bấm chấm điểm “hài lòng”, “không hài lòng” và “rất hài lòng” - tức là trao quyền cho người dân được chấm điểm công chức trực tiếp.

“Tôi nghĩ trước nay cải cách hành chính của chúng ta bị vướng ở chỗ: Trên thông rồi, chính sách đã ban hành rồi nhưng cấp thừa hành, những cán bộ công chức hàng ngày tiếp xúc với doanh nghiệp, người dân lại không thực sự chuyển động. Còn nếu khi đã xây trung tâm hành chính tập trung, kết hợp thực hiện Chính phủ điện tử, có sự giám sát của người dân với công chức như vậy thì sẽ tạo được bước đột phá”.

Theo lãnh đạo VCCI, quyết định dừng loại toàn bộ việc xây dựng các trung tâm hành chính công mới là phù hợp với bối cảnh hiện nay, song vẫn có thể tạo được các trụ sở kiểu này thông qua việc sửa sang lại các công trình cũ và các cơ quan địa phương hoàn toàn có thể xoay xở được.

Việc này đã được Thái Bình áp dụng thông qua tu sửa Nhà Triển lãm thông tin tỉnh thành trụ sở tập trung mới. Theo đó, tất cả các thủ tục hành chính liên quan đều tập trung lại một nơi trong một tòa nhà lớn. Bên cạnh đó, có cơ quan kiểm tra của Đảng, cơ quan thanh tra của chính quyền. Tại tòa nhà, mọi hành vi của công chức với người dân đều được ghi lại bằng camera.

“Tôi đã hỏi các lãnh đạo ở đây và họ khẳng định chi phí không đáng bao nhiêu, song mang lại hiệu quả rất lớn”, ông Lộc cho hay.

Chủ tịch VCCI cũng đặt vấn đề: Tại sao Nhà nước lại phải bỏ tiền ra để xây dựng trụ sở cho các cơ quan công quyền? Nhà nước hoàn toàn có thể thuê của tư nhân, và đã có địa phương làm điều này.

Theo phân tích của ông Lộc thì Nhà nước chỉ cần nêu ra yêu cầu, các doanh nghiệp tư nhân sẽ đầu tư xây dựng và cho Nhà nước thuê. Nếu Nhà nước bỏ tiền ra để xây dựng một trung tâm hành chính công hay một trụ sở cơ quan thì phải trả một lúc một khoản tiền khổng lồ, nhưng hiện tại Nhà nước có thể thuê và trả dần trong 50 năm.

Với cách thức này sẽ giải quyết được vấn đề trụ sở mà không nhất thiết là Nhà nước phải dồn tiền một lúc rồi xây dựng.

Bích Diệp