1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Xây nhà cao 40-70 tầng khu Ga Hà Nội: Phục vụ lợi ích nhóm?

(Dân trí) - Trước việc TP Hà Nội đề xuất xây nhà cao từ 40 -70 tầng khu vực Ga Hà Nội, các kiến trúc sư cho rằng, việc này vì lợi ích nhóm, bởi khu vực này cần công viên, trường lớp hơn xây dựng trung tâm thương mại, khu nghỉ dưỡng…

Cần công viên, trường học...

TP Hà Nội vừa gửi văn bản số 4417/UBND-ĐT xin ý kiến các bộ ngành liên quan đối với Đồ án quy hoạch phân khu đô thị Khu vực Ga Hà Nội và phụ cận. Điểm nhấn công trình cao 200 m (khoảng 70 tầng) dự kiến được xây dựng trong khu vực này nhận được nhiều ý kiến trái chiều từ các kiến trúc sư.

Theo ông Phạm Sỹ Liêm – nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, quy hoạch cần phải chỉ rõ khu vực Ga Hà Nội có cần xây dựng khu tài chính, khu thương mại, khu lối sống mới, khu nghỉ dưỡng đô thị cao từ 40-70 tầng hay không.

Ga Hà Nội được định hướng chức năng là ga trung tâm tàu khách và tàu liên vận quốc tế
Ga Hà Nội được định hướng chức năng là ga trung tâm tàu khách và tàu liên vận quốc tế

“Quy hoạch cũng cần phải làm rõ khu vực ga Hà Nội còn thiếu cái gì. Theo tôi, công viên, trường học, công trình văn hóa phục vụ đời sống nhân dân trong khu vực cần thiết hơn khu nhà cao như vậy”, ông Phạm Sỹ Liêm nói.

Ngoài ra, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng cho rằng, khu vực Ga Hà Nội là đầu mối giao thông quan trọng kết nối với nhiều tuyến đường huyết mạch trong nội thành như Lê Duẩn, Trần Hưng Đạo, Lý Thường Kiệt, Hai Bà Trưng.

“Hiện nay, khu vực này đang bị ùn tắc, nếu xây dựng công trình cao từ 40-70 tầng thì càng làm tắc nghẽn hơn. Theo tôi đề xuất này là vì lợi ích nhóm”, ông Phạm Sỹ Liêm nói và cho rằng, hành phố phải dành quỹ đất ở khu vực này để tính toán sao cho đường Trần Hưng Đạo, Lý Thường Kiệt, Hai Bà Trưng kết nối thông suốt với trục đường phía Tây.

Nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng cũng kiến nghị thành phố nên tập trung nguồn lực hoàn thiện hạ tầng đang bị “đắp chiếu” ở các khu vực như Mỹ Đình, Hà Đông, Hoàng Mai và Bắc Nam quận Từ Liêm, hơn là cứ lao vào đầu tư xây dựng các khu đất “vàng” nội thành.

Ông Phạm Sỹ Liêm nhận định, việc các đơn vị thích nhắm vào các mảnh đất vàng trong nội thành là nhằm mục đích tiết kiệm đầu tư cơ sở hạ tầng (điện, đường, trường…). Do vậy, theo nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, TP Hà Nội phải tỉnh táo trong việc này, không nên chỉ nghĩ đến lợi ích của doanh nghiệp bất động sản, mà quên mất lợi ích của nhân dân.

Hà Nội cần bất động sản hay cần một thành phố phát triển bền vững?

Cùng vấn đề trên, kiến trúc sư Trần Huy Ánh cho biết, nghiên cứu đơn vị của Nhật ở khu vực Ga Hà Nội đã có từ nhiều năm trước. “Họ loay hoay vẽ ra đủ thứ liên quan đến bất động sản, nhà cao mấy chục tầng để bù vào tiền làm đường sắt. TP Hà Nội cần phải làm rõ việc xây dựng các tòa nhà như vậy như thế nào, phù hợp cảnh quan hay không và đem lại lợi ích gì cho xã hội. Còn nếu không đem lại lợi ích gì cho xã hội thì làm làm gì?”, ông Trần Huy Ánh băn khoăn.

Qua việc đề xuất xây dựng nhà cao tầng khu vực Ga Hà Nội, kiến trúc sư Trần Huy Ánh không rõ TP Hà Nội cần bất động sản hơn hay một thành phố phát triển bền vững hơn.

“Ùn tắc, là câu chuyện thách thức mà thành phố cần phải giải quyết trong nhiều năm nữa. Do vậy, thành phố phải tập trung nguồn lực vào vấn đề này hơn là đề xuất cho xây dựng nhà cao tầng trong nội đô”, kiến trúc sư Trần Huy Ánh nói.

Theo dõi quy hoạch TP Hà Nội nhiều năm qua, kiến trúc sư Trần Huy Ánh đánh giá quy hoạch Hà Nội đến giờ đang bị “vô hướng”. Kiến trúc sư này không rõ thành phố muốn đường hướng quy hoạch ra sao. Do vậy, theo ông Trần Huy Ánh cái gì đã được định hướng trong quy hoạch chung thì cứ thế mà thực hiện.

Hà Nội đang xin ý kiến các bộ ngành liên quan về Đồ án quy hoạch phân khu đô thị Khu vực Ga Hà Nội (Ảnh: Toàn Vũ)
Hà Nội đang xin ý kiến các bộ ngành liên quan về Đồ án quy hoạch phân khu đô thị Khu vực Ga Hà Nội (Ảnh: Toàn Vũ)

PGS.TS-KTS Trần Trọng Hanh - nguyên Hiệu trưởng Trường đại học Kiến trúc Hà Nội đánh giá trong những năm gần đây công tác quản lý vận hành quy hoạch không tốt, hàng trăm nhà cao tầng được xây dựng trong thành phố đã phá vỡ mong muốn bảo tồn hình ảnh truyền thống của đô thị, đe dọa các di sản nghìn năm lịch sử.

“Khi giải tỏa các công trình, di dời nhà máy ra ngoại thành, ngay lập tức khu chung cư, nhà cao tầng mọc lên ở đó, làm dân số tăng nhiều lần. Trong 5 năm qua dân số Hà Nội không giảm được xuống còn 80.000 người như quy hoạch mà đã tăng gấp đôi”, kiến trúc sư Trần Trọng Hanh nói.

Kiến trúc sư Trần Trọng Hanh cho rằng, TP Hà Nội cần phải làm rõ nội dung đề xuất quy hoạch khu vực Ga Hà Nôi như vậy có phá vỡ nguyên tắc cơ bản trong quy hoạch nội thành hay không.

“Nếu giải thích được điều đó thì dân đồng tình ủng hộ. Còn chỉ giải thích một số vấn đề lợi ích mang tính cục bộ thì khả năng thuyết phục được công chúng là rất khó, các Bộ ngành cũng không dám đồng ý”, PGS.TS-KTS Trần Trọng Hanh - nguyên Hiệu trưởng Trường đại học Kiến trúc Hà Nội giải thích thêm.

Quang Phong