Xây dựng quê hương Kim Liên xứng đáng với lời căn dặn của Bác Hồ
(Dân trí) - Trong lần về thăm quê lần thứ nhất, Bác Hồ căn dặn "Kim Liên phấn đấu thành xã kiểu mẫu". Khắc ghi lời Bác, xã Kim Liên đã xây dựng thành công xã nông thôn mới kiểu mẫu.

Xây dựng quê hương Bác Hồ thành xã nông thôn mới kiểu mẫu
Một ngày giữa tháng 5, dọc con đường nối từ quốc lộ 46 vào trung tâm xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An, dòng xe cộ bon bon hướng về "Hoàng Trù quê mẹ và Làng Sen quê cha".
Sau cơn mưa rào mùa hạ, bầu trời như trong xanh hơn. Nắng mải mướt trên những cánh đồng lúa trĩu bông đã ngả vàng một màu no ấm.
Bên mái nhà tranh, dưới tán tre xào xạc, gió như rì rầm kể mãi câu chuyện về một vĩ nhân cất tiếng khóc chào đời giữa mùa sen nở - Chủ tịch Hồ Chí Minh - Anh hùng giải phóng dân tộc, nhà văn hóa kiệt xuất, vị lãnh tụ thiên tài của Đảng và Nhân dân Việt Nam.

Dòng người từ mọi miền Tổ quốc về thăm quê hương Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Làng Sen, xã Kim Liên (Ảnh: Hoàng Lam).
Để rồi, ngày 16/6/1957, sau 51 năm, Người mới có dịp trở về thăm quê hương "nghĩa trọng, tình cao" trong tâm thế của một người tự do, công dân của một nước Việt Nam độc lập. Chủ tịch Hồ Chí Minh vui mừng trước sự đổi thay của quê nhà nhưng vẫn không quên căn dặn "Kim Liên phấn đấu thành xã kiểu mẫu, Bác sẽ về thăm".
"Lời dặn dò, nhắn nhủ của Bác là động lực để Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Kim Liên đoàn kết, đồng lòng xây dựng quê hương. Kim Liên là một trong những xã đầu tiên của huyện được công nhận xã nông thôn mới vào năm 2014. Năm 2020, địa phương được công nhận là xã nông thôn mới nâng cao và là một trong 3 xã được UBND tỉnh Nghệ An chọn xây dựng xã nông thôn mới kiểu mẫu.
Chúng tôi xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt của cả hệ thống chính trị, trở thành cuộc vận động lớn, nhằm thay đổi bộ mặt nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân. Với sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ của cả hệ thống chính trị, năm 2023, xã Kim Liên đã được UBND tỉnh công nhận là xã đạt nông thôn mới kiểu mẫu", ông Nguyễn Quang Lộc, Chủ tịch UBND xã Kim Liên, chia sẻ.
Theo Chủ tịch UBND xã Kim Liên, năm 2024, tổng giá trị sản xuất toàn xã đạt gần 674 tỷ đồng, thu nhập bình quân đạt 68,5 triệu đồng/người, tăng 18,8 triệu đồng/người/năm so với năm 2020. Toàn xã chỉ còn 19 hộ nghèo (tỉ lệ 0,55%) và 41 hộ cận nghèo (tỉ lệ 2,4%).
Cơ cấu kinh tế của địa phương đã chuyển dịch đúng hướng, giảm tỉ trọng ngành nông - lâm - thủy sản, tăng tỉ trọng ngành công nghiệp và dịch vụ. Các tiêu chí về văn hóa, giáo dục, sức khỏe, đời sống nhân dân đều có những bước tiến vượt bậc; an ninh trật tự, an toàn xã hội được giữ vững.
Kết cấu hạ tầng, hệ thống điện, đường, trường, trạm, thủy lợi, thiết chế văn hóa xã Kim Liên ngày càng được hoàn thiện, tạo diện mạo mới cho bộ mặt nông thôn nhưng vẫn giữ được hồn quê mộc mạc chân chất bên những thửa vườn, mỗi nếp nhà. Làm tốt công tác huy động nội lực, tranh thủ sự giúp đỡ của Trung ương, tỉnh và huyện, toàn xã đã xây dựng được một số công trình trọng điểm với giá trị đầu tư hơn 135 tỷ đồng.

Giá trị văn hóa được bảo tồn dưới những nếp nhà hàng trăm năm tuổi tại xã Kim Liên (Ảnh: Đình Tuyên).
Đặc biệt, đối với kết quả xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu theo chủ đề "Bảo tồn và phát huy giá trị truyền thống lịch sử, cách mạng, truyền thống yêu nước, gắn với phát triển du lịch tham quan học tập", chính quyền và nhân dân xã Kim Liên đã có nhiều giải pháp bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của địa phương như các di tích văn hóa, lịch sử, văn hóa, các lễ hội truyền thống, dân ca ví, giặm... gắn với phát triển du lịch.
Trong dòng chảy không ngừng, Kim Liên đã vươn mình mạnh mẽ, trở thành "miền quê đáng sống", là điểm đến hấp dẫn, gần gũi, thân thuộc đối với du khách trong và ngoài nước. Sau gần 70 năm thực hiện lời dạy của Bác, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Kim Liên có thể tự hào xứng đáng với mong muốn của Bác, xứng đáng là quê hương của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Xứng đáng là quê hương Bác Hồ
Ấn tượng đầu tiên của du khách khi về với Kim Liên có lẽ là hoa sen. Tháng 5, cũng là mùa sen nở. Sen không chỉ là biểu tượng của quê hương Bác, mà đã trở thành sản phẩm kinh tế, mang lại nguồn thu lớn cho địa phương.
Ông Trần Khắc Nghĩa, Phó Bí thư Đảng ủy xã Kim Liên, cho biết ngoài những ao sen trong Khu di tích Kim Liên và hệ thống ao, hồ tại các trục, tuyến đường lớn, địa phương đã mạnh dạn chuyển đổi một số diện tích trồng lúa, nuôi cá kém hiệu quả sang trồng sen.

Phạm Kim Tiến thành công với mô hình phát triển kinh tế từ cây sen trên quê hương Bác (Ảnh: Hoàng Lam).
Cũng từng lăn lộn nhiều nơi nhưng cuối cùng, anh Phạm Kim Tiến (Hợp tác xã nông nghiệp Sen Quê Bác) quyết định về quê khởi nghiệp bằng cây sen. Đối với anh, cây sen không chỉ có ý nghĩa về lịch sử, văn hóa, gắn với tên làng, tên đất quê hương mà sẽ phát huy được giá trị kinh tế nếu được đầu tư và có hướng đi phù hợp.
Thời điểm này, cơ sở sản xuất của anh có 20 sản phẩm từ sen thì có tới 11 sản phẩm OCOP (chương trình mỗi xã một sản phẩm) 3 sao, 4 sao. Các sản phẩm mang thương hiệu Sen Quê Bác ngoài phục vụ khách du lịch, đã vươn đến nhiều địa phương khác trong cả nước thông qua hệ thống phân phối. Mỗi năm, các sản phẩm từ sen đã mang lại cho cơ sở của anh 17-18 tỷ đồng.
Đến nay, tại Kim Liên đã hình thành vùng trồng sen nguyên liệu rộng 60ha, trong đó 22ha của Hợp tác xã sen Quê Bác, đơn vị liên kết với người dân theo hình thức cung cấp giống và phân bón trên diện tích gần 40ha. Hợp tác xã đảm bảo bao tiêu 50% sản phẩm, phần còn lại người dân có thể bán ra thị trường. Bởi vậy, một số cơ sở sản xuất, chế biến sản phẩm về sen trên địa bàn cũng có nguồn nguyên liệu ổn định để sản xuất.

Diện mạo xã nông thôn mới kiểu mẫu Kim Liên vừa mang sắc màu của sự phát triển, vừa lưu giữ những giá trị văn hóa truyền thống (Ảnh: Hoàng Lam),
Xây dựng các mô hình kinh tế gắn với phát huy giá trị truyền thống lịch sử, giá trị văn hóa tinh thần đang được lãnh đạo xã Kim Liên xác định là hướng đi chủ đạo trong thời gian tới.
Theo ông Nguyễn Quang Lộc, Chủ tịch UBND xã Kim Liên, danh hiệu "xã nông thôn mới kiểu mẫu" không chỉ là niềm tự hào mà còn là động lực để Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Kim Liên tiếp tục nỗ lực để nâng cao các tiêu chí, xây dựng quê hương Bác Hồ ngày càng giàu đẹp.
Theo đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, xã Kim Liên mới sẽ được hình thành trên cơ sở sáp nhập xã Kim Liên hiện tại với các xã Hùng Tiến, Xuân Hồng, Nam Giang và Nam Cát. Sau sáp nhập, xã Kim Liên có tổng diện tích hơn 61km2, dân số gần 55.000 người.
Theo ông Trần Khắc Nghĩa, Phó Bí thư Đảng ủy xã Kim Liên, sau sáp nhập, xã Kim Liên mới sẽ có nhiều không gian phát triển mới. Ông cũng tin tưởng rằng, sự đồng thuận, thống nhất, tinh thần đoàn kết và niềm tự hào là quê hương Bác Hồ sẽ trở thành động lực mạnh mẽ để Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xây dựng xã Kim Liên mới văn minh, giàu mạnh, phát triển.