Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển vùng dân tộc thiểu số và miền núi

Xây dựng nông thôn mới không thể "giữa dòng thay bò"

Doãn Công

(Dân trí) - Theo lãnh đạo tỉnh Bình Định, giá trị cốt lõi xây dựng nông thôn mới là tạo sinh kế bền vững cho nhân dân, song có địa phương làm chưa quyết liệt, "giữa dòng thay bò".

Cốt lõi xây dựng nông thôn mới là tạo sinh kế bền vững

Ngày 13/12, UBND tỉnh Bình Định tổ chức hội nghị sơ kết 3 năm (2021-2023) thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) xây dựng nông thôn mới và phong trào thi đua tỉnh Bình Định chung sức xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025.

Xây dựng nông thôn mới không thể giữa dòng thay bò - 1

Một góc khu dân cư xã miền núi An Dũng, huyện An Lão, tỉnh Bình Định (Ảnh: Doãn Công).

Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bình Định Nguyễn Tuấn Thanh khẳng định, 3 chương trình MTQG (xây dựng nông thôn mới; phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi; giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025) đã có những đóng góp quan trọng làm thay đổi diện mạo nông thôn; đặc biệt đời sống nhân dân được nâng cao lên.

Hạ tầng kinh tế - xã hội tiếp tục được đầu tư cải tạo, nâng cấp và làm mới tương đối đồng bộ; nhiều mô hình phát triển sản xuất có hiệu quả được nhân rộng; môi trường nông thôn được cải thiện theo hướng sáng, xanh, sạch, đẹp; hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; an toàn, an ninh, trật tự an toàn xã hội ở nông thôn được ổn định.

Xây dựng nông thôn mới không thể giữa dòng thay bò - 2

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bình Định Nguyễn Tuấn Thanh cho biết cốt lõi của xây dựng nông thôn mới là tạo sinh kế bền vững cho nhân dân (Ảnh: Doãn Công).

Tuy nhiên, ông Nguyễn Tuấn Thanh cũng cho rằng qua theo dõi, vẫn còn những mặt tồn tại cần phải có biện pháp khắc phục. Một số cấp ủy, chính quyền vào cuộc chưa quyết liệt, chưa tạo được khí thế, động lực thực sự để người dân đồng tình ủng hộ.

Theo ông Thanh, hàng năm, tỉnh đều yêu cầu các địa phương xây dựng kế hoạch, đề ra giải pháp, bố trí nguồn lực cụ thể.

"Tuy nhiên, có địa phương thay đổi liên tục, đăng ký rồi nhưng triển khai thực hiện giữa chừng thì đứt hơi, nên có xã 2-3 năm đăng ký xây dựng nông thôn mới nhưng không đạt, "giữa dòng thay bò", đầu năm đăng ký xã này, giữa năm lại xin rút đầu tư xã khác", ông Thanh nói.

Xây dựng nông thôn mới không thể giữa dòng thay bò - 3

Lãnh đạo tỉnh thăm gian hàng trưng bày sản phẩm OCOP của nông dân (Ảnh: Doãn Công).

Ngoài ra, các địa phương thiên về đầu tư hạ tầng, xây dựng cơ bản, nhưng cái cốt lõi nhất trong xây dựng nông thôn mới phải tạo sinh kế, thu nhập cho người dân, đời sống văn hóa, môi trường lại bỏ ngỏ.

Công tác tuyên truyền, nhiều địa phương làm rất tốt, nhân dân sẵn sàng hiến đất, thậm chí huy động cả nhân công, nhưng có địa phương đụng đâu dân kiện đó.

Để thực hiện các chương trình trên đạt hiệu quả, Phó Chủ tịch Nguyễn Tuấn Thanh yêu cầu nâng cao trách nhiệm người đứng đầu, cấp ủy, chính quyền địa phương, nhất là cấp xã.

Các địa phương đăng ký xây dựng nông thôn mới phải xây dựng kế hoạch chi tiết gắn với từng lộ trình, tiến trình để triển khai, kèm theo việc cân đối, bố trí nguồn lực; tiếp tục tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên, người dân thấy được mục đích, ý nghĩa và giá trị đem lại của công cuộc xây dựng nông thôn mới để tạo sự đồng thuận trong quần chúng nhân dân.

Tổng vốn ngân sách các cấp bố trí trực tiếp thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2023 là hơn 1.654 tỷ đồng. Trong đó, vốn ngân sách Trung ương gần 320 tỷ đồng, ngân sách tỉnh hơn 146 tỷ đồng, ngân sách huyện, thị xã, thành phố hơn 1.187 tỷ đồng. Ngoài ra, giai đoạn này, vốn huy động các nguồn lực khác thực hiện chương trình là gần 38.500 tỷ đồng.

Xây dựng nông thôn mới không thể giữa dòng thay bò - 4

UBND tỉnh Bình Định khen thưởng tập thể, cá nhân có thành tích tiêu biểu xuất sắc trong xây dựng nông thôn mới (Ảnh: Bình Định).

Đến nay, toàn tỉnh Bình Định có 111 xã thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới. Trong đó, có 85 xã được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, 17 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, chưa có xã đạt chuẩn nông thôn kiểu mẫu. Có 5 đơn vị cấp huyện (thị xã An Nhơn, thị xã Hoài Nhơn, TP Quy Nhơn, huyện Tuy Phước, huyện Phù Cát) được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ nông thôn mới.