1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Quảng Trị:

Xây cầu ở nơi người dân qua sông bằng hai sợi cáp

(Dân trí) - Sau nhiều năm mơ ước về một cây cầu chắc chắn thay thế sợi dây cáp qua sông Đakrông, xuân này, người dân thôn Cu Pua, xã Đakrông, huyện Đakrông, Quảng Trị sẽ được đi lại trên cây cầu bê tông.

Đón chúng tôi với vẻ mặt hồ hởi, anh Hồ Ê Nót, trưởng thôn Cu Pua, xã Đakrông, huyện Đakrông vui mừng nói: “Chỉ sau hơn một tuần xây dựng, được nhà tài trợ cho vốn, thuê thợ, bà con trong bản đóng góp công sức, cây cầu mới sắp được hoàn thành rồi. Tuy đây mới chỉ là cây cầu tạm nhưng bà con và học sinh sống bên kia sông cũng đi lại thuận tiện hơn, không còn phải lo sợ khi đi trên dây cáp nữa…”.

Xây cầu ở nơi người dân qua sông bằng dây cáp

 

Người dân thôn Cu Pua đã được tài trợ xây cầu ngầm bê tông
Người dân thôn Cu Pua đã được tài trợ xây cầu ngầm bê tông

Cách đây không lâu, báo Dân trí cùng một số phương tiện truyền thông đã phản ánh về sự khó khăn của bà con Vân Kiều ở bản Cu Pua, xã Đakrông. Do định cư bên kia sông Đakrông, ngăn cách với Quốc lộ 9 nên hàng chục năm qua, gần 30 hộ dân với khoảng 136 nhân khẩu đi lại rất khó khăn. Để vượt sông, người dân và học sinh nơi đây chỉ còn cách “đánh cược” tính mạng của mình trên sợi dây cáp thiếu an toàn, nhất là những khi thủy điện xả lũ hoặc về mùa mưa.

 

Chiếc cầu trên đã thay thế cho hai sợi dây cáp nguy hiểm trước đó
Chiếc cầu trên đã thay thế cho hai sợi dây cáp nguy hiểm trước đó

Khi tiếp cận thông tin trên, một mạnh thường quân ở TP Hồ Chí Minh đã có mặt tại thôn Cu Pua để khảo sát. Thấy thực trạng khó khăn của đồng bào nơi đây, mạnh thường quân này đã tài trợ tiền để mua vật liệu làm một cây cầu tạm thay thế hai sợi cáp này.

Được sự đồng ý của các cấp chính quyền, từ ngày 6/1 cây cầu đã được triển khai xây dựng. Chỉ sau hơn một tuần thi công, cây cầu bê tông rộng chừng 2m, có chiều dài khoảng 20m đã cơ bản hoàn thành, thay thế cho hai sợi cáp giúp cho bà con đi lại được thuận tiện và an toàn hơn.

Anh Hồ Ê Nót cho biết, trong một tuần liên tục, người dân trong bản đóng góp ngày công để vận chuyển vật liệu, phát dọn cây cối và đổ bê tông làm cầu. Nhờ tinh thần làm việc hăng say của 2 thợ xây, cây cầu đã hoàn thành sớm hơn dự kiến. Tuy nhiên, do thi công ở thời điểm gần Tết Nguyên đán nên thợ tạm nghỉ, phần đường nối bên kia cầu vẫn chưa được đổ xong, dự kiến ra Tết sẽ tiến hành làm tiếp.

Với địa hình cách trở nên người dân tại nhiều địa phương thuộc huyện nghèo Đakrông, tỉnh Quảng Trị phải đi lại trong điều kiện hết sức khó khăn. Người dân muốn đến trung tâm xã giao dịch, học sinh đến trường đều phải lội sông. Tuy nhiên, về mùa mưa lũ nước sông dâng cao thì hầu như các vùng bên kia sông bị cô lập hoàn toàn. Những chiếc cầu như thế này sẽ góp phần giúp cho người dân có cơ hội thuận tiện để giao lưu với bên ngoài.

Anh Hồ Văn Lữ (người dân bản Cu Pua) mừng rỡ cho hay: “Nhà mình ở bên kia sông nên thường đi lại trên sợi cáp này. Nhưng từ nay, mình và người dân trong bản sẽ đi lại thuận tiện hơn rất nhiều, không phải lo sợ khi thủy điện xả lũ hoặc trời mưa nữa”.

 

Em Hồ Văn Vinh phấn khởi đi trên cây cầu mới
Em Hồ Văn Vinh phấn khởi đi trên cây cầu mới

Em Hồ Văn Vinh, học sinh lớp 6 trường THCS Đakrông nói trong vui sướng: “Lâu nay chúng cháu đi học bằng dây cáp nên rất lo sợ bị trượt chân và rơi xuống sông. Những lúc trời mưa thì không dám qua, rồi khi nước sông dâng lên thì phải chờ nên không ít lần bị trễ học. Ngày nay có cầu rồi, chúng cháu không còn sợ nữa. Khi đường hoàn thành cháu cũng có thể đi bằng xe đạp rồi”.

 

Xây cầu ở nơi người dân qua sông bằng hai sợi cáp - 4

 

Được biết, chính quyền Đakrông cũng đã tiến hành khảo sát, tìm hiểu thực tế để lên phương án xây dựng mới một cây cầu vĩnh cửu nối đôi bờ Đakrông, giúp bà con đi lại thuận lợi hơn. Địa điểm được chọn xây cầu cách địa điểm này khoảng 1 km. Trong khi chờ đợi cây cầu mới được khởi công xây dựng thì cây cầu này giúp tháo gỡ vướng mắc cho người dân trong việc đi lại.

Đăng Đức