1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Quảng Trị:

Hàng trăm người ngày ngày “đánh cược” tính mạng trên… sợi cáp

(Dân trí) - Hơn 20 năm nay, hàng trăm người dân và học sinh Vân Kiều tại thôn Cu Pua, xã Đakrông phải “đánh cược” tính mạng mỗi ngày trên sợi cáp buộc khá sơ sài để vượt sông Đakrông đến trung tâm xã làm việc và học tập.

Người dân bất chấp nguy hiểm vượt sông Đakrông

 

Mặc dù biết nguy hiểm luôn rình rập trước mắt, tai nạn có thể xảy đến bất cứ lúc nào nhưng bà con nơi đây không còn sự lựa chọn nào khác. Sợi cáp treo đơn sơ này chính là lối đi duy nhất để bà con giao lưu với bên ngoài.

 

Một phần thôn Cu Pua bị ngăn cách bởi sông Đakrông
Một phần thôn Cu Pua bị ngăn cách bởi sông Đakrông

Thôn Cu Pua, xã Đakrông, huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị có gần 30 hộ dân với 136 nhân khẩu định cư bên một ngọn đồi, ngăn cách với Quốc lộ 9 bằng con sông Đakrông.

 


Liều mình bám vào sợi cáp qua sông đến trường.

Liều mình bám vào sợi cáp qua sông đến trường.

Có mặt tại đây, chúng tôi chứng kiến nhiều cảnh tượng thót tim khi thấy các em học sinh địa phương với khuôn mặt đầy sợ hãi men theo sợi dây cáp để đến trường. Điều đáng nói, sợi cáp này lại được buộc khá sơ sài, qua nhiều năm sử dụng nên đã bị hoen gỉ.

Vào mùa khô, nước sông cạn nhưng việc đi lại vẫn gặp vô vàn nguy hiểm do sợi cáp không đảm bảo được độ an toàn. Gặp thời điểm nhà máy thủy điện Rào Quán xả nước, hoặc về mùa mưa lũ, con sông này càng trở nên hung dữ, nước sông cuồn cuộn chảy thì thật khó lường trước được hậu quả.

Theo người dân địa phương đã có người bị rơi xuống đoạn sông này tử vong; còn chuyện đu cáp mà té xuống sông bị thương là chuyện xảy ra như… cơm bữa.

 

Sợi cáp khá sơ sài và đã bị hoen gỉ sau quá trình sử dụng
Sợi cáp khá sơ sài và đã bị hoen gỉ sau quá trình sử dụng

Mỗi ngày, hàng chục em học sinh phải đi qua chiếc cầu tự tạo này để đến lớp. Em Hồ Thị Hòa, học sinh lớp 8 trường THCS Đakrông, cho biết, hàng ngày các em phải bám sợi cáp này để qua sông đến trường. Dù biết nguy hiểm nhưng không có đường khác. Lúc trời mưa, nước sông dâng cao thì các em phải nghỉ học vì không thể vượt sông.

Với người dân trong thôn, lên nương, lên rẫy... đều phải nhờ đến sợi cáp. Cách đây không lâu, ông Hồ Văn Hô ở thôn Làng Cát khi bám sợi cáp đã bị ngã xuống sông, tử vong. Cái chết của ông Hô khiến nhiều người dân sợ hãi, nhưng sợ rồi lại vẫn nhắm mắt bám cáp qua sông.

Ý nguyện có một cây cầu bắc qua đoạn sông Đakrông trở thành ước mơ lớn bao đời nay của đồng bào Vân Kiều.

Anh Hồ Văn Linh, Phó thôn Cu Pua, cho biết, nhiều năm nay, hàng trăm hộ dân và học sinh hàng ngày phải bám vào đoạn cáp này để qua sông. Dẫu biết là nguy hiểm nhưng không còn cách nào khác. Đã có nhiều em học sinh rớt xuống sôngnhưng may có người cứu kịp thời.

 


Người dân đối mặt với tử thần mỗi lần qua sông.

Người dân đối mặt với tử thần mỗi lần qua sông.

Ông Trần Văn Chạy, Chủ tịch UBND xã Đakrông, cho hay: “Do nhu cầu đi lại, học tập nên người dân nơi đây làm sợi cáp này để vượt sông. Tuy nhiên, việc đi lại như thế rất nguy hiểm, đặc biệt là các em học sinh mỗi ngày phải bám vào sợi cáp để đến lớp. Về mùa mưa, việc đi lại càng khó khăn hơn gấp nhiều lần. Những người dân sống bên kia sông bị cô lập hoàn toàn với bên ngoài. Trước mắt xã đã hướng dẫn người dân buộc lại dây cáp cho chắc chắn và đang đề xuất lên cấp trên để có phương án ưu tiên xây cầu. Vừa qua, huyện cũng đã về khảo sát thực tế”.

Đăng Đức