Xây cao tốc ở ĐBSCL: Dùng cát nhân tạo thay thế cát tự nhiên không khả thi

Hoài Thu

(Dân trí) - ĐBSCL là khu vực chủ yếu sử dụng cát làm vật liệu đắp nền đường, nhưng nếu dùng cát nhân tạo thay thế hoàn toàn cát tự nhiên, giá thành sẽ cao hơn rất nhiều nên việc này không khả thi.

Nhận định này được Thủ tướng đưa ra trong văn bản trả lời chất vấn đại biểu Quốc hội về giải pháp sử dụng cát nhân tạo thay thế cát tự nhiên trong dự án giao thông.

Trước đó, đại biểu tỉnh Bạc Liêu Nguyễn Huy Thái hỏi quan điểm của Chính phủ về đề xuất giải pháp sử dụng cát nhân tạo thay thế cát tự nhiên cho các dự án giao thông và việc này có khả thi khi áp dụng ở ĐBSCL?

Dùng cát nhân tạo giá thành cao hơn nhiều so với cát tự nhiên

Thủ tướng cho biết Chính phủ đang quyết liệt chỉ đạo triển khai đầu tư, xây dựng các dự án kết cấu hạ tầng giao thông nói chung và đường bộ cao tốc nói riêng, trong đó yêu cầu các bộ, ngành, địa phương đặc biệt tập trung tháo gỡ vướng mắc để sớm cung cấp vật liệu cho các dự án, nhất là nguồn vật liệu cát đắp ở vùng đồng bằng sông Cửu Long, cũng như nghiên cứu vật liệu để thay thế cát tự nhiên.

Theo người đứng đầu Chính phủ, nhu cầu sử dụng vật liệu dùng để san lấp, đắp nền cho các dự án giao thông tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long rất lớn.

Xây cao tốc ở ĐBSCL: Dùng cát nhân tạo thay thế cát tự nhiên không khả thi - 1

Điểm đầu dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng giai đoạn 1, vị trí ở TP Châu Đốc, An Giang (Ảnh: Bảo Kỳ).

Riêng 4 dự án cao tốc trọng điểm đang triển khai có nhu cầu khoảng 56 triệu m3, chưa kể nhu cầu vật liệu cát để đắp nền cho các dự án khác do địa phương làm chủ đầu tư.

Mặc dù trữ lượng vật liệu cát sông đã được các địa phương xác định và cơ bản bố trí đủ nguồn, tuy nhiên, công suất khai thác và cung ứng chưa đáp ứng nhu cầu vật liệu theo tiến độ triển khai các dự án.

Đáng nói, nếu tăng công suất khai thác quá mức sẽ dẫn đến sạt lở bờ sông, ảnh hưởng tới đời sống xã hội trong khu vực, trong khi ĐBSCL là khu vực chịu ảnh hưởng lớn của biến đổi khí hậu. 

Vì vậy, để giải quyết sự thiếu hụt vật liệu cát xây dựng cho các dự án giao thông, Thủ tướng đã yêu cầu nghiên cứu các giải pháp nhằm ứng dụng vật liệu thay thế trên phạm vi cả nước nói chung và khu vực ĐBSCL nói riêng.

Giải pháp sử dụng cát nhân tạo thay thế cát tự nhiên, theo Thủ tướng, đã được ngành giao thông áp dụng nhiều năm nay.

Nhưng ĐBSCL là khu vực chủ yếu sử dụng cát làm vật liệu đắp nền đường với nhu cầu rất lớn, nếu sử dụng cát nhân tạo để thay thế hoàn toàn cát tự nhiên cần khai thác các mỏ đá với khối lượng rất lớn cũng như phải bố trí rất nhiều dây chuyền sản xuất mới đáp ứng đủ nhu cầu.

Giá thành vì vậy cũng cao hơn nhiều so với cát tự nhiên, nên việc áp dụng giải pháp này để thay thế hoàn toàn cát tự nhiên tại khu vực ĐBSCL là không khả thi, theo quan điểm của Thủ tướng.

Ông cho rằng chỉ nên ưu tiên sử dụng để thay thế cát tự nhiên ở một số hạng mục với khối lượng sử dụng không lớn như: sản xuất bê tông nhựa, bê tông xi măng…

Các giải pháp xây dựng cầu cạn đòi hỏi nguồn kinh phí lớn

Đối với việc nghiên cứu xây dựng đường cao tốc trên cầu cạn tại khu vực ĐBSCL thay cho xây dựng đường cao tốc trực tiếp trên nền đất yếu, Thủ tướng cho biết đây là giải pháp đã được Chính phủ, Thủ tướng yêu cầu xem xét.

Xây cao tốc ở ĐBSCL: Dùng cát nhân tạo thay thế cát tự nhiên không khả thi - 2

Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thắng thị sát các dự án cao tốc khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (Ảnh: Báo Giao thông).

Trong đó, Chính phủ, Thủ tướng chỉ đạo các cơ quan nghiên cứu nghiêm túc, toàn diện về kỹ thuật, kinh tế, xã hội, môi trường ngay từ bước chuẩn bị đầu tư để so sánh, quyết định, như: sử dụng công trình cầu cạn toàn bộ tuyến; kéo dài cầu vượt sông để giảm chiều cao đắp đầu cầu; xử lý lún bằng cọc xi măng đất, sàn giảm tải...

Những giải pháp này nhằm giảm thiểu việc sử dụng cát san lấp, rút ngắn thời gian chờ lún, tăng tính ổn định, giảm thiểu các rủi ro trong thi công và quá trình khai thác.

Tuy nhiên, Thủ tướng nhận định các giải pháp xây dựng cầu cạn đòi hỏi nguồn kinh phí lớn (hiện chi phí xây dựng cầu cạn cao hơn khoảng 2,6 lần so với giải pháp đắp nền).

Trong bối cảnh nguồn lực đầu tư có hạn, nguồn vật liệu cát khu vực ĐBSCL vẫn có khả năng đáp ứng cho các cao tốc đang triển khai trong giai đoạn 2021-2025 nên chủ yếu đang áp dụng giải pháp đắp nền bằng cát; xử lý đoạn đắp cao đầu cầu bằng cọc xi măng đất, sàn giảm tải; xây dựng cầu cạn cho các đoạn tuyến có chiều sâu đất yếu lớn, bảo đảm các tiêu chí về môi trường, thoát lũ...

Những giải pháp này, theo người đứng đầu Chính phủ, có chi phí đầu tư hợp lý. 

Để chuẩn bị đầu tư cho các dự án trong thời gian tới, Thủ tướng chỉ đạo Bộ GTVT nghiên cứu, báo cáo toàn diện về giải pháp phát triển giao thông khu vực ĐBSCL và phương án vật liệu san lấp cho triển khai các dự án.