Xâm nhập nhà máy giấy “bức tử” một dòng kênh
(Dân trí) - Dòng kênh Liêm Xuyên ngày nào vẫn còn trong xanh, ăm ắp cá tôm, nay cứ “chết mòn” bởi sự tồn tại của các công ty, nhà máy sản xuất, gây ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến đời sống của hàng ngàn người dân.
Trước thực trạng dòng kênh Liêm Xuyên bị “bức tử”, ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, PV Dân trí đã có chuyến đi, “mục sở thị” tình trạng gây ô nhiễm của nhà máy sản xuất - công ty TNHH giấy Bắc Hà, nằm trên địa bàn thôn Liêm Xuyên - xã Song Khê - thành phố Bắc Giang - tỉnh Bắc Giang.
Công ty giấy này bắt đầu đi vào hoạt động từ năm 2003 với diện tích hơn 10 nghìn mét vuông và số lao động thường xuyên trên dưới 60 công nhân, sản xuất bao bì trên cơ sở tái chế bao bì đã qua sử dụng.
Hình ảnh đầu tiên đập vào mắt chúng tôi khi tới Công ty TNHH giấy Bắc Hà là những “núi rác” bao bì phế thải khổng lồ với chiều cao lên đến hơn chục mét, chiếm phần lớn diện tích của công ty. Khu vực chế biến bao bì chiếm một diện tích nhỏ sát khu vực tường bao.
Từng "núi" phế liệu nhấp nhô trong khuôn viên nhà máy giấy Bắc Hà.
Bước chân vào khu vực sản xuất, người không quen sẽ không thể chịu nổi tiếng ồn khủng khiếp phát ra từ những chiếc máy cán giấy khổng lồ đã có “thâm niên” hàng thập kỷ hoạt động đến độ nhiều bộ phận trông bên ngoài đã han gỉ.
Không khí sản xuất nơi đây khá khẩn trương với hàng chục công nhân luôn chân luôn tay. Chu trình sản xuất giấy bao bì từ các loại bao bì phế thải khá đơn giản: Khoảng 5, 6 lao động có nhiệm vụ tập hợp từng xấp bao bì đã qua sử dụng, dùng tay bóc bỏ toàn bộ lớp băng dính dán trên bề mặt hộp.
Rác ni lông ngổn ngang được tập kết ở khu vực đốt và bể chứa nước nhem nhuốc trong nhà máy.
Những xếp giấy đã qua sơ chế được chuyển đến khu vực máy cắt giấy và nghiền giấy công nghiệp để cắt nhỏ và nghiền nát trước khi vận chuyển đến các máy sản xuất chuyên dụng để tiến hành ép và sản xuất bao bì mới. Theo ghi nhận của phóng viên, nước thải công nghiệp xuất hiện từ khâu ép giấy. Nước chảy tràn qua các bánh xe khổng lồ đã han gỉ xuống ngay sàn nhà khiến cho khu vực sàn luôn trong tình trạng nhơm nhớp, bẩn thỉu.
Phần lớn nước thải qua một ống nhỏ đổ dồn xuống máng bê tông chảy ra khu vực bể chứa. Nước thải từ các máy ép có một màu nâu đục, sủi bọt thành từng mảng lớn đóng cặn và két lại dọc theo máng chảy. Nước chảy dọc máng đổ đến bể chứa tạm bợ có diện tích chừng 1m2 đặc quánh và không có nắp đậy. Sau đó, nước tiếp tục được trung chuyển qua các máng nhỏ và các ống dẫn đổ ra các bể trung chuyển và cuối cùng đổ ra một bể lắng cặn trước khi xả trực tiếp ra dòng kênh cách nhà máy chừng trên dưới 100m qua một hệ thống ống dẫn chia ra thành 3 cống thải sát mép kênh Liêm Xuyên.
Những cuộn giấy bao bì khổng lồ vẫn còn bốc khói nghi ngút liên tục xuất xưởng được các công nhân cuộn lại và xếp thành hàng dãy gọn gàng. Trong khu vực sản xuất cạnh một lò đốt lớn luôn đỏ lửa là một đống khá lớn những phế liệu băng dính, nilon.
Nước thải từ các ổng nhựa chảy ra máng để thoát ra ngoài.
(Ảnh chụp ngày 03/3/2011. Ảnh: Anh Thế)
Người dân thôn Liêm Xuyên không chỉ phải chịu đựng sự ô nhiễm nặng nề của kênh Liêm Xuyên mà còn “sống dở chết dở” với những cột khói đốt phế liệu từ Công ty TNHH giấy Bắc Hà. Anh Hoàng Văn Luân, người dân thôn Liêm Xuyên, vừa cuốc ruộng vừa nhăn nhó: “Công ty giấy Bắc Hà này sản xuất giấy tái chế. Họ không chỉ đốt các loại giấy thông thường mà là đốt băng dính được bóc ra từ các thùng bìa cát tông. Làng tôi cách nhà máy giấy Bắc Hà chừng 300m đúng hướng gió Đông Nam nên mỗi trận đốt, các cột khói khét lẹt cứ thế cuồn cuộn lao thằng vào vây kín xóm”.
Bày tỏ sự việc với PV Dân trí, ông Thân Đức Bộ - Trưởng trạm bơm thôn 7 - bức xúc chỉ một cống xả thải của Công ty giấy Bắc Hà đang hoạt động đổ trực tiếp ra dòng kênh gây ô nhiễm. Theo ông Bộ, tình trạng nhà máy giấy thải nguồn nước ô nhiễm ra dòng kênh đã nhiều năm nhưng vẫn chưa được giải quyết dứt điểm, đáng lo ngại hơn là nguồn nước ô nhiễm từ kênh Liêm Xuyên lại chảy thẳng ra Sông Thương, nguy cơ "bức tử" nốt cả con sông lớn này.
Trao đổi với PV, Nguyễn Minh Sao - Giám đốc Công ty TNHH giấy Bắc Hà - cho biết: “Ngoài việc thu gom phế liệu tại địa phương và các vùng lân cận để tái chế giảm thiểu ô nhiễm môi trường, chúng tôi còn giải quyết nhu cầu việc làm cho hàng chục lao động tại địa phương. Riêng việc đốt khói thì chúng tôi chỉ cho đốt rác thải mà thôi”.
Trước tình trạng ô nhiễm nặng nề mà kênh Liêm Xuyên đang hứng chịu, ông Sao cho rằng, việc nguồn nước kênh Liêm Xuyên bị ô nhiễm không chỉ riêng công ty giấy Bắc Hà gây nên mà có cả những nhà máy khác và cả trại lợn trên địa bàn gây ra nữa. Cho đến nay hệ thống nước xả của công ty vẫn chưa được xử lý một cách triệt để do hệ thống xử lý nước thải của công ty đang trong giai đoạn xây dựng, sẽ hoàn thiện vào ngày 30/6 năm nay.
Anh Thế - Quốc Đô