Đắk Nông:
Xâm hại rừng thông để chiếm đất mặt tiền!
(Dân trí) - Nhiều vạt rừng thông tại Đắk Nông đang bị xâm hại, làm chết dần chết mòn để lấn chiếm đất mặt tiền và mở rộng diện tích đất nông nghiệp. Tình trạng này đã kéo dài nhiều năm nay nhưng ngành chức năng vẫn chưa có biện pháp hiệu quả để ngăn chặn.
Hàng chục nghìn gốc thông gần 30 tuổi nằm dọc theo tuyến đường đường vào bản Đắk Lép, xã Nâm N'Jang, huyện Đắk Song, nằm kế bên Quốc lộ 14 với chiều dài khoảng 2,5 km đã bị đầu độc làm cho chết đứng.
Theo một số người dân, thời gian từ lúc cây thông bị đầu độc đến khi chết khô kéo dài gần 1 năm. Trong khi tuyến đường này chỉ mới hoàn thành được hơn 1 năm. Như vậy, việc mở rộng đường tại đây đã đặt dấu chấm hết cho vạt rừng xanh ngút ngàn. Hàng chục nghìn gốc thông với đường kính mỗi gốc khoảng 30 cm đã vĩnh viễn bị xóa sổ.
Trái ngược với những hình ảnh xanh tốt của cây cỏ xung quanh, hàng chục nghìn gốc thông đã chết đứng và bắt đầu mục nát. Màu xanh ngút ngàn của thông đã bị thay thế bằng những hình ảnh xám xịt, chết chóc – đây là những hình ảnh ai cũng dễ dàng nhìn thấy khi đi lại qua đây.
Ông Lâm Văn Trung - một người dân xã Nâm N'Jang cho biết: “Nhìn thấy rừng thông bị phá tôi thấy rất đau lòng. Vì cảnh quan môi trường của đất nước ta. Trên thực tế, khu này chẳng khác gì một lá phổi cho xã Nâm N'Jang”.
Theo Tổ quản lý, bảo vệ rừng bản Đắk Lép, các đối tượng phá rừng thực hiện việc này rất âm thầm, tinh vi. Chúng khoan hoặc vạt vào cây thông tại phần phía dưới gốc, sau đó bơm, tiêm hóa chất vào để cây chết dần chết mòn. Cây thông chỉ được phát hiện đã bị đầu độc khi đã bắt đầu úa vàng, khoảng hơn 3 tháng kể từ khi bị bơm hóa chất.
Người trong khu vực bản Đắk Lép thì có ý thức bảo vệ nhưng những khu vực khác như khu vực Nam Bình, khu vực phía ngoài khu chợ (ý nói các khu vực lân cận - PV) thì vào đây để phá rừng thông giành mặt tiền. Các đối tượng thường phá trộm ban đêm, thậm chí là 2, 3 giờ sáng để chích thuốc sâu, thuốc trừ cỏ vào, ông Lâm Văn Trung, Thành viên Tổ quản lý, bảo vệ rừng của xã Nâm Njang chia sẻ.
Theo Hạt kiểm lâm huyện Đắk Song, thực hiện chủ trương giao khoán đất rừng cho dân, cộng đồng bản Đắk Lép được Quỹ bảo vệ và phát triển rừng, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh giao bảo vệ gần 150 ha rừng. Toàn bộ diện tích là rừng sản xuất, được trồng từ năm 1986, nhiều cây đã có đường kính lên đến 50 cm. Tuy nhiên, qua kiểm tra mới đây, ước tính sơ bộ đã có hàng chục nghìn gốc thông bị đầu độc, với diện tích lên đến hàng chục hecta.
Trao đổi vấn đề này, ông Nguyễn Văn Thịnh - Hạt trưởng Hạt kiểm lâm Đắk Song, cho biết, đối với diện tích rừng thông bị đầu độc chết, kiểm lâm đã tham mưu cho UBND huyện thành lập Đoàn 12 (Đoàn thực hiện Chỉ thị 12 của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện các biện pháp cấp bách để bảo vệ rừng) đi rà soát rất cả diện tích này. Đồng thời đối với diện tích ở mức xử lý hành chính thì Hạt sẽ lập hồ sơ để xử lý hành chính. Còn diện tích trên mức xử lý hành chính, có dấu hiệu hình sự thì sẽ phối hợp với cơ quan Công an, kiểm sát để khám nghiệm hiện trường, cũng như là giám định thiệt hại và các thủ tục liên quan để khởi tố vụ án.
Tình trạng xâm hại rừng thông, bức tử rừng thông phòng hộ, cảnh quan dọc theo Quốc lộ 14 và một số tuyến đường khác tại Đắk Nông đã kéo dài nhiều năm nay. Hàng chục, hàng trăm nghìn gốc thông từ 30 - 50 tuổi đã bị đầu độc, đốn hạ để lấn chiếm đất mặt tiền hoặc mở rộng trồng cà phê, hồ tiêu. Dọc theo Quốc lộ 14, nhiều vạt rừng thông tiếp giáp với vườn, rẫy của dân đang tiếp tục bị xâm hại và thông chết đến đâu, thì cà phê, tiêu thay thế đến đó.
Ông Lê Viết Sinh - Phó Chủ tịch UBND huyện Đắk Song cho biết: rừng cảnh quan ven Quốc lộ 14 bị người dân xâm canh, lấn chiếm và phá hại rất nhiều. Nguyên nhân chính là người dân lấn chiếm đất để phát triển nông nghiệp, đặc biệt là những cây công nghiệp như tiêu, cà phê… và lấn chiếm để chiếm đất mặt tiền Quốc lộ. Lực lượng chức năng địa phương và chính quyền các cấp đã vào cuộc rất mạnh mẽ, tuy nhiên việc phá rừng thông nhỏ lẻ kéo dài và thường thực hiện vào ban đêm và rất tinh vi nên việc phát hiện, ngăn chặn hết sức là khó.
“Chúng tôi đã thành lập đoàn 12 (liên ngành về bảo vệ rừng), chỉ đạo cho lực lượng công an lập chuyên án điều tra để hạn chế, ngăn chặn tình trạng này. Đến thời điểm này thì hầu hết người dân dọc Quốc lộ 14 đã cùng với chính quyền địa phương cam kết quản lý, bảo vệ. Tuy nhiên, việc giữ rừng vẫn đòi hỏi nhiều công sức thì mới làm được. Vì ý thức người dân vẫn chưa được tốt. Vì lợi ích trước mắt mà người ta cố tình làm việc này”, ông Sinh nói.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Đắk Nông, rừng thông ven Quốc lộ 14 đoạn qua địa bàn tỉnh được trồng từ năm 1978 đến năm 1986 với tổng diện tích hơn 430 ha. Diện tích rừng chủ yếu thuộc địa phận hai xã Nâm N'Jang và Trường Xuân (đều thuộc huyện Đắk Song). Tình trạng chặt phá, đầu độc rừng đã kéo dài nhiều năm nay với tổng diện tích bị xâm hại gần 200 ha.
Đã đến lúc, các ngành chức năng tỉnh Đắk Nông và chính quyền địa phương thực hiện các biện pháp mạnh tay, nhanh chóng để xử lý các đối tượng tàn phá rừng thông. Trách nhiệm của cá nhân, tổ chức liên quan đến việc để mất rừng cũng phải được xử lý nghiêm minh, trước khi những vạt rừng thẳng tắp, cao vút, được ví đẹp như tranh vẽ bị bức tử tới cây cuối cùng.
Đức Cường