1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Thừa Thiên - Huế:

Xã tự tiện bán máy phòng chống thiên tai của dự án giúp dân

(Dân trí) - Ngày 18/5, ông Nguyễn Em, quyền Chủ tịch UBND xã Lộc An (Phú Lộc, TT-Huế) thừa nhận xã đã đem máy của dự án nước ngoài hỗ trợ nhân dân phòng chống thiên tai... bán cho một người nhà cán bộ xã này để lấy vốn đối ứng cho dự án.

“Sếp chỉ đạo thì tụi tui làm”

Ông Em cho biết: Vào ngày 27/8/2007, xã Lộc An thành lập một hội đồng, đứng đầu là ông Cao Xuân Minh, nguyên Chủ tịch xã Lộc An (nay đã qua đời), trong đó có ông Em và các cốt cán khác trong ban lãnh đạo ủy ban xã. Hội đồng này đem bán 1 máy nổ D16,5 thuộc dự án của CECI (một tổ chức phi chính phủ của Canada) với giá 4 triệu đồng cho người nhà của một cán bộ xã Lộc An.

Số tiền này dùng để chi trả vốn đối ứng 5% cho dự án tài trợ các máy móc phòng chống thiên tai cho xã Lộc An.

Trước đó, vào ngày 10/11/2006, tổ chức CECI đã trang cấp cho xã Lộc An 12 máy gồm: 2 máy nổ D16,5 dùng để chống úng chống hạn, 4 máy nổ D8 phục vụ công tác phòng chữa cháy, 3 máy của LOKL và 3 bình phun (dạng bình bơm tiêu độc khử trùng).

Xã tự tiện bán máy phòng chống thiên tai của dự án giúp dân - 1
Những chiếc máy còn lại thuộc dự án CECI vứt lăn lóc gần nhà vệ sinh của ủy ban xã Lộc An

Toàn bộ số máy này nằm trong dự án “Tăng cường an toàn cho con người, môi trường và quản lý thảm họa (EHSEDM)” của CECI giúp người dân xã Lộc An nhằm xây dựng 1 mô hình thích ứng với biến đổi khí hậu dựa vào cộng đồng có thể đem áp dụng ở nhiều điều kiện kinh tế - xã hội khác nhau. Mục đích cuối cùng là để phòng chống các tác động của biến đổi khí hậu dưới các hình thức thiên tai như lũ lụt và lốc xoáy, gây ảnh hưởng đến con người và môi trường.

Điều đáng nói là sau khi nhận máy và đã đưa cho CECI 5% vốn đối ứng (nguyên tắc phải đưa cho bên đầu tư tiền đối ứng mới được nhận máy), hơn nửa năm sau, xã đã bán 1 máy nổ D16,5 để bù vào tiền chi trả vốn đối ứng mà xã đã bỏ ra trước đó.

Việc làm trên của xã Lộc An bị người dân phát hiện và đề nghị đối chất trong các buổi họp dân gần đây. Kết quả là xã đã thừa nhận việc làm sai trái của mình. Nhưng vì chủ tịch cũ đã qua đời nên dư luận tập trung vào người tiền nhiệm là ông Nguyễn Em.

Xã tự tiện bán máy phòng chống thiên tai của dự án giúp dân - 2
Ông Nguyễn Em, quyền chủ tịch xã Lộc An trao đổi về vụ việc xã bán máy lấy tiền đối ứng

Trả lời câu hỏi của PV: “Tại sao đã đưa dự án đầy đủ tiền đối ứng để lấy máy rồi mà sau đó lại thành lập hội đồng bán máy để lấy tiền đối ứng nữa? Cá nhân ông là phó chủ tịch kinh tế, là người đứng thứ hai trong hội đồng này sao không có ý kiến gì với chủ tịch?”, ông Nguyễn Em (nguyên là phó chủ tịch kinh tế xã Lộc An) nói: “Thì sếp đã chỉ đạo rồi nên tụi tui cũng làm theo và ký theo sếp. Việc bán máy theo sếp là để lấy tiền đối ứng. Biết cũng không đúng lắm nhưng cũng phải làm theo”.

Hiện xã Lộc An đã gửi đơn trình bày sự việc lên huyện Phú Lộc. Về phương án có hay không việc thu hồi lại máy thuộc dự án đã bị bán, ông Em cho biết nếu huyện yêu cầu thì xã sẽ trích quỹ ra để mua lại máy trên.

Thảm thương số phận “máy giúp dân”

Hiện tại, ở trụ sở ủy ban xã Lộc An còn dư 3 máy của LOKL, 2 máy D8, 1 máy D16,5 và 2 bình phun. Số máy đã đi vào sử dụng gồm: 1 máy D8 trang cấp cho ban quản lý chợ Truồi phục vụ công tác phòng cháy chữa cháy, 1 máy D8 cho HTX Đại Thành mượn để phát điện phòng chống lụt bão, 1 bình phun cấp cho thú y xã.

Tuy nhiên cho đến nay, việc sử dụng máy rất kém hiệu quả. Theo ông Hoàng Chiến, Chủ nhiệm HTX Đại Thành “Máy nổ mà xã cho mượn để phục vụ phát điện trong bão lũ chưa được sử dụng lần nào và vẫn còn rất mới. Hiện chúng tôi vẫn để ở trong kho của hợp tác xã”.

Tương tự, một máy nổ D8 cho chợ Truồi mượn vẫn không phát huy được hiệu quả về phòng cháy chữa cháy. Các máy để ở trụ sở ủy ban xã cũng nằm lăn lóc, bụi bặm bám đầy, rất lãng phí.

Xã tự tiện bán máy phòng chống thiên tai của dự án giúp dân - 3
Thảm thương phận “máy giúp dân” khi không được sử dụng hiệu quả và không được bảo quản tốt.

Nhưng khi trao đổi với PV về hiệu quả sử dụng máy, ông Nguyễn Em cười xởi lởi: “Toàn bộ máy được sử dụng rất hiệu quả các anh ạ. Dù chỉ có lụt bão mới đem ra nhưng chỉ cần bỏ xăng và giật máy một cú một là máy chạy rất tốt. Tại chợ cũng để máy ở đó, có chuyện gì mới cho máy chạy nhưng đến nay vẫn chưa có chi xảy ra”.

Một cán bộ xã Lộc An chia sẻ: “Nhìn mấy máy nằm lăn lóc như vậy mà nghĩ đến dự án tài trợ. Họ sẽ buồn biết chừng nào nếu thấy phương tiện giúp dân mà bị lãng phí quá. Nếu để máy này cho các xã khác cần để dùng thì tốt hơn biết mấy”.

Trong khuôn khổ dự án của CECI tài trợ còn 2 xã thuộc huyện Phú Lộc nhận được sự giúp đỡ. Ở xã Lộc Bình có 5 máy nổ xăng và 2 máy bơm vẫn còn nguyên, sử dụng khá hiệu quả. Riêng ở xã Lộc Hòa nhận hỗ trợ 1 máy phát điện, 8 máy PCCC, 10 loa cầm tay. Trong tổng số 8 máy nổ PCCC thì có 3 máy được ông Đào Văn Chương, nguyên Chủ tịch UBND xã, sử dụng vào mục đích cá nhân, 2 máy bơm khác nằm ở nhà trưởng thôn 2 và thôn 9 không biết dùng vào việc gì. Còn lại các máy ở xã này cũng chưa phát huy được hiệu quả so với mục đích dự án.
 
Đại Dương

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm